Vì sao nhiều y, bác sĩ nghỉ việc?: Kỳ 1 - "Mệt mỏi quá, tôi ra ngoài buôn bán"

15/12/2021 09:49 GMT+7

Gần đây nhiều y bác sĩ nghỉ việc , nhất là khi xảy ra đại dịch, áp lực công việc, thu nhập giảm sút, khiến nhân viên y tế nghỉ việc nhiều hơn...

Dịch Covid-19 bùng phát tại Đồng Tháp từ ngày 24.6.2021. Khi đó, chùm ca nhiễm xuất hiện ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sa Đéc, sau đó lây lan nhanh ra cộng đồng toàn tỉnh cho đến nay. Sau thời gian dài làm việc cật lực để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều y, bác sĩ (BS) tại Đồng Tháp mệt mỏi, đuối sức và có nhiều người nộp đơn xin nghỉ việc.

Áp lực, stress kéo dài

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Đồng Tháp mới đây, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, thốt lên rằng: “Đề nghị Sở Y tế phải xem xét, đánh giá lại đội ngũ y tế cơ sở. Tôi đi làm việc với nhiều huyện thấy tinh thần của anh em nhân viên y tế (NVYT) xuống rất nhiều và nhiều người đã viết đơn xin nghỉ rồi”.

Lực lượng y tế tỉnh Đồng Tháp tạm nghỉ sau khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm

Trần Ngọc

Ông Nghĩa dẫn chứng, chỉ riêng TP.Cao Lãnh đã có 16 y, BS của tuyến y tế thành phố nộp đơn xin nghỉ việc. Ông Nghĩa yêu cầu Sở Y tế và các huyện tổng hợp báo cáo về thực trạng y, BS nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch.

Thực tế, nhiều cơ sở y tế của Đồng Tháp có không ít y, BS sau thời gian dài chống dịch bị áp lực, mệt mỏi đã viết đơn xin nghỉ việc. Cụ thể, tại BVĐK Sa Đéc, nơi đã trở thành BV chuyên điều trị Covid-19 thời gian dài cho đến nay, nhiều y, BS đã nộp đơn xin nghỉ việc theo nguyện vọng.

Anh V.T, điều dưỡng khoa Cấp cứu BVĐK Sa Đéc, vừa được cho thôi việc theo nguyện vọng, nói: “Suốt mấy tháng chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 phải mặc đồ bảo hộ nóng nực nên tôi bị kiệt sức, phải nằm viện. Ngoài ra, phải trực cấp cứu bệnh Covid-19 tôi rất áp lực nên tôi bị stress rất lâu. Lương điều dưỡng 11 năm của tôi tính luôn tiền trực sau khi trừ các khoản phí chỉ 7,5 triệu đồng/tháng. Vì mệt mỏi quá nên tôi xin nghỉ ra ngoài buôn bán, nếu thu nhập ổn định thì bỏ nghề y luôn”.

Cũng tại BVĐK Sa Đéc, nữ BS T.T.M.T vừa được lãnh đạo BV giải quyết cho thôi việc sau nhiều ngày nộp đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, có trường hợp BS đã nộp đơn xin nghỉ việc, nhưng được động viên ở lại.

BS Bùi Khiết, công tác tại BVĐK Sa Đéc, nói: “Đợt dịch vừa rồi, tôi điều trị Covid-19 xuyên suốt gần 4 tháng trong BV nên rất mệt và áp lực. Có ngày phải chứng kiến 5 - 6 bệnh nhân tử vong, tinh thần bị ảnh hưởng nặng, tôi nộp đơn xin nghỉ việc nhưng được BV động viên nên mới bám trụ”.

BS Trần Thanh Tùng, Giám đốc BVĐK Sa Đéc, cho biết: “Đối với tình trạng nhiều y, BS của BV nộp đơn xin nghỉ việc tôi xin từ chối trả lời xin hẹn lại vào lúc khác, vì thời điểm này rất tế nhị”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc

Quá tải công việc, thu nhập lại quá thấp

Ông Trương Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) TP.Cao Lãnh, cho biết Trung tâm có 202 nhân niên và y, BS. Mới đây phải giải quyết cho 8 người nghỉ việc theo nguyện vọng. Ngoài ra, còn nhiều NVYT ở xã đã nộp đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được giải quyết. “Anh em y tế cấp xã, phường và thành phố hiện nay quá nhiều việc nên họ rất đuối. Họ phải tiêm chủng thường xuyên, đi truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, trực khu cách ly F1, hỗ trợ điều trị F0… có lúc đến 10 giờ tối chưa xong. Với nữ còn phải chăm sóc gia đình, con cái nữa nên nhiều em đã nộp đơn xin nghỉ việc. Mỗi trạm y tế (TYT) xã, phường khoảng 10 người nhưng có 1 số trạm nhân viên nghỉ chỉ còn 5 - 6 người. Chống dịch thời gian dài, sau đó nhiều em lên nộp đơn xin nghỉ việc trong trạng thái phờ phạc, rất xót. Có trường hợp nộp đơn nghỉ việc, qua động viên thì rút đơn lại nhưng sau đó lại viết đơn xin nghỉ tiếp. Các em bảo đã quá mệt mỏi, buộc mình phải cho nghỉ”, ông Dũng chia sẻ.

Dịch kéo dài, công việc dồn dập, có lúc các y bác sĩ tại Đồng Tháp đuối sức (Trong ảnh: nhân viên y tế tạm nghỉ sau khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại xã An Hiệp, H.Châu Thành, Đồng Tháp)

TRẦN NGỌC

Ông Dũng cho biết thêm, tuy công việc NVYT hiện vất vả, quá tải nhưng mức lương và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra. Một số vì hoàn cảnh gia đình phải nộp đơn xin nghỉ để tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn. Ông Dũng nói: “NVYT thời gian dài chống dịch lương vẫn rất thấp, có em làm việc khoảng 10 năm lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng thì sao đủ trang trải chi phí. Trong tình hình dịch tiếp diễn nhưng lực lượng y tế đơn vị mỏng như thế này sẽ rất khó thực hiện tốt nhiệm vụ nên cần phải tuyển dụng thêm nhân viên. Đồng thời, tỉnh phải nhanh chóng chi chế độ hỗ trợ trực Covid-19 cho lực lượng y tế chống dịch vì trực đã hơn 5 tháng mà anh em chưa nhận được tiền hỗ trợ”.

BS Dương Hồng Nhựt, Phó giám đốc TTYT H.Châu Thành, cho biết qua 2 năm xuyên suốt chống dịch, lực lượng y, BS đã bị quá tải, áp lực khá lớn với công việc. “Theo tôi, hiện nay tình trạng y, BS ở một số nơi xin nghỉ sau thời gian dài chống dịch vì thu nhập BV công và BV tư chênh lệch lớn, anh em xin nghỉ qua làm tư. Ngoài ra, ở một số BV hiện nay điều trị bệnh Covid-19, không điều trị bệnh thông thường nên thu nhập giảm đáng kể”, ông Nhựt nói.

“Nhân viên y tế thời gian dài chống dịch lương vẫn rất thấp, có em làm việc khoảng 10 năm lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng thì sao đủ trang trải chi phí..." - ông Trương Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) TP.Cao Lãnh

Động viên tinh thần y, bác sĩ

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiều tháng qua, đội ngũ y tế phải thực hiện nhiều nhiệm vụ vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa phải đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cán bộ y tế vì thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt đã xuất hiện tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bản thân và cuộc sống.

Dịch bệnh kéo dài, khiến các y, bác sĩ bị nhiều áp lực

Trần Ngọc

Ngoài ra, theo ông Bửu, với các cơ sở y tế, nhất là những đơn vị đã thực hiện tự chủ kinh phí hoạt động hoàn toàn sẽ gặp nhiều khó khăn vì số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh giảm so với thời điểm trước khi dịch bệnh. Trong khi, cơ sở y tế vẫn phải đảm bảo các khoản chi phí cố định như: lương, phụ cấp, chi phí điện, nước, vệ sinh,…thực hiện xét nghiệm, phòng chống dịch nên gặp khó khăn. Đó cũng là một trong những lý do NVYT nộp đơn xin nghỉ việc.

“Dịch bệnh tăng khiến anh em y tế quá tải nên thấy nặng nề, căng thẳng. Một số NVYT vì lý do sức khỏe và bị áp lực sau thời gian dài chống dịch đã nộp đơn xin nghỉ việc. Tỉnh đã nhìn thấy việc này và cố gắng động viên, chia sẻ để củng cố tinh thần cho anh em biết nghề y của mình trong thời điểm dịch bệnh là lúc bà con rất cần mình, khuyên anh em phải chịu đựng vất vả, khó khăn để điều trị bệnh nhân thật tốt. Tỉnh đã yêu cầu Sở Tài chính rà soát lại để hỗ trợ chi phí cho anh em y tế ở tuyến đầu chống dịch kịp thời để đảm bảo lực lượng anh em làm việc hiệu quả, ổn định đời sống gia đình để an tâm công tác”, ông Bửu bày tỏ. (Còn tiếp).

Theo Sở Y tế Đồng Tháp, tỉnh có 10 BVĐK/chuyên khoa tuyến tỉnh, ngoài ra còn có 5 BV tư nhân. Tuyến huyện có 12 TTYT tại 12 huyện/thành phố, đồng thời có 2 Phòng khám đa khoa Quân dân y Thường Phước và đa khoa Quân dân y Dinh Bà. Tuyến y tế xã có 143 TYT/143 xã, phường/thị trấn.

Số lượng nhân lực ngành y tế tỉnh hơn 8.900 người, trong đó đội ngũ y tế công lập là 6.132 người và y tế tư nhân 2.798 người. Riêng ở TYT xã toàn tỉnh có 1.270 người, mỗi TYT có từ 7-10 người tùy theo dân số địa phương nhiều hay ít. Đối với lực lượng y, BS toàn tỉnh có 1.440 BS, đạt tỷ lệ hơn 9 BS /1 vạn dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.