Vì sao phát minh cũ như công nghệ mạng toàn cầu được giải thưởng 3 triệu đô?

22/12/2022 20:50 GMT+7

Không ai nghi ngờ về tầm vóc vĩ đại của các phát minh công nghệ mạng toàn cầu , nhưng việc trao giải cho những công trình khoa học có từ lâu khiến dư luận băn khoăn, phải chăng không có đề cử nào mới thật xuất sắc?

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, giải thưởng chính VinFuture giá trị 3 triệu đô VinFuture 2022 đã thuộc về 5 “người khổng lồ” - những người phát minh ra công nghệ mạng toàn cầu: Sir Timothy John Berners-Lee, TS Vinton Gray Cerf, TS Emmanuel Desurvire, TS Robert Elliot Kahn, GS Sir David Neil Payne.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) trao giải thưởng chính VinFuture 2022 cho những nhà khoa học phát minh công nghệ mạng toàn cầu (từ trái qua): Sir Timothy John Berners-Lee, TS Vinton Gray Cerf, TS Emmanuel Desurvire, GS Sir David Neil Payne (vắng mặt TS Robert Elliot Kahn)

Thanh Lâm

Hầu như không ai dám nghi ngờ về tầm vóc vĩ đại của các tầng phát minh trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu của 5 nhà khoa học này. Tuy nhiên, đây là những phát minh đã có từ lâu.

Ứng dụng của các phát minh này đang là một thực tế hiển nhiên trong đời sống nhân loại từ rất nhiều năm nay. Vì thế, trong dư luận không khỏi có ý kiến hồ nghi, phải chăng Hội đồng giải thưởng VinFuture 2022 không có đề cử nào mới thực sự xuất sắc?

Nhân loại mới chỉ đang ở “bình minh” của công nghệ mạng toàn cầu

Trước băn khoăn trên, khi trao đổi với giới truyền thông, GS Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture khẳng định: “Hoàn toàn ngược lại. Các đề cử mà VinFuture mùa 2 nhận được không chỉ lớn về số lượng mà còn vượt trội về chất lượng so với mùa 1. Các hội đồng đã phải làm việc rất vất vả mới có thể chọn ra được công trình xuất sắc nhất để trao giải".

GS Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture

Thanh Lâm

Tiêu chí của VinFuture là vinh danh các nghiên cứu, phát minh đột phá đã hoặc có tiềm năng tạo ra sự thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của hàng triệu người. Công trình đạt giải thưởng chính năm nay hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí đó, thậm chí còn vượt xa mong đợi khi mang tới tác động kép cho nhân loại, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn thấy rõ ở tương lai của con người.

Theo GS Sir Richard Henry Friend, những người trẻ ngày nay không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ ra sao nếu không có công nghệ mạng toàn cầu. Nhưng ngay cả những điều chúng ta vẫn xem là sự kỳ diệu và phi thường của công nghệ mạng toàn cầu cũng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Hiểu biết của chúng ta về nó còn rất khiêm tốn nên không bất ngờ khi nhiều người cảm thấy ngạc nhiên lúc mới nghe về giải thưởng này.

Thế giới đang chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của hàng loạt công nghệ mới như: internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, mạng 5G, 6G… Nhiều thứ chỉ vài năm trước thôi vẫn còn được xem là không tưởng. Song, tất cả những công nghệ nhảy vọt này đều không thể thành hiện thực nếu không có công nghệ mạng toàn cầu.

Công nghệ mạng toàn cầu đã thay đổi thế giới. Hàng tỷ người đang hưởng lợi từ công nghệ mạng toàn cầu. Thậm chí, vai trò của công nghệ mạng toàn cầu còn nhân lên nhiều lần trong đại dịch khi lượng dữ liệu được nhân loại chia sẻ riêng trong 2 năm này đã chiếm tới 50% tổng dữ liệu từ khi phát minh này ra đời.

"Tuy nhiên, những tác động đột phá và đỉnh cao phát triển của công nghệ này vẫn ở phía trước. Nhân loại mới chỉ đang ở giai đoạn “bình minh” của công nghệ mạng toàn cầu và lịch sử của nó chỉ vừa mới bắt đầu”, GS Sir Richard Henry Friend nói.

“Ban đầu chúng tôi cũng có những quan điểm khác nhau, đã có khá nhiều cuộc tranh luận diễn ra. Nhưng may mắn, Hội đồng giải thưởng VinFuture quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau. Nhờ đó, chúng tôi có được góc nhìn đa chiều và đánh giá đầy đủ về từng đề cử. Cuối cùng, hội đồng đã đạt được đồng thuận cao trong việc trao giải thưởng cao nhất cho phát minh về công nghệ mạng toàn cầu”.

GS Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture

Thế giới phục hồi mạnh mẽ nhờ công nghệ mạng toàn cầu

Cũng theo GS Sir Richard Henry Friend, chủ đề của VinFuture 2022 là “Hồi sinh và Tái thiết”, và công nghệ mạng toàn cầu có mối tương quan mật thiết với chủ đề này. Covid-19 là một trong những biến cố lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Riêng năm 2020, kinh tế thế giới suy giảm tới 4,3% (con số chỉ từng được ghi nhận trong cuộc đại suy thoái những năm 1930 và trong 2 cuộc chiến tranh thế giới).

TS Emmanuel Desurvire, GS Sir David Neil Payne và TS Vinton Gray Cerf trong một sự kiện giao lưu với công chúng Việt Nam sau lễ trao giải

Thanh Lâm

Sau đại dịch, công nghệ mạng toàn cầu đang tái định hình thế giới theo cách bền vững hơn. Như ở Anh, dù cuộc sống đã trở lại bình thường nhưng lượng phương tiện đi lại ít hơn hẳn. Đó là bởi người dân đã quen với phương thức làm việc ở nhà.

Hai năm qua, công nghệ mạng toàn cầu đã thay đổi sâu sắc cách thức chúng ta giao tiếp, làm việc, di chuyển… theo hướng giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, góp phần cải thiện môi trường.

GS Sir Richard Henry Friend bình luận: “Nhưng điều tuyệt vời là ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, thế giới đã nhanh chóng phục hồi. Đó chính là nhờ trong suốt 2 năm đại dịch, dù các quốc gia phải cách ly, phong tỏa kéo dài nhưng kết nối toàn cầu vẫn được duy trì thông qua công nghệ mạng toàn cầu. Con người vẫn làm việc, học tập, giao tiếp, giao dịch… với nhau, chỉ là theo cách thức hoàn toàn khác".

Chỉ cần Covid-19 xảy ra khoảng 20 năm về trước thì mọi chuyện đã khác. Khi đó, tổn thất chắc chắc sẽ khủng khiếp hơn. Nhân loại có lẽ sẽ phải mất cả chục năm để phục hồi trở lại. Do đó, có thể khẳng định công nghệ mạng toàn cầu chính là nền tảng giúp thế giới kiên cường hơn trước cú sốc đại dịch, đồng thời phục hồi nhanh chóng hơn và mạnh mẽ hơn khi “cơn bão” Covid-19 đi qua.

Hội đồng giải thưởng VinFuture gồm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Thành viên hội đồng giải thưởng gồm:

GS Sir Richard Henry Friend, FRS (thành viên Hội Hoàng gia), ĐH Cambridge, chủ nhân giải thưởng Millennium Technology 2010.

TS Padmanabhan Anandan, nhà sáng lập của AI Matters Advisors LLC, nguyên là Giám đốc điều hành của Microsoft Research India, là thành viên của Hội đồng Thống đốc của IIT Madras.

GS Jennifer Tour Chayes, ĐH California, Berkeley, Trưởng khoa Thông tin, nguyên là nhà sáng lập các phòng nghiên cứu của Microsoft.

GS Pascale Cossart, Phòng nghiên cứu sinh học phân tử châu Âu (EMBL), giáo sư danh dự Viện Pasteur Paris, chuyên gia hàng đầu thế giới về ký sinh trùng nội bào.

GS Đặng Văn Chí, ĐH Johns Hopkins, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig.

TS Xuedong Huang, Tập đoàn Microsoft, Giám đốc công nghệ Azure AI.

GS Daniel Kammen, ĐH California, Berkeley.

GS Gérard Albert Mourou, ĐH Bách khoa Pháp École Polytechnique, chủ nhân giải thưởng Nobel vật lý 2018.

GS Sir Kostya S. Novoselov, FRS, ĐH Manchester, chủ nhân giải thưởng Nobel vật lý 2010.

GS Leslie Gabriel Valiant, FRS, ĐH Harvard, chủ nhân giải thưởng A.M.Turing Award 2010.

GS Vũ Hà Văn, ĐH Yale.

Ngoài ra, hội đồng giải thưởng còn có GS Michael Eugene Porter, ĐH Harvard, “cha đẻ” của lý thuyết về chiến lược cạnh tranh trong kinh tế hiện đại, là thành viên danh dự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.