Vì sao 'ông chủ’ Công ty Phương Đông có vai trò đồng phạm nhưng không bị khởi tố?

15/09/2020 19:48 GMT+7

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty Phương Đông có vai trò giúp các bị can trong vụ án thổi giá thiết bị xét nghiệm lên nhiều lần, nhưng không thể khởi tố được.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án thổi giá máy xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và một số đơn vị liên quan.
Cùng với việc đề nghị truy tố 10 bị can có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ những chiêu trò, thủ đoạn thổi giá của các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối cũng như thẩm định giá, và trách nhiệm quản lý nhà nước của CDC Hà Nội.

Nguyễn Nhật Cảm đã "phù phép" nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 lên 3 lần

Theo kết luận điều tra, hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Qiagen- Đức được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam sau khi tính thuế nhập khẩu và vận chuyển có giá chỉ 2,3 tỉ đồng, nhưng CDC Hà Nội mua vào bằng hình thức chỉ định thầu với giá 7 tỉ đồng.
Cùng với các phụ kiện kèm theo hệ thống Realtime PCR tự động để phục vụ cho công tác xét nghiệm Covid-19, CDC Hà Nội đã chi tổng cộng hơn 9,5 tỉ đồng để mua hệ thống máy móc thiết bị y tế vốn có giá trị thực chỉ hơn 4,1 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng; riêng hệ thống Realtime PCR tự động gây thiệt hại hơn 3,8 tỉ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông (gọi tắt là Công ty Phương Đông; có trụ sở tại P.Trung Liệt, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) là đơn vị nhập khẩu, phân phối độc quyền hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Quiagen.
Từ tháng 4, Công ty Phương Đông mở 3 tờ khai nhập khẩu 3 hệ thống Realtime PCR tự động qua cảng hàng không Nội Bài với mức giá trừ chi phí là 2,3 tỉ đồng.
Ngày 7.2, Công ty Phương Đông ký hợp đồng bán cho Công ty Cổ phần thương mại và công nghệ Hưng Long (gọi tắt là Công ty Hưng Long) 1 hệ thống Realtime PCR tự động với giá hơn 3,7 tỉ đồng, và 1 máy tách chiết DNA/RNA giá 450 triệu đồng, tổng giá trị hợp đồng là 4,16 tỉ đồng.
Đến ngày 2.3, Công ty Hưng Long bán các thiết bị trên cho Công ty CP sản xuất kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu KĐ (gọi tắt là Công ty KĐ) với giá hơn 5,2 tỉ đồng. Tiếp đó, Công ty KD bán các thiết bị này cho Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST) do Đào Thế Vinh làm Giám đốc, với giá 7,8 tỉ đồng.
Sau đó, Công ty MST đã bán các thiết bị này cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỉ đồng, cùng với một số phụ kiện khác, thành tổng cộng 9,5 tỉ đồng, đúng với gói thầu mà CDC Hà Nội dự toán.

Chỉ định thầu gây thiệt hại cho nhà nước

Xác minh của Cơ quan cảnh sát điều tra cho thấy, các bị can trong vụ án và những người đứng đầu các pháp nhân CDC và doanh nghiệp nêu trên đã có sự bàn bạc, cấu kết với nhau để thổi giá thiết bị. Trong khi đó, theo quy định của luật Đấu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng bảng giá để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội, với vai trò Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hoá, dịch vụ, đã không thực hiện quy định này. Đồng thời, ông Cảm bàn bạc, thống nhất với doanh nghiệp và chỉ đạo cấp dưới thực hiện chỉ định thầu, gây thiệt hại cho nhà nước.
Về phía các doanh nghiệp, thực chất chỉ có Công ty MTS của Đào Thế Vinh là mua thiết bị từ Công ty Phương Đông với giá 4,1 tỉ đồng, nhưng để giảm biên độ chênh lệch mua vào bán ra nên Đào Thế Vinh đã sử dụng các pháp nhân Công ty Hưng Long, Công ty KĐ và MST mua bán lòng vòng với nhau, trong đó, Công ty Hưng Long là do vợ của Vinh đứng tên.
Mặt khác, việc mua bán nêu trên cũng được bàn tay đạo diễn của Nguyễn Thanh Tuyền, Trưởng nhóm kinh doanh Công ty Phương Đông, và một số cá nhân khác thông qua việc thổi giá và đẩy lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp, thay vì Công ty Phương Đông bán sản phẩm trực tiếp cho CDC Hà Nội.
Đáng chú ý, Cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty Phương Đông, đã phạm vào tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại điều 222 bộ luật Hình sự, với vai trò đồng phạm.
Cụ thể, ông Thành đã thống nhất với cấp dưới là Nguyễn Thanh Tuyền giúp cho các bị can trong vụ án câu kết, thông đồng với Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội, hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu cho MST trái pháp luật; ký hợp đồng hợp thức hệ thống Realtime PCR tự động với giá hơn 3,7 tỉ đồng cho Công ty Hưng Long, giúp Công ty MST của Đào Thế Vinh nâng giá thiết bị lên 7 tỉ đồng trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chống dịch Covid-19.
Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án, ngày 2.7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Xuân Thành, nhưng Viện KSND tối cao đã ra quyết định không phê chuẩn.
Công ty Phương Đông được thành lập từ năm 2000, người đại diện theo pháp luật là bác sĩ - Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Thành. Phương Đông tự giới thiệu là đơn vị luôn dẫn đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế bệnh viện.
Đáng chú ý, công ty này cũng tiên phong cung cấp máy xét nghiệm Realtime PCR rút ngắn thời gian xét nghiệm SARS-CoV-2 từ 10 ngày xuống còn 4 giờ.
Trong đợt cung cấp một loạt các thiết bị xét nghiệm này hồi cuối tháng 2, ông Nguyễn Xuân Thành từng chia sẻ: “Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ thời điểm dịch chưa bùng phát, Phương Đông đã nhập khẩu dự trù rất nhiều máy Realtime PCR, máy lọc máu liên tục, máy tim phổi nhân tạo cấp cứu ECMO để cung cấp cho các bệnh viện, đơn vị y tế, nhằm sẵn sàng đối phó dịch với tiêu chí ‘phục vụ bệnh nhân kịp thời là ưu tiên số số 1".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.