Vì sao nhà giáo thời @ cần kỹ năng kiểm soát cảm xúc?

15/11/2022 12:55 GMT+7

Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) tổ chức buổi tọa đàm về nhà giáo thời @ với mong muốn giáo viên vững tâm với nghề trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển một cách vượt bậc.

Giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) đón học sinh

TNO

Bà Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM), chia sẻ giáo viên thời nay không chỉ áp lực về khối lượng công việc mà còn cần có những tiếp cận, thay đổi phương pháp giảng dạy, ứng xử, giao tiếp với học sinh, phụ huynh học sinh trong mối quan hệ xã hội phát triển bởi công nghệ, vận động của mạng xã hội… Do vậy, để có thể vững vàng hơn với nghề giáo, thầy cô cần một tâm thế, khả năng kiểm soát cảm xúc trong thời @.

Trò chuyện với giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo trong buổi tọa đàm Nghề giáo thời @ vào chiều tối ngày 14.11, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cho rằng nghề giáo bây giờ là nghề phải “xông pha” nhiều. Để có thể làm nghề trong thời đại này, thầy cô phải quan sát trong trường học, ngoài trường học, khi giảng dạy và ngay cả khi học sinh chơi. Việc quan sát cần phải làm liên tục tránh những hệ lụy về sau.

Tiến sĩ Tô Nhi A trò chuyện với giáo viên trong buổi tọa đàm

THANH LÊ

Ngoài ra, tiến sĩ Tô Nhi A chỉ ra thực tế, ngày nay phụ huynh tiếp cận giáo viên không chỉ từ ngoài đời thực mà còn qua mạng xã hội, với những hình ảnh thầy cô thể hiện. Do vậy, muốn phụ huynh tiếp nhận hình ảnh đẹp về thầy cô thì thầy cô cần chú trọng trước hết hình ảnh bên ngoài. Việc đăng tải các hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội cũng phải có sự chọn lọc, cẩn trọng.

Vị chuyên gia tâm lý cũng tư vấn: “Khi giao tiếp với phụ huynh, thầy cô cần giao tiếp bằng sự điềm tĩnh, không vội vàng, phải tách biệt được đời sống riêng tư và công việc. Khi phụ huynh làm dữ, thầy cô có thể "làm thinh" bằng việc chỉ tiếp nhận bởi đôi khi chính thái độ ghi nhận của thầy cô đã là sự xoa dịu với phụ huynh...”.

Không chỉ có vậy, tiến sĩ Tô Nhi A nhấn mạnh: “Chúng ta không thể đòi hỏi làm nghề thật tốt trong bối cảnh hiện nay nhưng bản thân lại không thay đổi. Để tác động tích cực đến học sinh, thầy cô phải làm giàu thêm đời sống tinh thần của mình bằng những trải nghiệm cuộc sống bằng việc học thêm, đọc sách, tập thêm một môn thể thao... Muốn có một giờ dạy hay thầy cô phải có kiến thức, muốn thay đổi hình ảnh đến phụ huynh lại thuộc về tác phong và chuẩn mực của thầy cô... Nếu chọn ở lại với nghề giáo hãy yêu nghề trong từng giây phút".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.