Yêu thiên nhiên, trân trọng cuộc sống
Sau khi đọc bài viết “Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh núi Everest” đăng tải trên Báo Thanh Niên ngày 16.5, chị Nguyễn Thị Xuân (làm kế toán ở Q.1, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ cô ấy và mừng vì cô ấy đã trở về an toàn, thật tự hào cho phái nữ”.
Bởi lẽ, chị Xuân cũng rất đam mê leo núi. Đến nay, cô gái 32 tuổi này đã chinh phục nhiều ngọn núi ở Việt Nam như: Bà Đen (leo 75 lần), Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử, Nhìu Cồ San, Ngũ Chỉ Sơn, Lảo Thẩn...
Chị Xuân chinh phục rất nhiều đỉnh núi cao ở Việt Nam |
nvcc |
“Nếu có dịp chắc chắn tôi sẽ leo lại Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046 m) vì đường rất dài, mà tôi là người miền Nam ra Bắc khí hậu lạnh nữa làm cơ co lại nhưng vẫn thích nghi được. Nơi này, ngoài cảm nhận thiên nhiên hùng vĩ nếu may mắn sẽ gặp mây như chốn thiên đường và đây cũng là cung đường đòi hỏi sức bền tốt”, chị Xuân tâm sự.
Rồi chị nói: “Núi Bà Đen (cao 986 m) là nơi gắn bó với cuộc sống và để lại kỷ niệm với tôi nhiều nhất vì tôi quen biết thêm bạn bè và giúp đỡ nhiều người đi lạc hay bị thương khi leo núi, cũng là nơi cho tôi sự cân bằng lại trong cuộc sống và đánh dấu sự trưởng thành của mình”.
Với chị Xuân, leo núi là cách kiểm tra sức khỏe mình rõ nhất |
nvcc |
Chị Xuân cho hay chị mê leo núi vì đây là cách kiểm tra sức khỏe mình rõ nhất, sự trải nghiệm thực tế giúp nhìn thấy chính bản thân mình rõ nhất mà không bộ môn nào có được.
Chị Xuân trân trọng cuộc sống hơn khi leo núi |
nvcc |
Chị Xuân lưu ý cho mọi người khi leo núi cần chuẩn bị tinh thần, tâm lý thật tốt. Tìm bạn đồng hành phù hợp và tin tưởng được. Phải biết lượng sức mình. Lựa chọn giày và quần áo phù hợp... |
nvcc |
“Leo núi giúp tôi yêu bản thân, yêu thiên nhiên nhiều hơn, trân trọng cuộc sống đặc biệt giúp giải tỏa căng thẳng, rèn luyện sự nhẫn nại và sức chịu đựng tốt hơn", chị Xuân chia sẻ.
Khám phá và đưa bản thân đến một giới hạn mới
Ngoài có được những bức hình đẹp với thiên nhiên thì việc leo núi còn giúp Nguyễn Thị Thái Uyên (22 tuổi, ngụ tại Thanh Xuân, Hà Nội) có được sức khỏe, sự dẻo dai.
Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Uyên đã chinh phục 7 đỉnh núi ở Việt Nam, trong đó đáng nhớ nhất là Lảo Thẩn (cao 2.862 m) leo tháng 7.2021 và Bạch Mộc Lương Tử, leo vào tháng 5.2022.
Uyên hòa mình với thiên nhiên trên núi Bạch Mộc |
Theo Thái Uyên, leo núi không đơn giản chỉ là rèn luyện sức khỏe mà còn là sự khám phá, tìm hiểu và hòa mình với thiên nhiên, núi rừng.
“Không khí mà núi rừng mang lại, địa hình mà thiên nhiên tạo ra để cho con người trải nghiệm và khám phá rất khác biệt so với việc đi tập gym, chạy bộ, cardio. Leo núi với tôi là sự khám phá và đưa bản thân đến một giới hạn mới, được trải nghiệm những điều mới, được tìm hiểu những thứ mà không bao giờ có cơ hội gặp ở đồng bằng”, Uyên chia sẻ.
Nét đẹp thiên nhiên ở núi Bạch Mộc Lương Tử |
nvcc |
Uyên kể chuyến thám hiểm núi rừng Tây Bắc giúp cô được trải nghiệm đủ loại thời tiết từ mưa đến nắng, từ nhiệt độ 23-24 độ C hạ xuống chỉ còn 8-9 độ C.
“Đường leo hôm đó xấu và trơn đến mức cả đoàn chúng tôi đều đi dép tổ ong để leo. Đặc biệt hơn là trời hôm đó tưởng như sương và mù dày đặc nhưng thật may đoàn của chúng em vẫn có thể săn được biển mây cực đẹp", Uyên nói.
Chênh vênh bên núi Lảo Thẩn |
nvcc |
Trau dồi các kỹ năng sinh tồn, xử lý tình huống
Chị Nguyễn Thị Ngân, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng bắt đầu leo núi từ đầu năm 2022. Tính đến hiện tại, chị Ngân cũng chinh phục nhiều đỉnh núi cao ở Việt Nam như Bạch Mộc Lương Tử, Nam Kang Ho Tao (cao 2.881m) và Putaleng (cao 3.049 m).
“Mỗi cung leo có độ dài, cao, khó khác nhau. Địa hình của mỗi một núi cũng có những nét rất riêng. Thế nên, mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi những trải nghiệm rất ấn tượng và thú vị”, chị Ngân nhớ lại.
Có những trải nghiệm rất ấn tượng và thú vị khi leo núi |
nvcc |
Chị Ngân bắt gặp được những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khi leo núi |
nvcc |
Trước khi đi leo núi, chị Ngân chủ yếu tập luyện tại nhà bằng cách đi bộ, luyện cho cơ dẻo dai, đặc biệt là vùng hông, eo và chân. Trải qua vài hành trình leo núi, chị cảm thấy đây là bộ môn bổ ích và thú vị.
“Nam Kang Ho Tao là khó hơn cả, vì nhiều thác với suối, đường dốc và trơn, hôm tôi đi vào tháng 2 thì “dính” mưa nữa. Với Putaleng thì tôi ấn tượng với những khu rừng già và thảm rêu xanh ở những đoạn có suối. Điều đặc biệt là trong suốt 3 chuyến đi tôi đều được gặp gỡ và làm quen với rất nhiều các anh chị, những người bạn rất thân thiện và tốt bụng”, chị nói.
Chị Ngân khuyến khích việc các bạn nữ tham gia leo núi vì những lợi ích mà nó mang lại |
Chị Ngân tâm sự chị cũng hay được mọi người hỏi là “sao cứ thích đi leo núi làm gì cho khổ và vất vả, đi nghỉ dưỡng không sướng hơn à…?”. Tuy nhiên, cô gái này cho hay bản thân luôn ưa thử thách, mê trải nghiệm.
“Leo núi không phân biệt độ tuổi và giới tính. Chỉ sợ chúng ta không đủ sức khỏe và ý chí để leo thôi. Theo sự quan sát và chứng kiến của tôi, phái nữ có sức leo và sự kiên trì trên quãng đường leo không thua kém gì nam giới. Thế nên, không có lý do gì để nói rằng con gái thì không nên leo núi cả", chị Ngân nói.
Chị Ngân thích trải nghiệm hơn là nghỉ dưỡng |
nvcc |
Chị Ngân thừa nhận bản thân thích cảm giác được trải nghiệm hơn là đi nghỉ dưỡng và chỉ có leo núi mới đáp ứng được điều ấy. “Leo núi giúp tôi rèn luyện sức khỏe, vừa giúp trau dồi các kỹ năng sinh tồn, xử lý tình huống, lại vừa đòi hỏi ý chí và sự kiên trì nhất định. Chinh phục được một đỉnh núi cũng giống như chiến thắng chính bản thân mình, vượt qua được nỗi sợ độ cao, sợ khó, sợ khổ. Leo núi mang lại những trải nghiệm mà ở các chuyến đi chơi nghỉ dưỡng bình thường tôi không bao giờ có được”, chị nói.
Bình luận (0)