Vì sao phải chặt cổ thụ 100 tuổi để làm công trình giao thông?

10/12/2023 17:45 GMT+7

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cho biết với hiện trạng nội đô như hiện nay, việc lựa chọn các phương án tuyến, xây dựng công trình nhằm tránh hay giữ lại cây xanh là khó khả thi…

Sáng 10.12, tại TP.HCM diễn ra chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" do HĐND TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM (HTV) chủ trì tổ chức, với chủ đề "Quản lý và phát triển công viên, cây xanh công cộng".

Cử tri Đào Thị Hoa (P.14, Q.Gò Vấp) đặt câu hỏi: "Nhiều cây xanh cổ thụ có tuổi đời 100 tuổi bị chặt để làm công trình giao thông. TP.HCM có đánh giá mức độ an toàn, tuổi thọ cây xanh trước khi xây công trình không?".

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cho biết khi có dự án xây công trình giao thông thì các bên liên quan đều nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra những phương án tối ưu nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến công trình hiện hữu, trong đó có cây xanh đô thị, đặc biệt là các cây cổ thụ, có kích thước lớn.

Tuy nhiên, theo ông Điệp, với hiện trạng nội đô TP.HCM như hiện nay, việc lựa chọn các phương án xây dựng công trình nhằm tránh tác động hoặc giữ lại cây xanh hầu như là không khả thi, vì không có giải pháp nào tối ưu hơn.

'Di dời, đốn hạ cây xanh nào cũng đều đáng tiếc, nhưng bất khả kháng' - Ảnh 1.

Cây xanh ở tuyến đường Trường Sa, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

CAO AN BIÊN

Những dự án xây dựng cần phải đốn hạ, di dời cây xanh đều phải thông qua các cơ quan chuyên môn, được UBND TP.HCM chấp thuận và thực hiện theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Cây xanh được đánh giá kỹ lưỡng về tình trạng để quyết định đốn hạ hay di dời.

Ngoài ra, trong phương án thiết kế xây dựng công trình giao thông thì chủ đầu tư phải đề xuất trồng bổ sung thay thế bằng hoặc lớn hơn số lượng cây đã bị di dời hoặc đốn hạ.

"Việc di dời, đốn hạ bất kỳ cây xanh nào trong đô thị đều đáng tiếc, nhưng do điều kiện bất khả kháng, không còn giải pháp tốt hơn. Thế nên, mong cử tri chia sẻ, ủng hộ các đơn vị chức năng khi làm nhiệm vụ, nhất là khi trồng thay thế cây xanh trên tuyến đường hiện hữu", ông Điệp nói.

Đồ án quy hoạch có yếu tố công viên cây xanh, nhưng chưa triển khai

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, giảng viên Trường đại học Nông Lâm TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu câu hỏi: TP.HCM sẽ làm gì để đạt được tiêu chuẩn đất cây xanh công viên đô thị đạt tiêu chuẩn gần 7m2/người?

Chưa kể, hiện phân bố mảng xanh hiện không đồng đều khi các quận nội thành, trung tâm có số lượng, diện tích công viên lớn, trong khi các quận mới, huyện ngoại thành có diện tích đất công viên công cộng rất hạn chế, dù quỹ đất quy hoạch công viên cây xanh rất lớn.

Đây là nghịch lý của TP.HCM bởi đáng ra phát triển đô thị tới đâu thì công viên phát triển tới đó. Từ đó, tiến sĩ Đinh Quang Diệp đặt vấn đề liệu đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 liệu có giải quyết được "nghịch lý" này không.

Ông Đặng Phú Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết để đạt chỉ tiêu diện tích đất cây xanh đô thị, thời gian qua các đơn vị liên quan đã rà soát quỹ đất trong các đồ án quy hoạch. Hiện TP.HCM có 11.369 ha đất công viên, cây xanh.

Đơn vị cũng đã tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng giai đoạn 2020 - 2030, trong đó giai đoạn 2020 - 2025 phát triển thêm 150 ha đất công viên, cây xanh công cộng, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ thêm 450 ha.

Ngoài ra, TP.HCM đã nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới 405 công viên với tổng diện tích 508 ha. Trong đó có những công viên lớn như công viên Gia Định, Gò Vấp, lịch sử văn hóa dân tộc, Khánh Hội, cầu Sài Gòn.

'Di dời, đốn hạ cây xanh nào cũng đều đáng tiếc, nhưng bất khả kháng' - Ảnh 2.

Người lao động ngồi nghỉ trong công viên cây xanh

NHẬT THỊNH

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, cũng thông tin rằng trước đây TP.HCM quy hoạch và xây dựng công viên công cộng tập trung trong các quận trung tâm dễ dàng hơn nhờ chưa bị áp lực tăng dân số và tình hình phát triển thị trường bất động sản.

Hiện trong 600 đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn TP.HCM đều có đầy đủ tiện ích công viên cây xanh và các đồ án đã được phê duyệt. Tuy nhiên, vấn đề là các quy hoạch này chưa triển khai trên thực địa, nên những năm qua công viên cây xanh chưa đáp ứng được yêu cầu.

"Nghịch lý phát triển đô thị và cây xanh là có. Nhưng hiện nay, phát triển dân cư đến đâu là phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đến đó. Tôi cũng kiến nghị ngoài phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cần phát triển ưu tiên có mảng xanh", ông Nhã nói.

Kết luận tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn để sớm đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Sở QH-KT TP.HCM cần sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn, cơ cấu sử dụng đất đối với các loại hình công viên công cộng; hướng dẫn lập và phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với từng công viên đang có.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thanh Vân cũng đề nghị các địa phương rà soát các khu đất quy hoạch đất cây xanh để xây dựng công viên công cộng theo đúng quy hoạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.