Chia sẻ về nghiệp viết báo và viết văn tại Tuần lễ Sách của người làm báo tại Đường sách TP.HCM do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở TT-TT TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và Báo Thanh Niên tổ chức (do Tổ chức Kỷ lục VN và Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam tài trợ), nhà báo Dương Thành Truyền cho biết: "Nói đến sách của nhà báo thì cũng có rất nhiều loại sách. Đó có thể là thơ, văn, hay là biên khảo. Nếu là sách biên khảo thì nhà báo đã trở thành nhà nghiên cứu, có thể gọi là học giả, và đó là một loại lao động khác. Ngoài ra còn có các tác phẩm báo chí tập hợp lại thành một cuốn sách, đơn thuần vẫn là tác phẩm báo chí. Ở đây chúng ta nói về thể loại chung giữa báo và văn, như nhà báo Hồ Huy Sơn viết tạp văn, nhà báo Trung Nghĩa viết du ký".
Nhà báo Dương Thành Truyền (còn có bút danh Duyên Trường), là tác giả của Ký ức về nước mắt và tiếng cười (tạp bút), Chuyện gái trai (tạp văn), Trên đường về nhớ đầy (du ký), Trái tim có hình hộ khẩu (phiếm đàm), Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo (chuyên khảo, đã tái bản lần thứ năm). Tản văn mới nhất của anh có tên Bắt đầu bằng để lại, xuất bản vào tháng 4.2023 và hiện đã chuẩn bị tái bản, chỉ sau gần 3 tháng kể từ ngày phát hành.
Cũng theo ông Dương Thành Truyền: "Nhà báo luôn sống trong thời cuộc, sống giữa dòng chảy thông tin. Các thông tin trở thành chất liệu hoặc khơi gợi cảm xúc cho nhà báo, thúc giục nhà báo viết nên tác phẩm. Thông tin đó có thể là các câu chuyện thời sự, những câu chuyện về cuộc sống, về con người. Tất cả đều gọi ra nhiều điều sâu xa khiến ta suy ngẫm và từ đó, nhà báo ghi lại những câu chuyện thành sách, để nó có sức sống bền lâu hơn, có đời sống dài hơn một bài báo. Làm nghề báo tôi không bao giờ thấy chán. Ngày nào tôi cũng được lắng nghe nhiều câu chuyện từ các nguồn thông tin khác nhau, tất cả đều rất thú vị. Nhà báo luôn sống trong thông tin, ngập trong thông tin như thế. Khi làm nghề báo, ta có cơ hội nhìn vấn đề từ nhiều chiều, nhiều góc độ. Nghề giúp nhà báo phát triển cách nhìn cuộc sống một cách không thiên lệch, không định kiến để có thể kể lại câu chuyện một cách đa chiều cho mọi người".
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường, hiện là Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, vừa ra mắt truyện dài mới nhất Kho báu trong thành phố vào tháng 6.2023, tiếp sau tập truyện dài phát hành năm 2022 của anh là Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch. Với sự thấu hiểu và tình yêu đối với trẻ thơ, những sáng tác của anh trong trẻo, tươi sáng, ngập tràn tình yêu cuộc sống. Nếu như Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch là câu chuyện về gia đình trẻ trong chung cư giữa đô thị lớn cùng chú mèo Joni bị bỏ rơi một cách ly kỳ, với bao chuyện đáng yêu và cảm động, thì Kho báu trong thành phố là là câu chuyện song tuyến về tuổi thơ của cha - tuổi thơ của con.
Khởi động Tuần lễ sách của người làm báo: Làn gió mới tại đường sách thành phố
Đồng cảm với ông Truyền, nhà báo Nguyễn Khắc Cường nói: "Viết báo hay viết sách đều giống nhau ở chữ "viết". Điều quan trọng ở một tác phẩm là ta phải viết làm sao cho hấp dẫn với người đọc. Các tác phẩm báo chí thường sử dụng ngôn ngữ sự kiện. Từ thực tiễn, nhà báo có chất liệu để tạo nên những câu chuyện điển hình, có tính chất khái quát, và chuyên chở một thông điệp lớn hơn, từ đó mà cuốn sách hình thành. Thật ra, trong quá trình sáng tác, tôi cứ viết một cách tự nhiên, không phân biệt. Nhưng đến nay tôi nhận ra trong tác phẩm của mình cũng có dáng dấp của người làm báo".
Tâm sự tại buổi giao lưu khi chia sẻ về nghề viết, nhà báo Trung Nghĩa khẳng định: "Nhà báo có lợi thế là được đi đó đi đây rất nhiều và có khả năng viết tốt. Nhờ đi nhiều nên nhà báo có nhiều trải nghiệm, nhiều điều mắt thấy tai nghe về vùng đất, con người, văn hóa. Tất cả những điều đó cung cấp tư liệu cho nhà báo tập hợp lại và viết thành sách có chủ đề và nội dung súc tính, cô đọng".
Văn phong viết báo và viết sách khác nhau như thế nào? Trả lời câu hỏi này, nhà báo Hồ Huy Sơn cho rẳng: "Không cần tách bạch giữa làm báo và viết sách. Đôi khi, chất nhà báo trong tác phẩm văn chương và sự dung hòa văn với báo sẽ tạo nên nét độc đáo của tác phẩm. Do là nhà báo phụ trách mảng xuất bản nên tôi may mắn được sống với sách vở, được đọc rất nhiều cuốn sách. Tôi rất biết ơn nghề báo vì chính nghề báo đã giúp tôi được sống với văn chương và nuôi dưỡng đam mê của tôi".
Được biết, nhà báo Trung Nghĩa sở trường về mảng phóng sự, ký sự. Anh đã phát hành nhiều tựa sách hướng đến bạn đọc trẻ tuổi, đã đặt chân đến 50 quốc gia và tham gia tác nghiệp tại 6 kỳ World Cup. Quyển sách phát hành gần đây nhất của anh tại NXB Trẻ là cuốn Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl.
Hơn 300 trang sách giới thiệu những chuyến hành trình ở khắp các châu lục Âu, Á, Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Đại Dương gian nan, thử thách với phong cách dấn thân vào hiểm nguy để tác nghiệp, săn tin, săn ảnh như một phóng viên chiến trường thực thụ ở những quốc gia đã hoặc đang xảy ra xung đột vũ trang, khủng bố, thảm họa hạt nhân, hay về vụ mất tích máy bay bí ẩn nhất lịch sử nhân loại MH370.
Còn nhà báo Hồ Huy Sơn có tập tản văn Xin chào ngày nắng đẹp, phát hành nóng hổi vào tháng 6.2023. Đây là tập tản văn tươi tắn, sáng trong, kể về những câu chuyện tác giả quan sát được và lọc qua đôi mắt giàu cảm xúc của mình. Từ những món ăn lạ lùng mà thấm đẫm yêu thương chỉ thấy ở bếp nhà của mẹ, cho đến niềm vui khi thấy nắng lên, cây mọc, hoa nở; những câu chuyện ở nhiều vùng đất, tình người.
Bình luận (0)