Vì sao Nhật tăng tốc mua tên lửa Tomahawk?

05/10/2023 08:02 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho hay nước này sẽ bắt đầu mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ vào năm tài chính 2025, sớm hơn một năm so với dự kiến lúc đầu.

Ông Kihara đưa ra thông báo mua tên lửa Tomahawk như trên tại Washington D.C vào ngày 4.10, sau khi có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin kể từ khi ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nhật sau cuộc cải tổ nội các trong tháng 9, theo Kyodo News. Ông Kihara đến Washington D.C hôm 3.10 trong chuyến thăm ba ngày.

Các quan chức của Mỹ và Nhật cho hay trước những thách thức an ninh mới do Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nga đặt ra, hai Bộ trưởng Kihara và Austin đã xác nhận mối quan tâm chung của họ trong việc tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh Nhật-Mỹ đồng thời hiện đại hóa vai trò và nhiệm vụ của hai nước.

Vì sao Nhật tăng tốc mua tên lửa Tomahawk? - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu chiến Mỹ

Hải quân Mỹ

Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, Nhật đã lên kế hoạch mua 400 tên lửa Tomahawk, có tầm tấn công khoảng 1.600 km. Kế hoạch ban đầu là sẽ triển khai tên lửa Tomahawk vào năm tài chính 2026, bắt đầu vào tháng 4.2026.

Tuy nhiên, hai Bộ trưởng Kihara và Austin "cùng xác nhận" rằng việc mua tên lửa Tomahawk Block-4 sẽ bắt đầu vào năm tài chính 2025, theo một quan chức. Vị quan chức này còn lưu ý rằng việc mua bán Tomahawk vẫn cần phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận.

Lúc đầu, Nhật định mua tên lửa Tomahawk Block-5 mới nhất trong năm tài chính 2026 và 2027 để lắp đặt chúng trên các tàu khu trục Aegis của Lực lượng phòng vệ biển.

Theo quan chức nói trên, trong số 400 quả Tomahawk, Nhật hiện có kế hoạch mua tới 200 quả Tomahawk Block-4 bắt đầu từ năm tài chính 2025.

Tomahawk, được sử dụng lần đầu tiên trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, có thể bao phủ những khu vực ven biển Trung Quốc và được giới chức Nhật cho là cần thiết để tăng cường khả năng phòng thủ của Tokyo cho đến khi nước này có thể cho ra tên lửa hành trình nội địa.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khoe hỏa lực tại núi Phú Sĩ

Trong cuộc họp kéo dài gần một giờ nói trên, hai Bộ trưởng Kihara và Austin đã thảo luận về các ưu tiên của lực lượng Nhật và Mỹ trong những năm tới, bao gồm cả cách tốt nhất để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ, tự do và rộng mở.

Bộ trưởng Kihara nhấn mạnh Nhật và Mỹ cần "tăng cường khả năng của liên minh để ngăn chặn và đáp trả" bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, vốn không thể được dung thứ ở bất kỳ khu vực nào, kể cả Ấn Độ-Thái Bình Dương, theo Kyodo News.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.