Ra riêng là lựa chọn tốt nhất?
Năm 2020, Phạm Nguyên Bình (20 tuổi), sinh viên Trường ĐH RMIT ở cùng với ba mẹ tại P.Bình An, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Căn nhà khang trang và có đủ tiện nghi sinh hoạt, cũng như không gian riêng. Nhưng khi ấy, Bình vẫn cảm thấy cuộc sống của mình thiếu đi một trải nghiệm thực sự. Nghĩ vậy, Bình xin ba mẹ cho ra ở riêng nhưng bị từ chối. Bình đành vâng lời vì chỉ còn duy nhất mình ở nhà để chăm sóc ba mẹ.
Phải mất 2 năm kiên trì, Bình mới thuyết phục được ba mẹ rằng mình cần hướng đi riêng, cần hiểu cuộc sống tự lập. "Những tối mình có việc hoặc đi với bạn bè về trễ, cha mẹ thức khuya chờ khiến mình cũng rất lo. Để chấm dứt cho nỗi lo từ 2 bên thì mình nghĩ ra riêng là lựa chọn tốt nhất. Tất nhiên mình vẫn về thăm ba mẹ thường xuyên và vào những dịp quan trọng vì mình vẫn luôn muốn dành thời gian với ba mẹ", Bình chia sẻ.
Không như mơ, 2 tháng đầu, Bình tiêu sạch 60 triệu đồng, cũng là số tiền ba mẹ cho và Bình dành dụm được. Các chi phí ăn uống, điện nước, thuê nhà làm Bình chưa kịp vui vì ở riêng đã cảm thấy chóng mặt. Chỉ đến khi đó, Bình mới hiểu rằng ba mẹ mình đã nỗ lực như thế nào để chăm lo cho 4 người con. Để đủ chi trả, Bình quyết định làm thêm nhiều việc chứ không xin thêm từ ba mẹ.
Nhưng bù lại Bình cảm thấy tự do về thời gian, đi lại cũng như mời khách về nhà, và quan trọng nhất là ba mẹ không phải quá lo lắng về mình nữa.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: "Khi vừa ra ở riêng, nhiều bạn trẻ có thể trải qua một loạt tâm lý và thay đổi trong cuộc sống của họ. Đầu tiên là tâm lý thích thú và hưng phấn khi có thể tự quyết nhiều thứ. Đồng thời cũng là tâm lý hoang mang và căng thẳng khi gặp vấn đề về quản lý tài chính, trách nhiệm hàng ngày và đối mặt với cuộc sống độc lập".
Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy cho rằng ở chung với gia đình khi trưởng thành tiềm ẩn một vài khó khăn đối với giới trẻ như giới hạn sự tự chủ và độc lập, khiến họ phụ thuộc, cảm thấy khó khăn trong việc định hình và thể hiện bản thân. Trong một số trường hợp, việc sống chung với gia đình có thể gây ra xung đột, mâu thuẫn và căng thẳng, ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của giới trẻ.
Cần không gian riêng để tập trung làm việc kiếm thêm tiền
Cũng là sinh viên học gần nhà, nhưng ba mẹ khá nghiêm khắc và cấm cản nhiều thứ, Nguyễn Anh Thư (19 tuổi), ngụ tại 66 đường số 3, P.An Bình, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, quyết định ra ngoài ở riêng, cách nhà 5 km. Thư biết ba mẹ đều muốn tốt cho mình, nhưng theo quan điểm của cô, người trẻ cần phải có những trải nghiệm riêng để biết được đâu là điều thực sự nên làm.
"Ở một mình mãi rồi việc gì cũng biết làm, từ may vá đan móc tới sửa bóng đèn, ống nước, nấu ăn... Nhiều khi vác bình nước 20 lít cũng là bình thường. Bên cạnh đó, mình có thời gian thoải mái muốn đi đâu thì đi", Thư nói.
Đến tháng thứ 3, Thư mới quen được cảm giác ăn một mình, ngủ một mình. Thời gian đầu Thư chăm nấu ăn, được một tuần sau ăn cơm bụi, chỉ về nhà để ngủ, còn thời gian còn lại thì thường xuyên ở ngoài đường. Nhờ vậy, Thư cảm thấy quý trọng gia đình hơn, càng muốn nỗ lực hơn để sống tự lập, không còn yếu đuối khiến gia đình lo lắng.
Kiều Vân (20 tuổi) cũng ra ở riêng cách nhà 5 km tại 24 Nguyễn Văn Lượng, P.6, Gò Vấp, TP.HCM, từ khi lên đại học, cô chia sẻ "Đôi lúc cũng buồn, cũng nhớ nhà, nhưng ở một mình lại có không gian riêng để có thể nghĩ ra những câu chuyện trò chuyện với gia đình. Ở cùng với gia đình nhưng tâm trí không hướng tới gia đình thì là một điều không tốt".
Khi Vân buồn, cô chăm sóc chó, mèo, trồng ít hoa, rau. Nhiều khi Vân đi làm thêm về buổi tối cảm thấy trống vắng, nhưng lo dọn dẹp, cơm nước, nhà cửa, chăm sóc bản thân... nên cũng đỡ nhớ. Với Vân, thoải mái tự do là khi biết tự chăm sóc và có trách nhiệm hơn với bản thân.
Ra riêng được 5 năm, Nguyễn Minh Ngọc (30 tuổi) có một căn nhà nhỏ ở đường Thới An, Q.12, TP.HCM, cách gia đình 12 km, cùng với một công việc thoải mái. Ngọc cảm thấy cuộc sống độc thân khá vui và thú vị. Lúc buồn, Ngọc rủ bạn bè đi chơi, khi vui cô tự nấu nướng ăn uống thoả thích. Những lần bị ốm tự chăm sóc mình, cô đã cảm thấy có kỹ năng sống hơn, biết mua tặng ba mẹ những thứ tốt cho sức khoẻ.
"Nếu ở riêng để đi chơi thì cũng sẽ đến lúc nhàm chán, còn ở riêng vì công việc sẽ rất tuyệt. Mình cần phải có những lúc như vậy để cảm thấy nhiều cuộc vui rất vô bổ và ảnh hưởng đến tương lai. Giờ mình chỉ cần không gian riêng để tập trung làm việc và có thêm tiền để mang về cho mẹ", Ngọc chia sẻ.
Làm một cuộc khảo sát nhỏ với 50 sinh viên tại Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), có nhiều lý do khiến nhiều bạn trẻ không ra ở riêng dù đã đến tuổi trưởng thành như: tài chính, chăm sóc gia đình, sức khoẻ không tốt…
Bên cạnh đó, có 2 lý do chính khiến người trẻ muốn ra ở riêng là được tự do làm điều mình muốn và di chuyển thuận lợi đến chỗ học, chỗ làm…
Thạc sĩ Nguyễn Thế Huy cho rằng khi có quyết định muốn ra ở riêng, chuẩn bị tâm lý là yếu tố quan trọng để người trẻ đối mặt với những thay đổi. Lý do ra riêng phải đủ lớn đi kèm việc nghiên cứu về cuộc sống riêng như tài chính, quản lý thời gian, làm việc nhà, bảo vệ sức khỏe và các kỹ năng quản lý cuộc sống khác. Điều này sẽ giúp người trẻ tự tin và đảm bảo có thể tự mình tồn tại và phát triển.
"Giới trẻ luôn cần tạo sự kết nối, giúp đạt được sự cân bằng giữa sự tự chủ và gắn kết gia đình", thạc sĩ Nguyễn Thế Huy nhắn gửi.
Bình luận (0)