Hiệu ứng yo-yo là gì?
Hiệu ứng yo-yo là một thuật ngữ được đặt ra bởi Kelly D. Brownell tại Đại học Yale (Mỹ), liên quan đến chu kỳ giảm và tăng cân, giống như chuyển động lên xuống của yo-yo, theo businessstandard. Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết kiểu tình huống này phổ biến, xuất hiện ở 10% nam giới và 30% phụ nữ giảm cân.
Cụ thể, ban đầu, mọi người bắt đầu giảm cân, nhưng rồi tăng cân lại. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần, cuối cùng trở thành một vòng luẩn quẩn. Sau đó, họ ngày càng khó giảm cân mặc dù vẫn tích cực ăn kiêng và tập thể dục đầy đủ, theo bangkokhospital.
Hiệu ứng yo-yo hại sức khỏe như thế nào?
Không chỉ tác động tiêu cực đến cơ thể như rối loạn trao đổi chất, hại ruột, tăng mỡ nội tạng gây ra bệnh nguy hiểm... hiệu ứng yo-yo cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tâm thần.
Nguyên nhân của hiệu ứng yo-yo
Những lý do gây ra hiệu ứng yo-yo rất đa dạng, nhưng chủ yếu bao gồm:
- Phương pháp giảm cân không lành mạnh
Phương pháp giảm cân không phù hợp có thể dẫn đến hiệu ứng yo-yo như thiếu tập thể dục đúng cách và sử dụng thuốc giảm cân. Đặc biệt ở những người trẻ tuổi khỏe mạnh, hiệu ứng yo-yo có thể không thường thấy trong giai đoạn kiểm soát cân nặng đầu tiên.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục những thói quen không lành mạnh này, việc giảm cân ngày càng khó khăn và thường kết thúc với hiệu ứng yo-yo, theo bangkokhospital.
- Ăn kiêng hạn chế calo và nhịn ăn
Mặc dù việc hạn chế lượng calo nạp vào nhanh chóng góp phần giảm cân do giảm khối lượng cơ bắp thay vì mỡ (như mong muốn) trong cơ thể. Khi khối lượng cơ giảm, cơ thể sẽ tự động thích nghi bằng cách làm chậm quá trình trao đổi chất.
Cuối cùng, việc tiếp tục giảm cân trở nên khó khăn hơn do chức năng trao đổi chất giảm, theo bangkokhospital.
Làm sao giảm cân mà không có hiệu ứng yo-yo?
Theo bangkokhospital, để tránh hiệu ứng yo-yo, các khuyến nghị cho chương trình giảm cân lành mạnh bao gồm:
- Giảm mỡ cơ thể và duy trì khối lượng cơ bắp.
- Tuyệt đối tránh bỏ bữa ăn.
- Ăn nhiều thực phẩm ít calo.
- Tránh ăn chế độ ăn nhiều calo và chất béo được nấu chín bằng cách sử dụng dầu mỡ như thực phẩm chiên rán.
- Tập thể dục thường xuyên kết hợp sửa đổi chế độ ăn uống. Đặc biệt trong 6 tháng đầu, nên tập thể dục đều đặn ít nhất 150 phút/tuần. Để duy trì cân nặng khỏe mạnh trong quá trình kiểm soát cân nặng dài hạn, thời gian tập thể dục nên được tăng lên tới 200-300 phút/tuần và duy trì liên tục trong ít nhất 1 năm.
- Nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ dinh dưỡng hàng tháng để đảm bảo giảm cân bền vững mà không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nói chung.
Bình luận (0)