Vì sao phân phối xăng dầu không được mua bán với nhau?

19/11/2024 06:18 GMT+7

Thương nhân phân phối không được mua bán với nhau, chỉ được mua hàng từ thương nhân đầu mối. Đó là một trong 6 quy định mới được đưa vào trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu gây ra nhiều tranh cãi nhất. Thế nhưng đến bản dự thảo lần 4 mới đây, quy định này vẫn được giữ nguyên.

Tạo nhu cầu ảo, nhiều tầng nấc trên thị trường

Lý giải cho việc vẫn "chung thủy" với quy định "không cho phân phối xăng dầu mua bán lẫn nhau", đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, quy định này sẽ tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp), làm tăng thêm chi phí. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp (DN) bán xăng dầu ra thị trường. Hơn nữa, việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế chỉ khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường, nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số nhu cầu ảo trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.

Vì sao phân phối xăng dầu không được mua bán với nhau?- Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán hàng của nhau

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

"Việc mua bán xăng dầu lẫn nhau giữa các thương nhân phân phối đã khiến thị trường có nhiều thời điểm tạo ra lượng cung ảo, khiến cơ quan quản lý không nắm được tổng nguồn", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, việc thương nhân mua bán lẫn nhau còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của DN, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng. Điều này không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu đã thiết kế 3 cấp trong hệ thống kinh doanh là đầu mối, phân phối và bán lẻ. Mỗi cấp đều có quy định về điều kiện tham gia thị trường, quy định quyền và nghĩa vụ của DN. "DN tham gia phân khúc nào thì phải duy trì điều kiện, thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ tại phân khúc đó", đại diện Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh và đó cũng là lý do khiến Bộ Công thương sau 4 lần tiếp thu các ý kiến, vẫn giữ nguyên quy định không cho thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lẫn nhau.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng kết quả thanh tra cũng cho thấy việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lòng vòng, tạo nguồn "ảo" gây khó cho việc điều tiết thị trường là có thật. Nghị định kinh doanh xăng dầu mới phải giải quyết được những bất cập mà quy định hiện nay chưa làm được. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện; khi tham gia thị trường, các thương nhân vẫn phải đáp ứng những điều kiện cụ thể tại mỗi phân khúc mà họ đăng ký tham gia.

"Chính vì mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên từng loại hình kinh doanh đều có điều kiện riêng, mỗi phân khúc đảm trách một nhiệm vụ. Muốn tham gia mua bán lẫn nhau, thương nhân phân phối có thể đáp ứng các điều kiện của thương nhân đầu mối để mua bán, trong đó có quy định về dự trữ, kho bãi... Ở đây, DN đầu mối tạo nguồn, số liệu từ đó rồi phân bố về phân phối và bán lẻ, nên đầu mối phải bảo đảm kho chứa, dự trữ... Nếu để thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau, số liệu về nguồn chồng nhau và không phản ánh đúng thực tế, tạo nguồn cung giả. Hơn nữa, trong kết luận thanh tra của Chính phủ trước đó cũng cho rằng, việc để các thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu lẫn nhau đã gây ra tổng nguồn tạo không chuẩn xác, thậm chí tạo thêm tầng nấc trung gian trong mua bán xăng dầu, đẩy chi phí lên, khiến chiết khấu về cho phân khúc bán lẻ giảm khi nguồn cung biến động… Thế nên, quy định không cho mua bán qua lại là có cái lý của nó", ông Ngô Trí Long chỉ rõ.

Quy định "đi ngược quy luật thị trường"

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến phản đối quy định "không cho thương nhân phân phối mua bán qua lại". Đại diện cho cộng đồng DN kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) lập luận: Không cho mua bán xăng dầu qua lại lẫn nhau đối với thương nhân phân phối nhằm tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá bán lên cao… là "không có cơ sở và đi ngược quy luật thị trường". Các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. VCCI đặt giả thiết, có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn. Và như vậy, thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, nhận định: Thương nhân phân phối hết hàng, có thể vay mượn, mua từ các thương nhân cùng giai tầng là điều bình thường, thậm chí họ có thể cùng nhau mua nguyên tàu hàng để có giá tốt nhất, tại sao lại cấm? "Theo tôi, làm luật thì không nên "lo hộ" cho thị trường. Người tiêu dùng đủ khôn ngoan để biết mua ở đâu có lợi cho mình. Còn lo thương nhân mua của nhau nâng khống sản lượng để vay vốn ngân hàng thì việc này là của ngân hàng trong công tác thẩm định khoản vay từ DN. Đó không phải là bản chất của vấn đề để đưa ra quy định hạn chế quyền kinh doanh của DN. Đó là điều tối kỵ", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, cho rằng quy định không cho thương nhân mua bán của nhau còn nặng tư duy không quản được thì cấm. Đồng ý xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thế nhưng không nên áp một nội dung coi là điều kiện kinh doanh nhưng về bản chất lại không phải là điều kiện kinh doanh trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu. "Điều kiện kinh doanh và quyền được kinh doanh là hoàn toàn khác nhau, các nhà xây dựng nghị định đang bị lẫn lộn giữa các định nghĩa này. Theo tôi, khi DN nói chung đã đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định (của ngành hàng kinh doanh có điều kiện) thì phải cho họ quyền được kinh doanh theo quy định tại luật Thương mại. Thứ hai, khi lý giải quy định "không được mua của nhau", cơ quan soạn thảo lại dẫn nội dung kết luận thanh tra Chính phủ về chấp hành pháp luật công tác quản lý xăng dầu giai đoạn 2017 - 2022 là không phù hợp thực tế hiện nay", ông Thỏa nhấn mạnh.

Việc để thương nhân phân phối thiết lập hệ thống tại các vùng được mua bán hàng của nhau sẽ có lực lượng bổ sung cho nhau. Qua đó, giúp chủ động điều hòa cung cầu trong phạm vi khu vực mà DN phụ trách, bảo đảm tính linh hoạt và ứng phó kịp thời với tình trạng thiếu hụt xăng dầu, ngăn ngừa rủi ro tiềm ẩn về đứt gãy nguồn cung cục bộ xảy ra.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN

Tháng 9, nhóm thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ xăng dầu có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan dự thảo lần 4 nghị định kinh doanh xăng dầu, cho rằng nhiều quy định tại dự thảo mới nhất vẫn còn có sự phân biệt đối xử, tạo lợi thế kinh doanh cho DN lớn, có vị thế độc quyền và nguy cơ hình thành lợi ích nhóm, hạn chế quyền kinh doanh của DN vừa và nhỏ. Đặc biệt, các góp ý của DN, chuyên gia không được nhà soạn thảo lắng nghe, ghi nhận. Hiện 70% nguồn cung xăng dầu được sản xuất trong nước, tại sao vẫn quy định chỉ có thương nhân đầu mối mới mua được từ nhà sản xuất, trong khi thương nhân phân phối không mua được? Thương nhân đầu mối được mua bán lẫn nhau, trong khi thương nhân phân phối lại chỉ mua từ đầu mối mà thôi. Từ đó, nhóm thương nhân xăng dầu kiến nghị Chính phủ và các bộ liên quan xem xét sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu theo tinh thần đổi mới về phương thức và cơ chế quản lý, hướng đến sự cạnh tranh bình đẳng hơn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.