Vì sao ô nhiễm không khí đáng lo ngại không kém Covid-19

05/08/2020 09:42 GMT+7

Một số thành phố châu Á có số người tử vong vì ô nhiễm không khí còn cao hơn vì đại dịch Covid-19 .

Đài Channel NewsAsia ngày 5.8 đưa tin ô nhiễm không khí dẫn đến 153.600 trường hợp tử vong sớm và thiệt hại 82,4 tỉ USD về kinh tế tại 11 thành phố châu Á từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay.
Số liệu dựa trên công cụ đo đạc trực tuyến được phát triển bởi tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, thông tin trên trang AirVisual của công ty phân tích chất lượng không khí IQAir và phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA).
“Việc tính toán thiệt hại kinh tế giúp chúng ta dễ xác định tác động của ô nhiễm không khí và hiểu rõ rằng không khí chúng ta thở mỗi ngày có tác động lớn đến cơ thể và môi trường”, theo chuyên gia Isabella Suarez tại CREA.
“Điều này quan trọng vì một số nguồn ô nhiễm chính như nhiên liệu hóa thạch vẫn còn được xem là động lực kinh tế cần thiết, dù thực ra chúng là gánh nặng vô hình to lớn gây thiệt hại hơn nhiều so với lợi ích kinh tế”, bà nhấn mạnh.

'Đền bù carbon': khi các công ty vung tiền mua uy tín để tẩy sạch chuyện gây ô nhiễm môi trường

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự báo các nước Đông Nam Á sẽ có 2,4 triệu người tử vong sớm hằng năm do ô nhiễm không khí.
Theo giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO Poonam Khetrapal Singh, tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố trong khu vực tiếp tục diễn biến đáng lo ngại.
Dù chất lượng không khí có cải thiện do quy định phong tỏa phòng chống Covid-19, số người tử vong vì ô nhiễm không khí còn cao hơn số người tử vong vì đại dịch tại một số đô thị châu Á.
Các chuyên gia cảnh báo việc phơi nhiễm lâu dài với ô nhiễm không khí khiến cơ thể dễ mắc các bệnh đường hô hấp và tim mạch.
Tuy nhiên, châu Á cũng là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với tỷ lệ tăng 7,6% trong năm 2019 và chiếm 54% trong mức tăng toàn cầu, theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA).
Trên toàn cầu, CREA ước tính khoảng 4,5 triệu người tử vong vào năm 2018 do ô nhiễm không khí gây ra bởi nhiên liệu hóa thạch, bên cạnh thiệt hại kinh tế lên đến 2.900 tỉ USD.
Đưa ra những cảnh báo trên, các chuyên gia kêu gọi tăng cường phát triển năng lượng sạch, cải thiện không khí bằng cách đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông và công nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.