Là nền tảng điện tử-lập trình được thiết kế theo tiêu chí dễ học, dễ dùng, Arduino giúp những ai không có chuyên môn về điện tử, lập trình có thể tự làm ra các sản phẩm điện tử theo ý thích. Ra đời từ năm 2005, nền tảng này đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực kỹ thuật, giáo dục, nghệ thuật... và hiện thu hút hơn 2 triệu người dùng trên thế giới.
Khả năng thiết kế sản phẩm từ THCS
Tìm hiểu Arduino từ lớp 8, Phùng Anh Triết, học sinh lớp 11 chuyên lý Trường Phổ thông năng khiếu (TP.HCM), cho biết nền tảng này giúp em tự thiết kế những sản phẩm phục vụ đời sống như hệ thống thu thập dữ liệu về lưu lượng nước rồi gửi lên điện toán đám mây, hay hệ thống tưới cây tự động.
Để hiểu thêm về nền tảng này, Triết cùng hàng trăm học sinh, sinh viên và các chuyên gia công nghệ đã đến dự sự kiện Arduino Day (Ngày Arduino) hôm 1.7 tại TP.HCM. Đây là hoạt động do nhóm Arduino Việt Nam tổ chức nhân ngày sinh nhật của nền tảng Arduino.
Anh Nguyễn Quốc Bảo, người sáng lập nhóm Arduino Việt Nam-Trưởng ban tổ chức sự kiện, cho biết Arduino đã len lỏi khắp các cấp học, từ THCS đến ĐH, CĐ; thể hiện rõ nét nhất trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật và giáo dục STEM (Science: khoa học; Technology: công nghệ; Engineering: kỹ thuật và Math: toán).
"Nhờ lược bỏ, đơn giản hóa những khâu phức tạp, Arduino giúp người học dễ dàng tiếp cận từ sớm với lập trình, điện tử. Chỉ cần mày mò và tham khảo thêm từ những người đi trước, học sinh có thể ứng dụng Arduino để tự thực hiện những dự án hoàn chỉnh liên quan đến yếu tố kỹ thuật, cơ khí, công nghệ, chẳng hạn thiết kế nhà thông minh", anh Bảo nói.
Hiện là kỹ sư phần mềm cao cấp tại Zalo, anh Bảo cho rằng việc tiếp cận với nền tảng này không chỉ giúp học sinh có trải nghiệm thực tế, mà còn tạo cơ hội cho sinh viên chuyên ngành và những người đi làm tiết kiệm thời gian hình thành sản phẩm mẫu.
Anh Hoàng Phạm Gia Khang, chuyên gia công nghệ ở TP.HCM-tác giả sách Sổ tay Arduino, cho rằng Arduino là "tiền thân" của giáo dục STEM tại Việt Nam.
"Arduino đang là cốt lõi của nhiều sản phẩm STEM, cả phần cứng lẫn phần mềm và được học sinh, sinh viên xem là bước đầu để tiến vào lãnh địa công nghệ. Từ một phong trào, nền tảng này hiện là công cụ hữu ích ở đa lĩnh vực từ kỹ thuật, đến nghệ thuật, giáo dục", anh Khang nhận xét.
Để tiếp cận Arduino bài bản, chuyên gia cho rằng người học nên tập lập trình theo cấu trúc có sẵn rồi bắt đầu tư duy thiết kế dự án.
Phổ cập kỹ năng cho sinh viên ĐH
Dù phổ biến trong cộng đồng học sinh, sinh viên đam mê công nghệ nhưng theo nhiều chuyên gia, vấn đề giảng dạy Arduino trong nhiều năm qua còn hạn chế, chủ yếu diễn ra dưới hình thức tự phát, thông qua các cộng đồng như hội nhóm, câu lạc bộ hoặc workshop (buổi trao đổi, thảo luận học thuật).
Tuy nhiên, câu chuyện này đang thay đổi, tiến sĩ Trương Trung Kiên, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Trường ĐH Fulbright Việt Nam (TP.HCM), cho hay nhà trường không chỉ tổ chức workshop miễn phí về Arduino cho học sinh THCS, mà còn dạy sinh viên cách dùng nền tảng này trong môn học đại cương. "90% sản phẩm cuối kỳ của các bạn đều dùng Arduino, như thùng rác tự động, thiết bị khử mùi...", thầy Kiên thông tin.
Theo tiến sĩ Kiên, việc dạy cách dùng Arduino cho học sinh, sinh viên nên bắt đầu từ những nội dung đơn giản nhất, đồng thời không chỉ gói gọn trong khía cạnh kỹ thuật mà cần kết hợp nhiều yếu tố khác như tư duy thiết kế, giải quyết vấn đề thực tiễn của đời sống. "Quan trọng nhất là các bạn biết cách tư duy sử dụng công cụ, chứ không chỉ biết lập trình là xong", thầy Kiên nêu quan điểm.
Tiến sĩ Kiên cũng nhìn nhận quá trình tiếp cận Arduino nên bắt đầu từ cấp THCS để học sinh bước đầu hình dung về khái niệm lập trình, thiết kế sản phẩm. Đến khi lên ĐH, các bạn sẽ có thể triển khai những dự án phức tạp với những công cụ nâng cao hơn ngoài Arduino. "Nhà trường cũng cần bắt tay với doanh nghiệp trong câu chuyện đào tạo để sinh viên học cách phát triển sản phẩm phù hợp với thực tế", thầy Kiên cho hay.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hồng Long, Giám đốc công ty TNHH EOH (TP.HCM), cho biết đang phối hợp cùng một số trường ĐH, CĐ biến Arduino trở thành một mảnh ghép trong đào tạo chính quy. "Nền tảng không chỉ giúp rất nhiều cho sinh viên, đặc biệt ở các ngành điện-điện tử và công nghệ thông tin, mà còn là 'cây cầu' dẫn dắt toàn bộ chuyển dịch công nghệ số từ cơ bản đến nâng cao", ông Long nhận định.
Những lo ngại
Theo anh Gia Khang, giáo dục STEM đang đối diện với một vấn đề "chí tử" là không thể thoát khỏi lập trình, robot với Arduino là "xương sống". Việc này góp phần dẫn đến sự nở rộ của thị trường mua bán đề tài khoa học kỹ thuật để tham gia các cuộc thi ở bậc trung học, hoặc làm đồ án ở bậc CĐ, ĐH. "Nó còn khiến người học dần mất hứng thú với lĩnh vực STEM", anh Khang nói thêm.
Trong khi đó, anh Quốc Bảo lo ngại người dùng có thể phụ thuộc quá mức vào Arduino dẫn đến việc hổng kiến thức, không biết các thao tác đã được nền tảng này tinh giản ra sao, từ đó gặp khó khi thực hiện những dự án chuyên nghiệp, công phu hơn không còn sử dụng Arduino. "Mặt khác, cũng còn định kiến xem Arduino là đồ chơi cho trẻ nhỏ chứ không thể ứng dụng cho công việc thực tế", anh Bảo chia sẻ.
Tiến sĩ Trung Kiên thì cho rằng rào cản lớn nhất hiện nay là vấn đề tài liệu. Cụ thể, thị trường khá hiếm tài liệu tiếng Việt và nếu có thì thường tập trung vào kỹ thuật là chủ yếu, chưa khai thác khía cạnh tư duy thiết kế, ứng dụng. "Khả năng tài chính cũng đáng lưu tâm khi chi phí bo mạch Arduino khá đắt, bình dân nhất cũng từ 200.000 đồng, và rất dễ hỏng trong quá trình sử dụng", ông Kiên nói thêm.
Bình luận (0)