Nhiều người trẻ đã chia sẻ lên mạng xã hội hành trình đến núi Thị Vải đi tam bộ nhất bái 1.340 bậc thang để lên chùa Linh Sơn Bửu Thiền ở trên đỉnh núi. Trước đó, một số clip về người xuất gia phát nguyện đi "tam bộ nhất bái" hay "nhất bộ nhất bái" cũng xuất hiện trên các nền tảng.
Vậy tam bộ nhất bái là gì, đi tam bộ nhất bái để làm gì? PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với thầy Thích Minh Thiền, trụ trì chùa Đức Hòa (Bình Dương) về chủ đề này.
Xin thầy cho biết tam bộ nhất bái, nhất bộ nhất bái là gì và ý nghĩa của việc vái lạy này là gì?
Thầy Minh Thiền: Từ ngày trước, những bậc thầy lớn đã từng phát nguyện đi tam bộ nhất bái, nhất bộ nhất bái được sách sử chép lại. Tam bộ nhất bái là cứ 3 bước thì lạy 1 lạy, nhất bộ nhất bái là 1 bước 1 lạy.
Thầy Thích Minh Thiền nói về tam bộ nhất bái
Có những vị phát nguyện khi vái lạy tam bộ nhất bái, nhất bộ nhất bái rằng để cầu nguyện cho chúng sinh hướng về Phật pháp; cầu nguyện cho tất cả chúng sinh được an lành trong cuộc sống.
Đây không phải là phát nguyện vì cá nhân mà để nguyện cầu theo đúng tinh thần của nhà Phật là lòng từ bi, làm việc gì cũng nghĩ đến chúng sinh, đem công đức phước lành mình có trong việc làm đức hạnh này để gửi đến và cầu nguyện cho chúng sinh.
Tôi từng hỏi những bạn trẻ phát nguyện đi tam bộ nhất bái trên núi Thị Vải là bạn đi để làm gì? Có bạn nói là con đi để cầu nguyện cho bố mẹ con được khỏe; có bạn nói con đi vì có người dì của con đang bị ung thư, muốn lạy để cầu nguyện cho người dì của con; bạn thì đi như vậy con cầu nguyện cho người thân được bình an; có bạn cầu nguyện cho tất cả mọi người đã mất trong đại dịch Covid-19 được siêu thoát…
Nhiều người trẻ đi tam bộ nhất bái vì là lòng thành kính dâng lên Đức Phật, trong mỗi cái lạy xin được cầu nguyện những năng lượng tốt đẹp nhất đến với tất cả mọi chúng sinh, đến với người thân trong gia đình hoặc đến với một ai nào đó mà họ thương quý đang gặp hoàn cảnh khó khăn.
Vậy thầy nhìn nhận như thế nào về trào lưu tam bộ nhất bái đang được chia sẻ trên mạng xã hội?
Thầy Minh Thiền: Nếu nói đây là trào lưu thì chúng ta hãy cầu nguyện cho trào lưu này được lớn mạnh hơn, được những người trẻ siêng năng thực hiện hơn. Khoan hãy nói đến chuyện lạy Phật để được gì, nhưng khi một người trẻ mà dám gác lại công việc, dám đi về núi để lạy mặc dù không biết cái lạy có lợi ích như thế nào mà đi lạy đã rất là quý.
Đừng xem thường một cái cúi đầu để lễ, mặc dù từng bước đi đó là qua bậc thang đá cheo leo, đâu có Đức Phật ở đó đâu; nhưng thưa, Phật không có trên con đường đó, nhưng Phật có trong tâm của người đang cúi lạy.
Vậy xin thầy cho biết đi tam bộ nhất bái, nhất bộ nhất bái thế nào là đúng?
Thầy Minh Thiền: Với nhất bộ nhất bái thì chúng ta bước chân trái của mình tới trước, nhấc chân phải lên đặt ngang bằng với chân trái, kính cẩn chắp tay cúi lạy, sau đó đứng người lên trong một tư thế trang nghiêm và bước tiếp chân phải, nhấc chân trái bằng chân phải chân phải rồi lặp lại. Cứ mỗi bước như vậy lạy xuống bằng sự kính cẩn.
Còn tam bộ nhất bái là bước 3 bước thì lạy 1 lạy. Trong từng bước đi thật nhẹ nhàng, mỗi bước chân có chánh niệm, có sự thành kính thì bước chân và cái lạy ấy có năng lượng an bình. Người đi tam bộ nhất bái hay nhất bộ nhất bái không đi vội vã, cũng không phải làm cho có hình ảnh để người khác nhìn, người khác biết chúng ta có lạy.
Mỗi cái cúi đầu lạy của những Phật tử cũng như những người trẻ trên đường đi lên núi Thị Vải hay ở trước Đức Phật có ý nghĩa như thế nào, thưa Thầy?
Thầy Minh Thiền: Nhiều người dù cúi lạy ở con đường cheo leo, sỏi đá hay bậc thang đang đi lên nhưng khi cúi lạy thì thấy Đức Phật hiện hữu ở trong tâm. Như vậy, mỗi cái cúi lạy đều được xem là cúi lạy trước Đức Phật.
Nhưng ý nghĩa sâu thẳm của cái cúi lạy này để thấy bản thân còn rất nhỏ bé và con cúi lạy Đức Phật để con học theo hạnh của Đức Phật; từ đó dẹp đi cái tự cao tự đại, cái bản ngã của bản thân để biết kính và thương mọi người. Không phải ta chỉ thấy mình nhỏ bé trước Đức Phật mà trong cuộc sống này khi đối diện trước mọi người ta cũng thấy mình nhỏ bé, mình không hơn ai, từ tâm niệm đó mình không xem thường bất kỳ ai mình gặp trong cuộc sống này.
Theo thầy vì sao ngày càng nhiều bạn trẻ tìm về với Phật pháp ạ?
Thầy Minh Thiền: Chúng ta có thể thấy ngày hôm nay có nhiều người trẻ, trong đó có những bạn tín ngưỡng tôn giáo không phải Phật giáo nhưng khi thấy bạn bè, đồng nghiệp mình đi chùa, biết nương những khóa tu, nghe lời Phật dạy có thay đổi trong cuộc sống thì họ cũng muốn tìm hiểu.
Lại có những người khi thấy bạn bè, người này người khác, bắt gặp đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội nên hiếu kỳ muốn tìm hiểu. Và khi người trẻ đến với Phật pháp sẽ đón nhận được những giá trị cao đẹp mà Đức Phật dạy, từ những người xuất gia nhắc nhở người trẻ sẽ đón nhận được những năng lượng an lành, có cách sống để sống có lợi ích.
Xin cảm ơn thầy với những chia sẻ trên!
Bình luận (0)