“Có bọn vịt con, nhà tôi vui lắm, dù bận hơn nhiều vì khâu vệ sinh chuồng trại nhiều thời gian ra phết”, chị Đinh Lệ Hằng, 8X trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội, mẹ của 3 em bé đã ấp thành công số trứng vịt lộn thành 3 con vịt khoe. Hàng xóm mới nhờ chị Hằng mua thêm ít trứng cút lộn về ấp, vì theo 'trend' (xu hướng) và thấy chị “mát tay” quá.
Nuôi như “thú cưng” trong nhà
Chị Hằng cho biết có ý tưởng muốn ấp trứng vịt lộn sau khi người bạn cùng công ty đăng ảnh chú vịt con đáng yêu vừa ấp nở. “Nhìn ảnh đó 3 bé nhà tôi thích lắm, cứ nói mẹ ấp trứng cho chúng con đi mẹ. Đợt đó Hà Nội bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16, nhìn các con quanh quẩn trên căn chung cư hàng mấy tháng trời liền không được đi đâu, chỉ xem tivi, tôi đã ấp trứng cho các cháu, để nhà có thêm những bạn nhỏ. Vừa để các cháu học cách chăm sóc vừa giải tỏa căng thẳng khi chơi với đàn vịt con”, chị Hằng kể.
Lần đầu ấp, do chưa có kinh nghiệm, vịt con mới nở bị lạnh quá nên chết. Chị Hằng mua thêm trứng vịt lộn. Lần này, chị lên mạng tìm hiểu kỹ các kỹ thuật ấp trứng tại nhà, rồi chăm sóc vịt con mới nở ra sao.
|
|
Khi ấp, chị để trứng vịt lộn ở dưới gầm bếp từ vì dưới đó ấm áp. Sau khi vịt nở, chị cho chúng ra một thùng carton có lót vải xung quanh và chiếu đèn liên tục để vịt khỏi lạnh. “Sau 15 ngày ấp trứng, 1 chú vịt bắt đầu khè mỏ, hôm sau 2 chú nữa. 3 đứa con tôi vui hơn tết và rất thích khoảnh khắc con vịt chui ra khỏi vỏ”, chị khoe. Trong 1 ngày đầu mới nở thì vịt con chưa ăn uống gì. Hôm sau chị lấy cơm trộn với nước cho bớt dính để cho ăn và cho thêm ít hành lá vào nước để vịt uống.
Chị Hằng và các con chăm vịt như “thú cưng” trong nhà. Chị Hằng kể: "Các con chạy ra chạy vào xem vịt suốt ngày, mỗi người nhận 1 con là của mình và gọi điện thoại cho ông bà nội ngoại, bạn bè để khoe nhà mới nuôi vịt. Chúng còn đòi cho vịt ngủ chung hay nói mẹ may quần áo cho vịt đi".
Trong khi đó, chị Trần Nhung, 27 tuổi, trú Q.Thanh Xuân, Hà Nội, mẹ của 2 em bé (3 tuổi và 1 tuổi rưỡi) cũng vừa ấp trứng vịt lộn thành vịt con tại nhà.
Chị kể lại quá trình ấp trứng vịt của mình: “Tôi đặt rổ trứng đã lót giấy vụn của mình phía trên cục phát sóng wifi cho ấm áp. Vịt lúc sắp nở thì sẽ có dấu hiệu nứt vỏ, bong vỏ ngoài. Cầm vào quả trứng thấy nó hơi ấm ấm. Thậm chí là còn thấy nó đạp đạp, gõ gõ nhẹ nhẹ từ phía bên trong. Vịt vừa nở ra thì đem chiếu đèn ngay. Việc chiếu đèn này cần duy trì tối thiểu 3-4 ngày đầu tiên để vịt con khô lông và giữ ấm. Không cho vịt ăn trong 24 giờ đầu. Sau đó cho vịt ăn đơn giản, thái ít hành lá pha vào nước, dầm nhuyễn cơm ngâm cùng rất nhiều nước”.
Vì sao ấp trứng vịt lộn thành con bỗng thành "trend"?
Trên khắp Facebook, YouTube, rất nhiều người trẻ ở thành thị khoe những chú vịt con của mình được ấp nở thành công từ quả trứng vịt lộn trong mùa dịch.
Chị Nhung cho hay, khi giãn cách xã hội, các gia đình trẻ có nhiều thời gian hơn ở nhà, quan tâm tới cuộc sống xung quanh hơn và bày nhiều thú vui cho con trẻ hơn. “Vịt con thì lại dễ nuôi, dễ kiếm kể cả trong thời điểm giãn cách như thế này, chỉ cần bớt ra từ trong túi trứng vịt lộn là được. Từ con vịt, cha mẹ có thể dạy các con yêu thương động vật, chăm sóc chúng ra sao”, chị Nhung nói.
|
Chị Nhung kể, từ khi bỗng nhiên có thêm thành viên mới, cả nhà ra ngóng vào trông, ngày nào trẻ con cũng dắt díu nhau vài lượt đi ngắm vịt. Hay ngồi 15-20 phút chỉ để tròn mắt nhìn 1 thực thể bé tí xíu vàng rộm học cách dựng cổ, đứng dậy, rỉa lông rồi ăn rồi chạy...
Giống vịt con từ khi nở cứ chạy lạch bạch theo người chăm chúng. Bé gái nhà chị Nhung còn hay cho vịt con ngồi sau xe đạp và đạp vòng quanh sân hay đòi ôm vịt khiến mẹ phải dạy con cách nâng niu vịt sao cho không làm đau “bạn”. Còn mẹ chồng chị thì chăm vịt rất kỹ, khiến cả nhà trêu “vịt con là con út của bà nội”.
Cũng tập tành ấp trứng vịt lộn thành con như "trend" trên mạng, chị Ngô Trân, trú TP.Cần Thơ, kể mình có ấp 1 quả trứng nở thành 1 con. “Nhưng đang nuôi được vài tuần, con vịt bỗng nhiên “đi bán muối ngang”. Mình cũng không hiểu vì sao, mặc dù mình để đèn cho ấm. Chắc do mình ấp thủ công, không có nhiều kinh nghiệm. Nhưng nuôi vịt con cảm giác rất đáng yêu, đi đâu vịt cũng theo mình”, chị Trân kể.
Vịt lớn sẽ gửi... về quê
Chị Hằng nói, giống vịt phải vệ sinh chuồng thường xuyên, nếu không sẽ rất hôi. Mỗi ngày chị thay lót ổ 3-4 lần.
Đồng thời, vịt con khi được tắm sẽ giảm bớt mùi hôi. Chị Hằng cho hay khi vịt được khoảng 1 tuần tuổi chị lấy nước ấm cho vào chậu và cho vịt bơi tắm trong đó. Chừng 5-10 phút chị cho vịt ra, lau khô hoặc lấy máy sấy tóc để sấy lông cho chúng rồi cho vào chuồng, chiếu đèn cho vịt không lạnh.
|
|
“Tôi cũng mong vịt mau lớn, có thể đẻ trứng. Nhưng khi nào hết giãn cách tôi sẽ mang vịt về quê để nhờ ông bà nuôi giúp, vì vịt lớn cần không gian rộng rãi hơn”, chị Hằng nói.
Còn chị Nhung chia sẻ, chị ở nhà phố, có sân và sân thượng khá rộng, nhốt vịt ở chuồng riêng ngoài sân nên cũng nhờ thế mà vịt đỡ hôi hơn. Dù rất yêu vịt và mong nó sẽ lớn lên cùng các con mình, song gia đình chị Nhung đã lên kế hoạch, khi vịt lớn hơn chút sẽ gửi về quê, để sân vườn rộng hơn để vịt được chạy nhảy, bơi lội, kẻo rất tội nghiệp.
Nuôi vịt cũng vui nhưng… hôiAnh Lê Hải Văn, 28 tuổi, chủ trang trại chăn nuôi trên 8.000 m2 tại ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước cho biết nếu lấy trứng vịt lộn loại để ăn để ấp nở thành con thì xác suất thành công không cao. Nên chọn loại trứng chuyên để ấp thành con để chăn nuôi. Vịt con mới nở ra 1 ngày tuổi phải chích vắc xin chống bại liệt để lớn lên khỏe mạnh.
Anh Tô Tiểu Tường, 30 tuổi, YouTuber về đời sống nông thôn, trồng lúa, nuôi vịt ở H.Tiền Hải, Thái Bình khuyên, vịt dưới 20 ngày tuổi không cần thả nước, giai đoạn này gọi là “gột vịt”. Lúc này nó cần được ấm áp, khô ráo, để không bị nhiễm trùng cuống rốn và cho ăn cám nhỏ hoặc tấm. Sau 20 ngày thì thả vịt ra đồng ruộng để nó bơi lội cho sạch sẽ.
Vịt nuôi cần nước, không có nước để nó tắm rửa thì sẽ rất hôi. Ở thành phố, nếu nuôi thả vịt, vịt đi vệ sinh bừa bãi thì gột rửa khó. “Nếu muốn cho con trải nghiệm sau 'trend' ấp trứng vịt lộn, tôi nghĩ nên đến các nông trại, nhà máy ấp trứng để cho trẻ ngắm nghía thôi. Cho trẻ nhỏ ôm ấp vịt cũng nên cân nhắc vì lông gà, vịt hay có con mát, nó sẽ khiến trẻ nhỏ dễ bị mẩn ngứa”, anh Tô Tiểu Tường khuyên.
|
Bình luận (0)