Mua quyền đòi nợ, không phải mua tài sản?
Ngày 10.5, Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP XNK Vĩnh Long với mức giá khởi điểm hơn 125,829 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo (TSĐB) cho khoản nợ gồm 16 quyền sử dụng đất có tổng diện tích hơn 18.845 m2 ở Vĩnh Long và Đồng Tháp. Theo thông tin từ nhân viên BIDV, NH bán toàn bộ khoản nợ bao gồm tài sản, khoản phải trả, khoản phải thu. Như vậy khách hàng sau khi mua khoản nợ nêu trên thì sẽ đi đòi nợ từ Công ty CP XNK Vĩnh Long. Hay trong khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy tại BIDV, các TSĐB được rao bán hơn 1.015 tỉ đồng ngoài Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại Q.7, TP.HCM hay rừng cây trồng tại Đắk Nông; Công trình xây dựng trên đất và máy móc thiết bị sản xuất gỗ tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) còn có quyền đòi nợ/khoản phải thu của Tập đoàn Khải Vy tại Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang. Như vậy bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào mua khoản nợ nói trên cũng sẽ phải đi theo đòi số nợ từ Tập đoàn Khải Vy, và từ Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang...
Đại diện BIDV chia sẻ, bán nợ là việc NH và bên mua nợ thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ được bán. Theo đó NH sẽ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ. Bên cạnh đó, một hình thức xử lý khác để thu hồi nợ là đấu giá tài sản. Ở đây có 2 cách là NH thuê trung tâm đấu giá để bán tài sản hoặc cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản theo quyết định của tòa án. Chính vì bán khoản nợ khác với đấu giá tài sản nên “độ khó” trong việc xử lý nợ là khác nhau.
Chưa phát triển hình thức mua nợ để tái cấu trúcTS Đinh Thế Hiển phân tích: Thực tế trong kinh doanh, có nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ sản phẩm dịch vụ nhưng vì sai lầm tài chính mà dẫn đến phá sản, nếu gặp được người mua nợ chủ động sẽ giúp các doanh nghiệp hồi sinh. Thế nhưng hình thức này ở VN lại không phát triển. Trong khi ở nước ngoài các công ty tham gia vào hoạt động mua bán nợ nhằm tái cấu trúc lại doanh nghiệp hoạt động rất nhiều.
|
Dù vậy, theo vị này, cơ hội kiếm tiền trong thị trường mua bán nợ là cao nhưng đôi khi khách hàng muốn tìm hiểu thông tin về khoản nợ này không phải dễ và luôn có những yếu tố rủi ro bất ngờ trong việc mua nợ. Trong khi đó, cả NH và con nợ đều muốn bán ở mức giá cao. "Một khoản nợ để lâu ngày trở thành đống sắt vụn mà đòi bán theo giá “con tàu” thì làm sao mà thu hút người khác? Chưa kể nhiều khoản nợ được rao bán nhiều lần mà không xử lý được cũng là một chiêu kỹ thuật trong xử lý giá. Giá bán khoản nợ, hay thanh lý tài sản xử lý nợ lần sau lúc nào cũng sẽ giảm so với lần trước. Trong trường hợp giá về mức thấp, đủ hấp dẫn tất sẽ có người mua. Việc định giá mua nợ hay tài sản xử lý nợ thấp bao nhiêu còn phụ thuộc vào hồ sơ đó có phức tạp hay không”, vị này nói.
Thủ tục cản chân người mua
Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội ban hành về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng phần nào đã giúp các NH từng bước xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, theo tổng hợp của NH Nhà nước, trong quá trình triển khai xử lý các NH vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó việc thu giữ TSĐB vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay. Hay các chủ nợ vẫn gặp rắc rối về đăng ký thay đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là TSĐB của khoản nợ xấu. Do đó, NH hoặc tổ chức mua bán nợ đề xuất sử dụng biên bản thu giữ thay cho văn bản về việc bàn giao tài sản thế chấp hoặc văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ nhưng không được văn phòng đăng ký đất đai chấp thuận. Từ đó dẫn đến các bên liên quan không thực hiện được việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho bên mua tài sản. Ngoài ra, việc chuyển nhượng các dự án bất động sản chưa có giấy chứng nhận vẫn gặp phải khó khăn khi tiến hành các thủ tục chuyển nhượng dự án tại các cơ quan có thẩm quyền…
Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, Nghị quyết 42 trên thực tế chỉ mới tiến thêm được 1 bước trong quá trình xử lý nợ xấu. Trong khi đó, các quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp. Nhiều miếng đất là TSĐB của các khoản nợ đôi khi có lịch sử phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân nên để sang tên sở hữu mất nhiều thời gian, thậm chí lại không thực hiện được. Vì vậy khách hàng sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi mua khoản nợ nên nhiều người e ngại, nên thậm chí TSĐB bán với giá thấp cũng không được quan tâm. Do đó, cần nhiều bên vào cuộc để tháo gỡ mạnh hơn các vấn đề về thủ tục pháp lý liên quan trong việc xử lý nợ xấu.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho hay việc mua bán khoản nợ là hình thức tái chiết khấu, NH không có khả năng duy trì khoản nợ và thực hiện bán lại khoản nợ cho đơn vị khác, chấp nhận mất một phần tiền. Đó là những khoản nợ vẫn còn thu tốt. Những khoản nợ có TSĐB “ngon” sẽ được NH xử lý một cách dễ dàng. Hiện người mua nợ cũng chỉ xoay quanh những tổ chức tín dụng. Còn những khoản nợ quy mô lớn, dù có TSĐB nhưng phức tạp và đòi hỏi người mua nợ có nguồn lực lớn để tham gia vào việc quản trị doanh nghiệp, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này thì sẽ khó bán.
Bình luận (0)