Xếp hạng đại học không cung cấp thông tin ý nghĩa
Động thái của Trường Y Harvard đã gây ra một hiệu ứng domino chưa từng thấy trong lịch sử của bảng xếp hạng này. Cho đến nay, ngoài Harvard đã có thêm hơn một chục trường y danh tiếng khác tại Mỹ tuyên bố không tham gia bảng xếp hạng này, trong đó có các tên tuổi lớn như Chicago, Columbia, Duke, John Hopkins, Pennsylvania, Stanford, Washington...
Cần lưu ý rằng trước đó US News đã có những phản ứng mang tính xoa dịu đối với dư luận, trước hết là qua những phát biểu giải thích những khó khăn trong việc xếp hạng các trường đại học vốn rất đa dạng, và sau đó là lời tuyên bố sẽ thay đổi phương pháp xếp hạng riêng đối với các trường luật để phù hợp với mục tiêu đào tạo đặc thù của ngành luật hơn.
Những nỗ lực này, tiếc thay, dường như đã không hề ngăn được làn sóng tẩy chay xếp hạng ngày càng lan rộng, đặc biệt là trong các trường đã tồn tại hàng trăm năm và có sẵn danh tiếng ngay cả trước khi bảng xếp hạng US News ra đời vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Cùng với sự tẩy chay này là những lời giải thích lý do, mà tất cả đều có thể quy về một điểm là sự khái quát hời hợt đến độ vô nghĩa của các kết quả xếp hạng.
Nói ngắn gọn, các kết quả xếp hạng đại học chẳng cung cấp được một chút thông tin nào có ý nghĩa về các trường - chưa kể đôi khi chúng còn sai lạc.
Nhưng… vì sao lại như thế khi nhiều năm qua tại Mỹ bảng xếp hạng US News đã chiếm được vị trí quyền lực đôi khi đến mức tuyệt đối đối với các trường đại học được xếp hạng? Việc công bố kết quả xếp hạng hàng năm vẫn luôn được xem là một sự kiện lớn, và kết quả này được sử dụng như nguồn thông tin tham khảo khách quan gần như là duy nhất để các sinh viên tiềm năng lựa chọn được ngôi trường phù hợp với họ.
Giờ đây, nếu việc tẩy chay lan rộng, đặc biệt là trong nhóm các trường đại học danh tiếng, tức là chỉ còn lại những trường không mấy danh tiếng cùng xếp hạng với nhau, thì liệu ý nghĩa của việc xếp hạng sẽ còn lại gì, và những người cần thông tin chọn trường sẽ biết dựa vào đâu để ra quyết định đây?
Câu trả lời thật ra khá đơn giản. Như một câu nói nổi tiếng mà người Mỹ hay nhắc đến, mọi sự tồn tại đều có lý do của nó. Bảng xếp hạng US News ra đời khi giáo dục đại học ở Mỹ trở nên phổ cập, số trường đại học tăng vọt, tỷ lệ người đi học trên dân số tăng cao trong đó có nhiều người thuộc tầng lớp thấp, thậm chí là thế hệ được học đại học đầu tiên trong dòng họ của mình.
Những người này cần một nguồn thông tin đơn giản, dễ hiểu về các trường làm căn cứ cho sự lựa chọn của mình, và đó là lý do các bảng xếp hạng đã xuất hiện.
Đỉnh điểm của sự chỉ trích
Trong những năm đầu mới xuất hiện, các bảng xếp hạng không được giới học thuật quan tâm nhiều. Người trong giới ai cũng hiểu rằng thông tin từ các bảng xếp hạng này không thể quá chính xác và không được thực hiện trong những điều kiện nghiêm nhặt như trong các nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực xã hội.
Tuy nhiên, chúng đáp ứng tốt vai trò của một ấn phẩm truyền thông: Cung cấp thông tin một cách khách quan và khá chuyên nghiệp; có khả năng phổ biến thông tin rộng rãi và vào đúng thời điểm mà người học cần. Nói vắn tắt, các bảng xếp hạng là những ấn phẩm nặng tính thời sự, xuất hiện theo mùa để đáp ứng nhu cầu tham khảo tức thời của người học, rồi sẽ nhanh chóng được quên đi để lại xuất hiện ồn ã vào những mùa sau.
Mọi việc chỉ trở nên phức tạp hơn khi chính các trường đại học bắt đầu quan tâm đến các bảng xếp hạng. Nguyên do của sự quan tâm này thì nhiều, nhưng tập trung vào hai điểm chính:
Sự cạnh tranh trong việc tuyển sinh ngày càng gay gắt, và một số trường có thứ hạng cao bắt đầu sử dụng vị trí xếp hạng của mình để truyền thông về nhà trường.
Yêu cầu ngày càng chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường đại học về tính hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách, và một số nhà nghiên cứu đã sử dụng kết quả xếp hạng như một nguồn minh chứng khách quan để so sánh giữa các trường.
Cả hai điều này đều dẫn đến việc vô tình nâng cao tầm quan trọng của các bảng xếp hạng. Khi mới ra đời, đối tượng phục vụ của các tổ chức xếp hạng chỉ bao gồm người học tiềm năng cùng gia đình của họ, nếu không kể đến đối tượng là công chúng nói chung, những người xem kết quả xếp hạng đại học cũng chỉ như kết quả xếp hạng bài hát được yêu thích nhất trên Làn sóng xanh, chẳng hạn thế.
Giờ đây, với tầm quan trọng được nâng lên và kết quả xếp hạng đã được cả giới học thuật (giáo sư trong các trường đại học; các nhà nghiên cứu về giáo dục đại học) lẫn giới quản lý (các nhà lãnh đạo giáo dục ở các cấp khác nhau; các nhà làm chính sách giáo dục) quan tâm sử dụng, thì việc xếp hạng đại học có vẻ như đã vượt quá khả năng đáp ứng của các tổ chức xếp hạng.
Và hậu quả của tầm quan trọng được nâng lên này, như có thể đoán được, là sự gia tăng chỉ trích về những nhược điểm và sai sót về phương pháp mà các bảng xếp hạng gần như đương nhiên sẽ mắc phải.
Đỉnh điểm của sự chỉ trích này chính là vụ tẩy chay ngày càng lan rộng đang diễn ra tại Mỹ đối với US News, một trong những bảng xếp hạng có uy tín và kỳ cựu nhất hiện nay. Đó là còn chưa xét đến những tiêu cực xảy ra ở nơi này nơi khác, như việc các trường cung cấp thông tin giả mạo để thăng hạng, hoặc việc các tổ chức xếp hạng thiếu đạo đức vừa thực hiện xếp hạng vừa tư vấn thăng hạng cho các trường - mà báo chí khắp nơi cũng đã từng đề cập đến.
Sự cảnh tỉnh cho tất cả các bên
Vậy tương lai của các bảng xếp hạng sẽ ra sao? Có lẽ vào thời điểm này không ai có thể đoán chắc được. Trong một thế giới đa diện, phức tạp và quá nhiều biến động ngày nay, điều gì cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, dựa vào lịch sử phát triển của hiện tượng xếp hạng đại học - không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, khả năng cao là các bảng xếp hạng vẫn sẽ tồn tại, vì nó đáp ứng nhu cầu thông tin có thật và chính đáng của đối tượng chính mà ngay từ đầu nó đã nhắm đến: Người học tiềm năng.
Đồng thời, vụ tẩy chay lớn lần này cũng sẽ là một sự cảnh tỉnh cho tất cả các bên. Các tổ chức xếp hạng chắc chắn sẽ phải thận trọng hơn nhiều khi đưa ra những kết quả có nguy cơ dẫn đến sự hiểu biết sai lệch về các trường. Các nhà lãnh đạo và chính sách giáo dục sẽ cân nhắc nhiều hơn khi sử dụng kết quả xếp hạng để đánh giá hiệu quả hoạt động và tưởng thưởng cho các trường có vị trí cao. Người học tiềm năng và gia đình cũng sẽ phải giảm bớt sự phụ thuộc vào các bảng xếp hạng khi lựa chọn các trường.
Như vậy, suy cho cùng thì việc tẩy chay lần này cũng là một điều cần thiết và có tác dụng tích cực, vì nó làm tăng hiểu biết của xã hội về tầm quan trọng của việc minh bạch thông tin để có được những góc nhìn đa chiều, cũng như sự phức tạp của việc đánh giá các trường đại học.
Với những thực thể vốn rất đa dạng và phức tạp như vậy, không ai có quyền đánh giá chúng một cách hời hợt mà không xem xét tất cả các thông tin định lượng lẫn định tính có liên quan đến từng ngôi trường trong mối tương quan với hoàn cảnh hoạt động và đối tượng phục vụ của nó. Và đó mới là điều mà tất cả mọi người cần hiểu rõ khi sử dụng kết quả xếp hạng đại học làm căn cứ cho các quyết định quan trọng của mình.
Bình luận (0)