Vì sao nhiều trường đại học công lập khuyết hiệu trưởng?

05/12/2020 07:17 GMT+7

Nhiều trường ĐH công lập hiện đang khuyết vị trí hiệu trưởng, có những trường ban giám hiệu chỉ còn một người, thậm chí có trường không có cả ban giám hiệu. Vì sao có tình trạng này?

Cả ban giám hiệu có... một người

Nhiều trường ĐH công lập đang trong tình trạng không có hiệu trưởng, thậm chí thiếu cả các phó hiệu trưởng. Chẳng hạn, Ban giám hiệu Trường ĐH Y Dược TP.HCM hiện chỉ có một phó hiệu trưởng được giao thực hiện quyền hạn hiệu trưởng. Trước đó, từ đầu tháng 7, Bộ Y tế đã có quyết định công nhận Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 do PGS-TS Trần Diệp Tuấn giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường. Như vậy, ông Tuấn thôi giữ chức hiệu trưởng sau hơn một nhiệm kỳ ở vị trí này kể từ tháng 4.2015.
Sau thời điểm ông Tuấn giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Y Dược TP.HCM còn 2 phó hiệu trưởng gồm: PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc và TS Ngô Đồng Khanh. Đầu tháng 11, ông Bắc nhận quyết định của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM. TS Ngô Đồng Khanh cũng thôi giữ chức phó hiệu trưởng do đến tuổi nghỉ hưu.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện chỉ có một phó hiệu trưởng phụ trách trường do GS-TS Huỳnh Văn Sơn đảm nhiệm. Trường này khuyết vị trí hiệu trưởng sau khi TS Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, đã chính thức có quyết định giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ tháng 9 năm nay.
TS Minh Hồng chỉ giữ vị trí hiệu trưởng trong khoảng hơn một năm kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm. Trước đó, trường này cũng có khoảng một năm không có người đứng đầu sau khi PGS-TS Nguyễn Kim Hồng thôi giữ chức hiệu trưởng để nghỉ hưu.

Phó hiệu trưởng... phụ trách trường

Hiện nay, ở một số trường ĐH công lập, người đứng đầu là phó hiệu trưởng phụ trách. Chẳng hạn, Ban giám hiệu Trường ĐH Luật TP.HCM hiện có 1 phó hiệu trưởng phụ trách và 2 phó hiệu trưởng. Vào tháng 3.2018, GS-TS Mai Hồng Quỳ có quyết định thôi giữ chức hiệu trưởng do hết 2 nhiệm kỳ liên tiếp theo quy định. Thời điểm này, PGS-TS Trần Hoàng Hải được giao phụ trách trường cho đến khi có quyết định mới của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhân sự hiệu trưởng.
Chia sẻ về việc này, PGS-TS Trần Hoàng Hải cho biết ở thời điểm có quyết định giao nhiệm vụ ông thiếu tiêu chuẩn độ tuổi để bầu giữ chức hiệu trưởng. Theo quy định, người được bầu cần có đủ tuổi trong nhiệm kỳ 5 năm trước khi về hưu.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hiện cũng chỉ có 1 phó hiệu trưởng phụ trách và 2 phó hiệu trưởng sau khi GS-TS Nguyễn Hay về hưu trong năm nay.
Vì sao nhiều trường đại học công lập khuyết hiệu trưởng?1

PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc (phải) được giao nhiệm vụ thực hiện quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM

ẢNH: UMP.EDU.VN

Trường không có ban giám hiệu

Đặc biệt hơn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay không có cả ban giám hiệu. Trường này chỉ có một người được gọi là “đại diện trường” là TS Trần Trọng Đạo.
Trước đó, ngày 23.10 Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố quyết định cách chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh do có nhiều vi phạm. Đồng thời giao ông Trần Trọng Đạo, Phó hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014 - 2019, thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành trường đến khi có hiệu trưởng nhiệm kỳ mới được công nhận theo luật Giáo dục ĐH. Trước thời điểm có các quyết định trên, Ban giám hiệu trường này gồm 1 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng.
Do chưa có chức danh lãnh đạo để ký văn bằng theo quy định nên hơn 2.000 sinh viên của trường này đang bị hoãn cấp bằng tốt nghiệp.

Nguyên nhân từ đâu ?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường đang làm các quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của hội đồng trường giai đoạn 2020 - 2025.
“Hiện những người được quy hoạch đủ các điều kiện và tiêu chuẩn có thể bổ nhiệm ngay đang nhiều gấp đôi số người cần được bổ nhiệm. Tuy nhiên, trường đang thực hiện các bước theo luật Giáo dục ĐH mới, trên cơ sở thành lập hội đồng trường mới thực hiện quy trình đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận hiệu trưởng và bổ nhiệm các phó hiệu trưởng theo quy định”, ông Trung thông tin.
Còn PGS-TS Trần Hoàng Hải cho rằng thực trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn có trường chưa thành lập xong hội đồng trường nên không có tổ chức để bầu hiệu trưởng theo quy định của luật Giáo dục ĐH mới. Ở những trường đã có hội đồng trường nhưng trong giai đoạn nhất định, tập thể trường xét thấy chưa có người phù hợp để bầu hiệu trưởng nên tạm giao cho một phó hiệu trưởng phụ trách hoặc quyền hiệu trưởng để tạo sự ổn định. Điều này đúng với tinh thần Nghị định 115/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Tuy nhiên, theo ông Hải, hiện nay Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các trường ĐH yêu cầu khẩn trương tổ chức thành lập hội đồng trường, trên cơ sở đó hoàn thiện bộ máy lãnh đạo. Các trường đang thực hiện các bước để sớm hoàn thiện bộ máy này.
Điều kiện bổ nhiệm hiệu trưởng
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH quy định hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH công lập do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.
Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH do hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng ĐH.
Hiệu trưởng trường ĐH cần có: phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH. Người này cần có độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường ĐH công lập theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó cần đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng trường ĐH được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.