Từ rap, bolero cho đến remix...
Nếu ai đó đã từng đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM, chắc hẳn không xa lạ gì với cảnh các nhóm hát thi nhau "mọc" lên ở địa điểm vui chơi này của người trẻ. Bất kể đêm nào trong tuần, các nhóm hát cũng xuất hiện. Đặc biệt vào những đêm cuối tuần, các nhóm hát hiện diện khắp nơi.
Với nhiều người trẻ, sự nở rộ của các nhóm hát tự phát đã giúp họ có cơ hội nghe nhạc thoải mái. Theo lời của Nguyễn Quốc Ấn, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thì các nhóm hát xuất hiện ngày càng nhiều đang trở thành một trong những nét đặc trưng của phố đi bộ nổi tiếng này.
Còn như chia sẻ của Đỗ Thị Kim Mẩn, sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam, phố đi bộ Nguyễn Huệ như một điểm hẹn văn hóa. "Có nhiều lần mình đến từ lúc 18 giờ đã nghe nhạc. Đến sau 22 giờ 30 thì các nhóm hát vẫn còn hoạt động. Xung quanh là cả vài chục người đứng nghe, hát nhẩm hoặc cùng hòa giọng, lắc lư theo điệu nhạc", Mẩn kể.
Tuy nhiên, vì có quá nhiều người trẻ đem "loa kẹo kéo" đến biểu diễn ca nhạc đã khiến không ít bạn trẻ cảm thấy ngán ngẩm. Nhất là khi các nhóm đứng hát ở những vị trí quá gần nhau.
Thế nên mới có chuyện trong phạm vi chỉ chừng 50 mét vuông nhưng có thể cùng lúc nghe nhiều thể loại nhạc lẫn lộn. "Bên này hát bolero. Bên kia thì đọc rap. Bên nọ hát nhạc remix. Những âm thanh trộn lẫn, lộn xộn, khiến nghe… nhức đầu", Bùi Quang Sơn, sinh viên Trường ĐH Mở ta thán.
Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, cho biết ở phố đi bộ Nguyễn Huệ có "quá trời quá đất" nhóm nhạc. "Chỉ cần đi vài bước chân là bắt gặp một nhóm nhạc. Những "ca sĩ đường phố" xuất hiện dày đặc. Nên lắm lúc đang nghe nhóm này thể hiện ca khúc yêu thích thật hay nhưng bị âm thanh từ nhóm khác hát vọng vào lấn át".
Đây là lý do…
Trần Quang Hưng, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết khoảng nửa năm nay, thường cùng những "cạ cứng" đem micro, loa ra phố đi bộ Nguyễn Huệ để hát. Lý do là để mưu sinh bằng cách đặt thùng đựng trước vị trí biểu diễn. Trên thùng ghi dòng chữ "tùy tâm ủng hộ".
"Nếu khán giả cảm thấy yêu thích, thương chúng mình thì sẽ ủng hộ", Hưng nói và cho biết thêm: "Tùy đêm mà thu nhập từ việc hát ở phố đi bộ Nguyễn Huệ khác nhau. Những đêm được người nghe thương, ủng hộ nhiều thì thu nhập khoảng 500.000 – 600.000 đồng, chia đều cho 3 thành viên. Số tiền nhận được đủ để chi trả vài khoản trong sinh hoạt hàng ngày".
Huỳnh Anh Tuấn, đang là học sinh lớp 11 tại một trường THPT ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng chia sẻ sở dĩ đến phố đi bộ Nguyễn Huệ hát hàng đêm là để kiếm tiền. Giống như Hưng, mỗi đêm Tuấn được khán giả động viên bằng những khoản tiền tùy tâm. "Những đêm cuối tuần thì nhận được nhiều hơn, vì mọi người đến phố đi bộ đông đúc. Các đêm còn lại thì có khi được khoảng 100.000 đồng/thành viên", Tuấn nói.
Chia sẻ của Tuấn và Hưng cũng là giải đáp cho câu hỏi "Vì sao có quá nhiều nhóm hát tự phát ở phố đi bộ Nguyễn Huệ?". Bên cạnh số ít người trẻ rủ bạn bè hát cho vui, thì đa phần các nhóm hát biểu diễn để kiếm thêm thu nhập.
Nguyễn Trường (31 tuổi), ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết từng đi hát ở nhiều quán cà phê acoustic. Tuy nhiên, tiền cát xê không cao, chưa đến 200.000 đồng/đêm. Chưa kể nhiều đêm… ế sô. Vì thế, Trường quyết định rủ thêm một người bạn mua loa, micro để ra phố đi bộ Nguyễn Huệ… hát cho người khác nghe.
"Giờ đây, thu nhập ổn và đều đặn hơn những ngày còn hát ở các quán cà phê acoustic", Trường nói.
Ngoài việc thể hiện các ca khúc "tủ", họ còn thường giao lưu, hỏi ý kiến người nghe muốn trình diễn bài nào hoặc để khán giả hát. Nhờ vậy, cơ hội được ủng hộ tiền nhiều hơn. "Có người ủng hộ 10.000 đồng. Có người cho đến 50.000 đồng. Nếu ai đó dành tình cảm nhiều hoặc cầm micro "góp vui văn nghệ" thì cho cả trăm ngàn đồng. Nhất là mấy cô chú lớn tuổi, thường hát bolero, nhạc trữ tình… ", Nguyễn Thanh Duy Tân, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, kể.
Những "ca sĩ" ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã chia sẻ, rằng chính họ cũng giật mình và bất ngờ khi càng ngày có nhiều "đồng nghiệp" đem lời ca tiếng hát để mưu sinh. "Trước đây, chỉ có 3, 4 nhóm. Thì giờ đây, có cũng gần… 20 nhóm", Hưng cho biết thêm.
Dù đông đúc nhóm hát, nhưng theo chia sẻ, họ không hề cạnh tranh nhau. "Nếu hát hay, biết thể hiện những ca khúc đang lọt top thịnh hành thì sẽ thu hút nhiều người xem, nhất là giới trẻ. Qua đó, có thể tăng cơ hội được ủng hộ. Nếu khán giả nghe nhưng không ủng hộ thì cũng chẳng sao", Tân nói.
Bình luận (0)