Ông Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết từ ngày 17.4, đoàn 19 người gồm các thành viên của HAAC, Hội Thiên văn Việt Nam cùng một số nhà nghiên cứu đã bắt chuyến bay, bắt đầu hành trình sang vùng Com (Đông Timor) ngắm nhật thực.
Sở dĩ Đông Timor là lựa chọn của đoàn vì lần này, hiện tượng nhật thực với dải quan sát toàn phần rộng chỉ vài chục km chạy qua rìa phía đông Indonesia, Tây Úc, Papua New Guinea và cả Đông Timor.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu chủ nhiệm HAAC nhận định: “Có thể nói, hiện tượng lần này vô cùng ngoạn mục. Tuy nhiên tại khu vực Đông Nam Á, chỉ có Đông Timor mới có thể quan sát pha toàn phần này. Chúng tôi không thể bỏ lỡ hiện tượng năm nay vì mãi tới 2042 mới có lại nhật thực toàn phần ở khu vực Đông Nam Á, và đến năm 2070 hiện tượng này mới xuất hiện tại Việt Nam. Trước đó, nhiều người đã có cơ hội quan sát được nhật thực toàn phần ở Việt Nam vào năm 1995".
Nhật thực tại Đông Timor sáng nay.
Tại khu vực đoàn quan sát, nhật thực toàn phần diễn ra trong khoảng thời gian 3 giờ 11 phút, bắt đầu từ 11 giờ 46 phút và kết thúc vào lúc 14 giờ 57 phút (giờ địa phương). Pha toàn phần diễn ra vào lúc 13 giờ 22 phút, kéo dài trong 1 phút 16 giây.
Cựu chủ nhiệm HAAC cho biết, bên cạnh việc ngắm nhật thực, lần đi này các thành viên của đoàn cũng đã có dịp được tham gia hội đàm với Tổng thống Đông Timor, ông Jose Ramos-Horta và các bộ ngành của Đông Timor về kinh nghiệm tổ chức và tuyên truyền kiến thức cho người dân khi quan sát nhật thực.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức thêm các hoạt động hướng dẫn quan sát mặt trời cho học sinh ở một số trường học ở Com, Đông Timor nhằm phổ biến kiến thức thiên văn rộng rãi tới các em", ông Tuấn cho hay.
Trước đó HAAC cũng đã từng 2 lần tổ chức cho các thành viên bay sang quốc gia khác để ngắm nhật thực. Trong đó, năm 2016 các thành viên sang Indonesia ngắm nhật thực toàn phần và năm 2018 là sang Singapore ngắm nhật thực hình khuyên nổi tiếng.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), tại Việt Nam, chúng ta có thể quan sát được pha một phần của hiện tượng nhật thực này. Vùng nhìn thấy được là các tỉnh phía nam, từ Quảng Trị trở vào. Thuận lợi nhất là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhưng ngay cả ở đây thì độ che khuất cũng chỉ là 8% (tức mặt trời chỉ bị che mất 8%). Con số này ở TP.HCM là 5%. Chỉ có vùng quần đảo Trường Sa có thể quan sát nhật thực với độ che phủ lên tới khoảng 20%.
Bình luận (0)