Vì sao phải ‘giải cứu’ hàng không tới năm 2021?

22/11/2020 10:37 GMT+7

Giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hàng không là giải pháp được Bộ Tài chính đề xuất để tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không trong năm 2021.

Theo dự thảo Nghị quyết về các chính sách ưu đãi thuế bảo vệ môi trường (BVMT) do Bộ Tài chính soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ này đề xuất giữ nguyên mức giảm thuế 2.100 đồng/lít với xăng dầu hàng không trong cả năm 2021.
Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 979/2020 quy định từ 1.8 đến hết 31.12, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, mức thuế được áp dụng là 3.000 đồng/lít (tăng 900 đồng).
Theo Bộ Tài chính, việc giảm 30% mức thuế BVMT trong 4 tháng cuối năm 2020 làm số thu thuế giảm khoảng 360 - 400 tỉ đồng/tháng. Tuy nhiên, đây chính là mức hỗ trợ trực tiếp để góp phần giảm giá nhiên liệu bay, chi phí nhiên liệu đầu vào cho doanh nghiệp vận tải hàng không, bù đắp chi phí, giúp hàng không phục hồi sau khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, dự báo trong năm 2021, kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Thị trường hàng không nội địa trong năm nay và sang năm 2021 sẽ phục hồi từng bước, nhưng còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế cần thời gian dài (10 tháng năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 3,8 triệu lượt, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước).
Thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng, số lượng khách hàng và chuyến bay khai thác sụt giảm rất nghiêm trọng. Riêng Vietnam Airlines tính đến hết năm 2020, số chuyến bay toàn mạng giảm 32.700 chuyến (giảm 88,2% so với kế hoạch). Khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu khách (giảm 89,3% so với kế hoạch).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không cũng phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí chi thường xuyên khác).

Sảnh quốc tế tại các sân bay lớn vẫn trong tình trạng đìu hiu từ tháng 3 tới nay, chỉ hoạt động với một số chuyến bay giải cứu công dân (ảnh minh họa)

Ảnh M.H

Theo báo cáo của các hãng hàng không trong nước, ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu USD, với Vietjet là 20 triệu USD. Chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 6 tỉ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỉ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỉ đồng.
Doanh thu các hãng hàng không cũng giảm mạnh. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm 49.300 tỉ đồng và mức lỗ lên đến gần 16.000 tỉ đồng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17.000 tỉ đồng trong năm 2020.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, giữ nguyên mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 là 2.100 đồng/lít, từ ngày 1.1.2022 mới tăng lên 3.000 đồng/lít. Bộ Tài chính dự tính, việc giữ nguyên mức thuế trong năm 2021 sẽ làm số thu giảm khoảng 860 - 960 tỉ đồng/năm.

Cứu hàng không để cứu du lịch

"Ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế hội nhập. Việc tiếp tục kéo dài thời hạn thực hiện mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít, sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, phát triển trong tương lai, góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...", Bộ Tài chính nêu.
Bên cạnh đó, ngành hàng không chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn về lao động. Trước tác động trực tiếp của dịch Covid-19 đến ngành hàng không, rất nhiều lao động trong ngành hàng không bị mất việc làm.
Việc giảm mức thuế BVMT sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp vận hành hoạt động trong bối cảnh đã suy yếu về dòng tiền, âm về thanh khoản.
Từ đó góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, gia tăng nhu cầu sử dụng lao động trong ngành hàng không nói chung và tạo hiệu ứng kích cầu sử dụng lao động trong các ngành khác như du lịch, dịch vụ..., góp phần thực hiện đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, mức độ tác động cụ thể đến số lượng việc làm trong ngành hàng không còn phụ thuộc vào mức độ hồi phục, phát triển của ngành hàng không dựa trên nhiều yếu tố khác như mức độ công nghệ, kỹ thuật quản trị doanh nghiệp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.