Mang lại hiệu quả về việc gia tăng công suất, tiết kiệm nhiên liệu và đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt… hệ thống động cơ tăng áp đang được sử dụng phổ biến trên những chiếc xe hơi ngày nay.
>> Xu hướng xe sang: Hết thời 'mã lực', cạnh tranh bằng công nghệ
>> Tăng áp turbo, cuộc cách mạng thay đổi ngành công nghiệp ô tô
>> Cách phân biệt động cơ hút khí tự nhiên, tăng áp và siêu nạp
Trong vòng 5 năm trở lại đây, hệ thống động cơ tăng áp được các nhà sản xuất ô tô xem như một giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu của người dùng, cũng như các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khí thải ô tô tại mỗi khu vực khác nhau trên thế giới.
Các mẫu xe dùng động cơ turbo tăng áp ngày càng phổ biến
|
Theo thống kê từ các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, từ năm 2012 hơn 50% ô tô tại thị trường châu Âu đã chuyển từ động cơ hút khí tự nhiên sang sử dụng động cơ tăng áp. Sự phát triển của hệ thống động cơ tăng áp vào năm 2015, khiến các hãng xe sang giàu truyền thống như Mercedes-Benz, BMW hay Audi cũng phải thừa nhận rằng: “Thời kỳ động cơ hút khí tự nhiên đã kết thúc”. Hàng loạt mẫu xe của ba thương hiệu xe sang này cùng lần lượt được chuyển sang sử dụng động cơ tăng áp.
Ngay cả những thương hiệu xe Nhật như Nissan, Honda, Toyota… vốn được cho là khá bảo thủ, cũng bị “quyến rũ” bởi hiệu quả mà động cơ tăng áp mang lại. Chẳng phải thế mà ngay cả dòng xe sang Lexus cũng được tập đoàn Toyota phát triển các phiên bản động cơ tăng áp trên NX 200t, RX 200t, GS turbo hay RC turbo. Nissan cũng trang bị công nghệ động cơ tăng áp trên dòng xe crossover Nissan Juke, trong khi đó Civic thế hệ mới, một mẫu xe chiến lược trong kế hoạch phát triển của Honda cũng được trang bị động cơ tăng áp 1.5 lít.
Động cơ tăng áp do Toyota phát triển dành cho thương hiệu xe sang Lexus
|
Vậy tại sao, động cơ tăng áp lại được các thương hiệu ô tô sử dụng ngày càng phổ biến trên những chiếc xe hơi hiện đại:
Thứ nhất, động cơ tăng áp giúp các hãng xe giải quyết bài toán áp dụng động cơ nhỏ hơn cho ô tô, nhưng vẫn không làm giảm tính năng vận hành, từ đó có chính sách phân phối sản phẩm phù hợp hơn cho từng thị trường. Hiện tại một số thị trường ô tô trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang áp dụng những chính sách đánh thuế cao vào các dòng xe ô tô có dung tích động cơ lớn. Cụ thể, từ ngày 1.7.2016 thuế tiêu thụ đặc biệt được Việt Nam áp dụng cho các dòng xe có dung tích từ 3.000 - 4.000cc, tăng từ 60% lên 90%. Xe có dung tích từ 5.000 - 6.000cc tăng từ 60% lên 130%... Một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore cũng đánh thuế cao vào dòng xe có dung tích động cơ lớn. Trung Quốc mới đây cũng quyết định tăng 10% thuế với các dòng siêu xe… Trong bối cảnh đó, việc sử dụng động cơ tăng áp giúp các hãng xe thay thế cho những mẫu động cơ dung tích lớn, có mức tiêu hao nhiên liệu cao. Bởi bản chất của tăng áp thực chất là quá trình cưỡng bức, nén thêm không khí vào buồng đốt giúp động cơ sản sinh ra công suất lớn hơn so với những động cơ thông thường.
Việc lắp động cơ tăng áp giúp các hãng xe giải quyết bài toán về công suất, tiêu chuẩn khí thải
|
Thứ hai, việc sử dụng động cơ tăng áp phần nào giúp các mẫu xe đáp ứng được những quy định nghiêm ngặt về khí thải đang ngày càng được thắt chặt tại mỗi khu vực, mỗi quốc gia.
Theo Hội đồng quốc tế về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, hiện tại các nước châu Âu - EU quy định mức phát thải CO2 trung bình của các mẫu xe ô tô là 130 g/km. Với các xe sản xuất từ năm 2020 mức khí thải được quy định là 95 g/km. Tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, hiện tại các mẫu xe phân phối ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn khí thải CO2 ở mức 167 g/km và giảm xuống còn 115 g/km vào năm 2020. Trong khi đó tại Mỹ, quy định khí thải cho ô tô hiện tại ở mức 172 g/km và giảm xuống còn 127 g/km vào năm 2025. Về tính năng hoạt động, động cơ tăng áp lợi dụng luồng khí xả ra từ kì nén trước đó để làm quay cánh tua bin. Điều này góp phần tạo ra khí thải sạch hơn, lượng phát thải CO2 thấp hơn so với động cơ hút khí tự nhiên.
Ngoài ra, khi chi phí sản xuất hệ thống siêu nạp trở nên quá đắt đỏ và có thể dẫn đến giá bán xe leo thang, các hãng xe đã chọn hệ thống tăng áp để giải quyết vấn đề này.
Dự báo về xu hướng ô tô sử dụng động cơ tăng áp trong năm 2017
|
Với những thế mạnh của động cơ tăng áp, các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô dự báo, trong năm 2017 doanh số xe con sử dụng động cơ tăng áp sẽ chiếm 40,5% thị phần xe con toàn cầu (khoảng 39,4 triệu xe).
Khi động cơ tăng áp đang chứng tỏ được lợi ích mang lại cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, khi các dòng xe hybrid vẫn chưa thực sự phổ biến trên thế giới và khi các vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm… động cơ tăng áp vẫn được xem là giải pháp hiệu quả nhất cho ngành ô tô trong hiện tại và tương lai gần.
Bình luận (0)