Vì sao nhiều ngành chất lượng cao điểm chuẩn ngang ngửa đại trà ?

18/06/2021 09:08 GMT+7

Vài năm gần đây, điểm chuẩn nhiều ngành chương trình chất lượng cao ngang ngửa, thậm chí cao hơn chương trình đại trà, trái ngược với giai đoạn trước.

Nhiều ngành điểm chuẩn cao hơn đại trà

Nhiều năm gần đây, các trường ĐH công lập có xu hướng đào tạo cùng một ngành nhưng 2 chương trình khác nhau, gồm đại trà và chất lượng cao (CLC). Theo đó, trừ vài trường cá biệt xác định đầu vào chung, ngay từ thời điểm ban đầu, hầu hết các trường 2 chương trình này đều có điểm chuẩn khác nhau và CLC luôn thấp hơn. Nhưng trong vài năm gần đây, khoảng cách điểm chuẩn nhiều ngành 2 chương trình này đang có xu hướng xích lại gần nhau, thậm chí theo hướng ngược lại.
Năm 2020, điểm chuẩn nhiều ngành chương trình CLC Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ngang ngửa, thậm chí cao hơn chương trình đại trà khi xét bằng điểm thi đánh giá năng lực. Trong đó, ngành “nóng” nhất là khoa học máy tính, điểm chuẩn 2 chương trình ở mức xấp xỉ nhau: 926 điểm CLC và 927 đại trà. Đặc biệt, nhiều ngành khác điểm chuẩn CLC cao hơn đại trà như: kỹ thuật cơ khí CLC lấy 711 nhưng đại trà chỉ lấy 700 điểm. Tương tự, ngành kỹ thuật công trình xây dựng giao thông 703 và 700 điểm; kỹ thuật dầu khí 727 và 704 điểm; kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường 736 và 702 điểm; vật lý kỹ thuật 704 và 702 điểm...
Ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, dù thấp hơn đại trà trên dưới 1 điểm nhưng nhiều ngành CLC, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lấy điểm chuẩn ở mức khá cao. Thí sinh trúng tuyển vào chương trình này nhiều ngành cần đạt trung bình trên 8 - 9 điểm/môn. Chẳng hạn, ngành khoa học máy tính điểm 3 môn 27,25; kỹ thuật máy tính và kỹ thuật cơ điện tử 26,25; logistics và quản lý chuỗi cung ứng cả 2 chương trình cùng lấy 26 điểm... Nếu so với năm 2016, nhiều chương trình CLC của trường này điểm chuẩn thấp hơn đại trà 3,75 - 4 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng có nhiều ngành điểm chuẩn CLC cao hơn đại trà. Năm 2020, điểm chuẩn thi năng lực ngành sinh học chương trình CLC lấy 662, trong khi đại trà chỉ lấy 608 điểm, khoa học môi trường lần lượt 606 và 601 điểm... Năm 2019, điểm chuẩn ngành hóa học, sinh học bằng nhau giữa 2 chương trình ở cả 2 phương thức xét điểm thi và thi năng lực.

Ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, năm nay điểm trúng tuyển từng ngành chương trình chuẩn, chương trình chất lượng cao ngang nhau

Chụp màn hình

Năm ngoái, thí sinh xét điểm thi năng lực vào chương trình CLC nhiều ngành của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng phải có điểm chuẩn bằng đại trà như: ngôn ngữ Anh, quan hệ quốc tế, báo chí... Ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, thí sinh trúng tuyển chương trình CLC hầu hết các ngành đều ở mức 24 - 25 điểm, cao hơn điểm chuẩn đại trà của nhiều ngành đào tạo khác tại trường này.
Ngay phương thức xét điểm thi, năm ngoái điểm chuẩn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có ngành CLC cao hơn đại trà, như công nghệ kỹ thuật môi trường 19 điểm (CLC) và 17 điểm (đại trà). Cũng tại trường này, 2 ngành công nghệ hóa học và công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông cùng có mức điểm chuẩn bằng nhau cho 2 chương trình. Trường ĐH Mở TP.HCM cũng có một số ngành điểm chuẩn 2 chương trình bằng nhau như: công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ sinh học...
Mới đây nhất, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố kết quả xét tuyển 4 phương thức tuyển sinh riêng năm 2021. Tất cả các ngành CLC trường này đều có chung điểm trúng tuyển như chương trình đại trà, trong đó có những ngành thí sinh cần đạt trung bình học bạ từ 9 điểm trở lên mới trúng tuyển.

Người học có nhu cầu cao hơn ?

Đại diện các trường ĐH đều thừa nhận xu hướng tăng dần điểm chuẩn chương trình CLC và có những lý giải nguyên nhân.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng điểm chung của chương trình CLC các trường là điều kiện học tập tốt hơn, chuẩn đầu ra cao hơn, thường được học tại cơ sở trung tâm... Riêng tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, các ngành có chương trình CLC của trường đều là ngành vốn thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Trong bối cảnh tự chủ ĐH hiện nay khi khoảng cách học phí chương trình đại trà và CLC của nhiều trường công lập được rút ngắn, những gia đình có điều kiện sẵn sàng chọn học CLC. Xu hướng này chỉ xảy ra với những ngành “nóng” vốn đang có sức hút với người học.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết ở trường này, những ngành mà chương trình CLC có điểm chuẩn cao hơn đại trà không hẳn chỉ xuất hiện ở nhóm ngành “nóng” thu hút nhiều thí sinh đăng ký mà cả với những ngành bình thường. Theo ông Thắng, nguyên nhân trực tiếp ở đây là số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhưng chỉ tiêu thấp nên mức độ cạnh tranh cao, dẫn tới điểm chuẩn cao.
Còn nguyên nhân sâu xa, theo ông Thắng, chính là xu hướng một bộ phận người học có nhu cầu học tập trong môi trường tốt hơn đang lớn dần, đặc biệt là chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đồng thời, khả năng người học đáp ứng các điều kiện này cũng tốt hơn, trong đó tiếng Anh không còn là rào cản với nhiều thí sinh khi theo học chương trình CLC. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tối thiểu 20 - 30% chương trình học này phải được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Trong khi đó, lý giải về điểm trúng tuyển năm nay, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường xác định một mức điểm trúng tuyển chung cho chương trình đại trà và CLC ở từng ngành. Sau khi trúng tuyển, sinh viên có nguyện vọng sẽ được đăng ký vào học chương trình chất lượng cao. “Cách thức xác định điểm chuẩn này được trường thực hiện ngay từ khi có chương trình CLC nhằm đảm bảo chất lượng người học như nhau ngay từ đầu vào”, ông Bảo cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.