Cách đây một thời gian, khi người viết liên hệ một thạc sĩ tâm lý gen Y để viết bài. Thạc sĩ ấy yêu cầu người viết để trước tên anh là danh xưng "chuyên gia thoát hiểm". Người viết thắc mắc "chuyên gia thoát hiểm" là gì thì anh không trả lời được, nhưng bắt buộc phải làm theo. Hiển nhiên, người viết từ chối yêu cầu ấy. Vì đơn giản, không có nghề nghiệp nào hay khái niệm nào gọi là "chuyên gia thoát hiểm" cả.
Câu chuyện tương tự, một người cũng thế hệ 8X thường đi giảng về kỹ năng sống ở các trường đại học, cao đẳng luôn yêu cầu ban tổ chức các chương trình mà anh tham gia phải giới thiệu anh là "diễn giả" kèm một loạt chức danh khác "dài như cái sớ". Có lần, người viết mạo muội hỏi anh có hiểu "diễn giả" là gì không? Anh lắc đầu không thể giải thích danh xưng ấy.
Nhắc hai câu chuyện này lại nhớ về nhiều câu chuyện khác, mà những người trẻ là nhân vật chính. Dù làm ở những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhưng một bộ phận người trẻ lại có cùng điểm chung, đó là đều "khoái" tự phong cho mình những danh xưng.
Chẳng hạn, có nữ DJ (người chỉnh nhạc) luôn tự khoe với khán giả là "nữ DJ hot nhất Việt Nam", "DJ quyến rũ nhất Việt Nam". Phải chèn thêm "hot nhất" hay "quyến rũ nhất" thì cô nàng mới chịu.
Có cô nàng nhờ gương mặt khả ái được cộng đồng mạng chú ý. Và rồi, sau một đêm, từ một nữ sinh, cô nàng tự nhận mình là "hot girl".
Cũng có chàng trai chuyên nhận làm video quảng cáo cho các công ty. Trên Facebook và Linkedin, chàng trai này tự đưa bản thân lên mây khi giới thiệu mình là "đạo diễn triệu view".
Một anh chàng rapper lên mạng khoe mẽ bản thân là "rapper triệu view". Dân mạng đã "ném đá" thắc mắc sao ra MV chỉ lẹt đẹt vài trăm view mà "nổ" là "rapper triệu view"? Anh chàng giải thích từng hợp tác cùng một nữ ca sĩ trong một MV. MV ấy triệu view nên anh phải là "rapper triệu view".
Rồi cũng có cô sinh viên làm thêm bằng nghề làm mẫu để chụp hình cho các cửa hiệu thời trang được chưa đầy một tháng, vậy mà trên trang Facebook cá nhân, cô sinh viên ấy tự nhận mình là người mẫu.
Hay câu chuyện thời sự hiện nay, trên TikTok nhan nhản "chuyên gia tài chính" chuyên "chém gió" về đầu tư sinh lãi, cách kiếm tiền nhanh nhất... Họ chẳng hề có chuyên môn, bằng cấp về lĩnh vực tài chính, nhưng vẫn tự phong cho mình cái danh xưng "chuyên gia".
Vì sao nhiều người lại 'khoái' tự phong danh xưng như vậy? Là vì khi gắn cái mác "chuyên gia", họ nghĩ rằng sẽ tăng thêm uy tín cho bản thân. Thu nhập của "chuyên gia" cũng cao hơn. Một TikToker làm clip vài năm chẳng có view (lượt xem), nhưng "nổ banh trời" "tôi là chuyên gia tài chính" thì chắc chắn sẽ thu hút người xem. Nếu chèn thêm danh xưng "diễn giả" thì chắc chắn nhận được nhiều tiền thù lao hơn. Hay "người mẫu nổi tiếng", "DJ hot nhất" sẽ khiến đắt sô hơn. Hoặc "đạo diễn triệu view" thì dễ thu hút sự chú ý hơn là "người làm video", "rapper triệu view" dễ nhận được sự "ồ, à" của khán giả hơn so với "rapper"...
Thế nhưng không phải hễ ai cầm mic lên thì được gọi là ca sĩ. Cũng chẳng phải làm được vài trò ảo thuật là được gọi nhà ảo thuật. Không phải dùng miệng để mô phỏng vài âm thanh khác nhau là nghiễm nhiên trở thành beatboxer. Và cũng chẳng phải đứng trên sân khấu đọc thuộc lòng, đọc vanh vách một bài văn soạn sẵn thì tự cho mình là "diễn giả". Càng không thể vì biết vài kỹ năng sống để hướng dẫn mọi người là khoe mẽ tự hào "tôi là chuyên gia"...
Không nên màu mè tô vẽ bản thân bằng cách tự phong cho mình những danh xưng một cách kệch cỡm. Đừng tự nhận mình là ca sĩ, hot boy, hot girl cho dù tự thấy bản thân hát hay, đẹp trai, xinh gái. Có hát hay, xinh đẹp hay không, khán giả mới là người có cái nhìn khách quan nhất. Đừng tự đẩy bản thân một cách quá đà.
Và cũng đừng tự "nổ vang trời" bằng những danh xưng chuyên gia này, chuyên gia nọ. Để trở thành chuyên gia một lĩnh vực nào đó, phải trải qua quá trình học hỏi, nghiên cứu lâu dài, am hiểu các kiến thức một cách tường tận, chuyên sâu, chứ không phải hiểu lơ tơ mơ mà cứ đòi làm chuyên gia. Cũng như để trở thành diễn giả buộc phải có những năng lực chuyên môn đặc biệt nổi trội, phải nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng với cộng đồng, chứ ở đâu ra "nói nhăng nói cuội" nói vu vơ, hão huyền mà khoác lên mình tấm áo "diễn giả"?
Mới đây, khi trò chuyện với một diễn giả chuyên nghiệp, một chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đào tạo, hoạt động thực tiễn, người viết hỏi nên để chức danh gì của ông thì chuẩn xác nhất? Ông trả lời: "Chỉ cần để tên tôi".
Thế mới thấy, đôi khi, chỉ cần cái tên là đủ thể hiện danh xưng uy tín. Chứ chẳng cần phải rườm rà, tự phong danh xưng.
Bình luận (0)