Vì sao ông Đinh La Thăng được chuyển về đoàn ĐBQH Thanh Hoá?

19/05/2017 17:40 GMT+7

Trả lời tại họp báo chiều 19.5 trước thềm kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải việc ông Đinh La Thăng chuyển về đoàn ĐBQH Thanh Hoá.

Trước đó, thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 22.5.2017 tại Hà Nội. Dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày (không kể ngày nghỉ) và họp phiên bế mạc vào ngày 21.6.2017.
Theo ông Lê Bộ Lĩnh, tại kỳ họp đầu năm này Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 05 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 05 dự án luật khác.
Về công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng khác, ông Lê Bộ Lĩnh cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 6,5 ngày để xem xét, thảo luận và quyết định về các vấn đề như các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016 và tình hình 2017; xem xét việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016; chất vấn và trả lời chất vấn…
Ông Lê Bộ Lĩnh thông báo về chương trình kỳ họp
Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: luật Đường sắt (sửa đổi); luật Quản lý ngoại thương; luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); luật Thủy lợi; luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); luật Cảnh vệ; luật Du lịch (sửa đổi); luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); luật Quy hoạch; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100.2015.QH13.
Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCNVN và nước CHDCND Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCNVN và nước CHDCND Lào.
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Tại họp báo ông Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời một số vấn đề được báo chí quan tâm: 
Tuổi Trẻ: Liên quan đến việc cho thôi nhiệm vụ ĐBQH với ông Võ Kim Cự. Được biết đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH của Cự với lý do sức khoẻ đã được chấp thuận. Từ vụ việc này UB TVQH đã rút kinh nghiệm gì trong công tác kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người ứng cử, ĐBQH? 
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Sau khi Ban Bí thư đã công bố quyết định kỷ luật đối với ông Võ Kim Cự do những sai phạm liên quan đến sự cố môi trường do Công ty Formosa ông Cự đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khoẻ. Căn cứ vào điều 38 luật Tổ chức Quốc hội về việc chuyển công tác, xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH, UB TVQH đã xem xét việc cho ông Cự thôi nhiệm vụ. Điều này thuộc thẩm quyền của UB TVQH và UB TVQH đã xem xét đồng ý cho ông Võ Kim Cự thôi làm nhiệm vụ.
Về chuyện sức khoẻ thì người ta nay khoẻ mai yếu là điều bình thường. Bản thân ĐBQH có thể người ta thấy vì lý do sức khoẻ xin thôi không nhất thiết phải có giấy khám bệnh. Việc ĐBQH đã có đơn xin thôi vì lý do sức khoẻ thì UB TVQH xét thấy điều kiện đó đã cho thôi làm nhiệm vụ. 
Thanh Niên: Đề nghị cập nhật tiến độ Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu? Trong chương trình làm luật 2017 - 2018 hiện không thấy có luật Biểu tình mặc dù đây đang được coi là vấn đề bức thiết trước tình hình hiện nay. Xin cho biết lý do vì sao dự luật này vẫn bị chậm tiến độ?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hiện nay Quốc hội đang chờ Chính phủ trình Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Hiện chúng ta cũng đang tiến hành việc sửa luật công chức, viên chức nên luật này cũng sẽ bao hàm vấn đề trên. Còn Nghị quyết thì Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để báo cáo tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội.
Về luật Biểu tình thì do chất lượng luật. Dự luật này hiện đang do Chính phủ hoàn chỉnh. Đối với Quốc hội luật phải đảm bảo chất lượng nên Chính phủ phải chuẩn bị kỹ lưỡng thấu đáo trước tri trình ra. Luật chưa đảm bảo nên Chính phủ chưa trình ra.
Nông nghiệp VN: Xin cho biết căn cứ pháp lý của việc điều chuyển sinh hoạt đoàn ĐBQH của ông Đinh La Thăng từ TP.HCM về Thanh Hoá?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tại Hội nghị T.Ư 5 vừa qua, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ, Ban Bí thư, Ban chấp hành T.Ư đã có nghị quyết về việc cảnh cáo trong đảng đối với ông Đinh La Thăng. Ông Thăng cũng đã có đơn xin thôi làm Ủy viên Bộ chính trị và đã được Ban chấp hành T.Ư chấp thuận. 
Ông Đinh La Thăng thôi Ủy viên Bộ chính trị cũng đồng thời thôi Bí thư Thành ủy TP.HCM, đồng thời thôi Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM. T.Ư đã quyết định đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM. Vừa qua Đảng đoàn Quốc hội cũng đồng ý giới thiệu bầu ông Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM và tới đây sẽ họp, bầu. 
Đồng chí Đinh La Thăng muốn xin về Thanh Hoá và đoàn ĐBQH Thanh Hoá cũng đã có văn bản xin đồng chí Đinh La Thăng về sinh hoạt tại đoàn ĐBQH Thanh Hoá. Với 2 đề nghị như thế UB TVQH đã nhất trí chuyển đồng chí Thăng về sinh hoạt ở đoàn ĐBQH Thanh Hoá. 
Pháp luật TP.HCM: Kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay đã có một số ĐBQH do sai phạm bị bãi nhiệm hoặc cho thôi như Trịnh Xuân Thanh, Võ Kim Cự... Theo luật bầu cử ĐBQH có quy định việc bầu bổ sung ĐBQH. Xin cho biết thời gian tới có bầu bổ sung không vì nếu các đoàn ĐBQH bị khuyết đại biểu thì tiếng nói của đoàn ĐBQH cũng bị ảnh hưởng?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc bãi nhiệm, cho thôi ĐBQH là điều chúng ta không mong muốn. Hiện nay Quốc hội đang khuyết 5 đại biểu trong đó có 3 đại biểu do sai phạm đã bị bãi nhiệm, cho thôi và 2 đại biểu từ trần do bệnh tật, ốm đau. Mặc dù bị khuyết 5 đại biểu như vậy nhưng không phải bầu bổ sung vì phải có tỷ lệ khuyết 10% thì mới bổ sung thêm.

Hiện tại các ĐBQH bầu ở các khu vực nhưng ĐBQH không chỉ làm nhiệm vụ ở địa phương mà ở toàn quốc. ĐBQH có thể sinh hoạt ở đoàn này, đoàn kia hoặc điều chuyển là điều bình thường. Luật của chúng ta cho phép ĐBQH ngoài việc tiếp xúc cử tri ở địa phương thì còn có thể tiếp xúc cử tri ở các nơi khác nên không có gì e ngại vấn đề này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.