Vì sao nhiều người 'ngán' tết?

14/12/2022 15:45 GMT+7

Tết là dịp được đoàn tụ gia đình sau một năm đằng đẵng xa quê. Nhiều người chỉ trông đợi từng ngày để về nhà bên những người thương yêu. Thế nhưng, không ít người trẻ ta thán sợ tết, 'ngán' tết bởi vô vàn lý do.

Nhiều người trẻ mưu sinh ở TP.HCM cảm thấy lo lắng khi tết đã cận kề mà không có tiền để về quê đón tết

X.P

Tiền đâu mà về?

Một trong những lý do mà người trẻ cảm thấy 'ngợp' với tết là vì "tết đến mà tiền đâu?". Cả mớ khoản chi tiêu cho ngày tết khiến nhiều người buồn rầu khi nhắc đến tết.

"Hai vợ chồng tôi quê Gia Lai, đang ở trọ để mưu sinh tại TP.HCM. Tết đến, nếu về, cũng phải "thủ" sẵn ít nhất 20 triệu đồng. Đó là chi phí đi lại xe cộ. Cũng phải có khoản tiền lo trang trải mua sắm tết. Rất nhiều khoản chi phát sinh khác. Mà đồng lương công nhân không nhiều. Tằn tiện lắm nhưng cũng bở hơi tai với cuộc sống đắt đỏ ở TP.HCM. Nên sắp đến tết, vợ chồng tôi cũng chưa biết xoay xở sao để đủ tiền về quê", Dương Huyền Ly (34 tuổi, làm việc ở công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM) tâm sự.

Những trường hợp như Ly khá phổ biến. Kiếm kế sinh nhai với thu nhập "ba cọc ba đồng" nên nhiều người trẻ rơi vào tình cảnh không có khoản tiền tiết kiệm. Trong khi tết đến, họ phải lo toan nhiều thứ. Và rồi, như họ nói: "Không biết... đào đâu ra tiền khi tết đã cận kề" hay "cảm thấy... sợ tết, ngán tết".

"Tết đến ai cũng muốn về quê. Nhưng biết phải làm sao khi tài chính không cho phép. Đi xa cũng nhớ gia đình, nhớ cha mẹ già. Nhưng khổ nỗi, tiền đâu mà về? Nên nghĩ tới tết hơi... căng thẳng", Nguyễn Đỗ Tuyết Nhi (27 tuổi, làm việc ở công ty cổ phần bao bì Sài Gòn, Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) kể.

Nguyễn Duy Cẩn (32 tuổi, làm việc ở công ty TNHH chế biến thực phẩm gia vị Bảo Long, Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM) cũng than vãn: "Nghe tới tết mà... méo mặt vì áp lực. Một năm làm việc trầy trật không có dư. Nên chẳng biết tết này sẽ thế nào, chưa biết có về quê hay không. Tôi đang tính toán, cân nhắc".

Nhiều người trẻ... sợ tết vì nhiều lý do

X.P

Ám ảnh những câu hỏi...

Có những trường hợp, dù không rơi vào tình cảnh "tiền đâu mà về quê đón tết?", nhưng cũng sợ tết vì sợ phải đối diện với những câu hỏi từng khiến họ ám ảnh.

"Hai vợ chồng đã cưới nhau được 5 năm, nhưng chưa có con. Để rồi năm nào cũng vậy, dù về quê ngoại ở Đắk Nông hay quê nội ở Quảng Trị thì bà con họ hàng đều vây quanh hỏi: Có gì chưa? Sao cưới lâu rồi mà chưa có em bé?... Những câu hỏi như thế khiến tôi không thoải mái. Tết này hai vợ chồng cũng "chưa có gì", nên tôi lại sợ thêm một cái tết đau đầu chỉ vì chưa có con", Lê Thị Bích Liên (30 tuổi, nhà ở A10.618 chung cư Ehome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM), trải lòng.

Nhiều người khác cũng thở ngắn than dài vì thường bị người thân quan tâm một cách thái quá khi ở TP.HCM về quê đón tết. Để rồi họ phải trả lời những câu hỏi mà bản thân không muốn nhắc đến.

"Chuyện lương thưởng, chuyện yêu đương, chuyện con cái, chuyện lập gia đình... đều là những điều tế nhị. Vẫn biết là người thân vì quan tâm nên mới hỏi. Nhưng mỗi khi gặp những câu hỏi này vào những ngày đầu năm, tôi cảm thấy chẳng vui", Lê Thị Xuân Trang (31 tuổi, làm việc ở công ty TNHH Beauty Inside (Q.7, TP.HCM) cho biết.

Ngoài ra, nhiều người trẻ cũng thú thật "sợ tết" vì trong những cuộc gặp gỡ với bạn bè cũ khi họp lớp lại phải đối diện với sự so sánh về câu chuyện thu nhập, tiền thưởng tết, vị trí trong xã hội... Đấy là chưa kể, cũng có những trường hợp người trẻ cảm thấy nặng nề trong mỗi lần về quê đón tết vì người thân kể chuyện những người trạc tuổi đã công thành danh toại, đã sắm được xe, đã xây được nhà cao cửa rộng...

"Những sự so sánh dù vô tình hay cố ý đều khiến người trong cuộc cảm thấy tổn thương. Thế nên tôi luôn cảm thấy lo lắng khi tết đến", Xuân Trang chia sẻ thêm.

Việc bếp núc cũng trở thành nỗi lo của nhiều cô gái làm dâu...

X.P

Làm sao để bươn qua nỗi lo chuyện tết?

Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Thị Oanh (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM) tết là dịp để đoàn tụ, quây quần bên gia đình sau những tháng ngày làm việc vất vả. Nhất là với những người trẻ xa quê mưu sinh ở nơi đất lạ, thì tết càng có ý nghĩa.

Vì lẽ đó, dù có thể bị bủa vây bởi muôn vàn áp lực, nỗi lo, nhưng đừng để những nỗi lo ấy trở thành gánh nặng làm ảnh hưởng đến những ý nghĩa thiêng liêng mà ngày tết mang lại.

"Có một cách để bươn qua nỗi lo chuyện tết, đó là cứ lạc quan và vui tươi, nhìn mọi thứ theo lăng kính lạc quan thì mọi thứ sẽ 'dễ thở'. Giả dụ cảm thấy phiền hà khi bị hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, thì hãy xem đó là sự quan tâm của mọi người. Vì yêu thương, vì lắng lo, vì sự ân cần và thiện ý nên mọi người mới hỏi", bà Oanh nói.

"Chuyện tiền đâu mà về cũng là trăn trở của nhiều người trẻ. Nhưng với nhiều bậc phụ huynh, tết đến, những người làm cha làm mẹ không mong con cái đem tiền về, hay mang quà về. Mà họ chỉ mong nhìn thấy con cái trở về nhà sau cả năm bôn ba xa xứ, nhìn thấy con cái khỏe mạnh là mừng, là hạnh phúc lắm rồi. Nên dù có thể không dư giả, cũng hãy sắp xếp về với gia đình dịp tết", bà Oanh chia sẻ thêm.

Cũng theo vị chuyên gia tâm lý này, hãy "dọn" sạch những nỗi lo ra khỏi tâm trí. Vì dù muốn dù không thì tết cũng đến. "Hãy tận hưởng tết một cách đúng nghĩa. Tết là phải vui", bà Oanh nhắn nhủ.

Tết tuy áp lực, nhưng tết là để đoàn viên

"Với nhiều người, về quê đón tết là niềm hạnh phúc. Nhưng cũng có những người, về quê đón tết là một áp lực rất lớn", Trần Công Trọng (27 tuổi, nhà ở 147 Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, TP.HCM).

"Tự nhiên nghĩ tới tết mà áp lực. Áp lực chủ yếu liên quan đến tiền. Tiền vé xe về quê ở Quảng Bình và vô lại TP.HCM khoảng 1,4 triệu đồng. Mua sắm quà cho gia đình. Tiền biếu người thân. Tiền lì xì cho các em. Tiền chi tiêu trong những ngày tết... Nhẩm đếm sơ sơ cũng 15, 20 triệu đồng. Trong khi lương mỗi tháng chỉ 6,8 triệu đồng. Nghĩ đến tự nhiên không muốn về quê đón tết" (Vũ Đức Tiến, 31 tuổi, làm việc ở công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nói.

"Một năm xa quê, nhớ nhà, nên tôi muốn về quê với cha mẹ và anh chị em. Có thể không có tiền, có thể gặp nhiều áp lực đè nặng... nhưng cũng sẽ về. Vì tết là để sum họp, đoàn viên", Nguyễn Thị Diệu Thanh (28 tuổi, làm việc ở Công ty TNHH thương mại Nhân Kim (Q.6, TP.HCM) nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.