Vì sao phía bắc lạnh bất thường, Nam bộ vẫn nóng?

14/05/2022 06:44 GMT+7

Chưa khi nào mà sự bất thường của thời tiết lại xảy ra phổ biến như năm nay. Giữa tháng 5, phía bắc sẽ đón đợt rét cường độ mạnh; còn các tỉnh Nam bộ oi bức kéo dài đến khoảng ngày 18.5.

Mưa lớn diện rộng

Thường vào thời điểm này, Hà Nội nói riêng và phía bắc nói chung đã nắng nóng, thậm chí có những ngày thời tiết oi bức, ngột ngạt. Thế nhưng năm nay mùa hè đến khá trễ.

TP.HCM nắng nóng, người dân che chắn kín đáo khi ra đường vào trưa 26.4

Nhật Thịnh

10 ngày đầu tiên của tháng 5, thời tiết phía bắc mát mẻ lạ thường. Chị H.C.Tú (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) vào TP.HCM công tác đã so sánh, thông thường thời điểm này mọi năm ở Hà Nội nắng nóng oi bức. Những người thường xuyên vào TP.HCM như chị vẫn thấy Nam bộ thời tiết dễ chịu hơn, có nắng đến đâu thì chiều xuống là mát rượi. Nhưng năm nay thì khác.

“Hà Nội đang mát như mùa thu, không khí dễ chịu. Còn trong này nóng lại kéo dài hơn, chiều vẫn thấy ngột ngạt”, chị Tú nói. Nhiều người dân phía bắc cũng thấy lạ và có tâm lý “hưởng thụ” những ngày mát mẻ kéo dài dù bất thường này.

Hà Nội đang mát như mùa thu, không khí dễ chịu. Còn trong này nóng lại kéo dài hơn, chiều vẫn thấy ngột ngạt.

Chị H.C.Tú (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) vào TP.HCM công tác

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vùng núi và trung du Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to; lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 12.5 đến 7 giờ ngày 13.5 tại Hồ Thầu (Lai Châu) 50,6 mm; Tả Van (Lào Cai) 48,2 mm; Xín Chải (Hà Giang) 42,8 mm; Cốc Pàng (Cao Bằng) 42,2 mm… Dự báo từ tối 13 - 14.5, ở khu vực vùng núi, trung du Bắc bộ và khu vực vùng núi phía tây của Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 40 - 80 mm, có nơi trên 100 mm; riêng khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ phổ biến 70 - 120 mm, có nơi lượng mưa trên 150 mm. Thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm. Từ đêm 14.5 đến hết ngày 15.5, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm, có nơi trên 120 mm.

Ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 40 - 70 mm, có nơi trên 80 mm. Từ chiều 15 - 16.5, khu vực bắc và trung Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 40 - 80 mm, có nơi trên 100 mm. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Đợt lạnh ngắn giữa mùa nóng

Hiện nay, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo khoảng ngày 15.5, không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc bộ; từ chiều và đêm 15.5 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến bắc Trung bộ và một số nơi ở trung Trung bộ.

Từ ngày 15.5, ở Bắc bộ và bắc Trung bộ trời chuyển mát, vùng núi có nơi chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20 - 22 độ C, vùng núi có nơi từ 17 - 19 độ.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo xu thế thời tiết giai đoạn từ 11.5 - 10.6, nhiệt độ trung bình trên cả nước đều có xu hướng thấp hơn từ 0,5 - 1 độ C; riêng khu vực nam Trung bộ, nam Tây nguyên và Nam bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa ở hầu khắp các khu vực trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 30%; riêng khu vực nam Tây nguyên và Nam bộ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, cho biết thêm: Hiện tại miền Bắc đang là mùa nóng nên đợt lạnh này chỉ kéo dài 1 - 2 ngày sẽ hết. Đây có thể xem là đợt lạnh bất thường vì cường độ khá mạnh. Thông thường thì tháng 5, miền Bắc vẫn có thể xảy ra các đợt không khí lạnh tràn về nhưng cường độ rất yếu. Từ đầu năm đến nay, các kiểu thời tiết bất thường xảy ra rất nhiều ở nước ta và đây có thể xem là một bằng chứng bổ sung vào chuỗi những hiện tượng đó.

Có 2 nguyên nhân chính gây nên đợt lạnh hiếm gặp này; thứ nhất là khối không khí lạnh từ phía bắc (Siberia, Nga) tràn xuống, thứ hai là áp thấp nóng Ấn - Miến hoạt động yếu và trễ. Thông thường tháng 4 là thời điểm tranh chấp giữa áp thấp nóng Ấn - Miến và không khí lạnh. Mọi năm tháng 4 miền Bắc rất nóng nhưng năm nay không nóng nhiều, nên tạo điều kiện cho không khí lạnh về.

Bà Lan lưu ý người dân, vì đang là mùa nóng nên khi không khí lạnh về sẽ dễ dàng tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan cục bộ ở một số nơi như: sấm sét, dông lốc, lốc xoáy, mưa đá… Không khí lạnh chủ yếu ảnh hưởng các tỉnh phía bắc đến khu vực phía bắc đèo Hải Vân. Các tỉnh miền Trung bắt đầu bước vào mùa nắng nóng từ tháng 5 và đạt cao điểm vào tháng 6 - 8.

Miền Nam oi bức kéo dài thêm cả tuần

“Sao nghe dự báo đã vào mùa mưa rồi mà Nam bộ vẫn còn oi bức?” là câu hỏi của nhiều người trong những ngày qua. Chiều 12.5, TP.HCM đón trận mưa lớn nhưng vẫn chưa giải hết không khí oi bức của những ngày nắng nóng kéo dài. Các dự báo trước đây đưa ra mùa mưa bắt đầu sớm hay mùa mưa từ cuối tháng 4 hay đầu tháng 5… đều bị “việt vị” do sự bất thường của thời tiết.

Mùa mưa được xác định khi gió mùa tây nam hoạt động mạnh tạo nên kiểu thời tiết sáng nắng chiều mưa. Khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 tuy có gió mùa tây nam xuất hiện nhưng hoạt động còn yếu và không liên tục mà chỉ một vài ngày rồi ngưng. Việc này làm cho mưa chuyển mùa kéo dài, đặc trưng là diện hẹp và lượng mưa ít, tạo ra độ ẩm cao trong không khí gây ra cảm giác oi bức rất khó chịu. Theo bà Lan, đây chính là sự bất thường của thời tiết Nam bộ năm nay. Trong những ngày qua, nhiệt độ trong lều khí tượng không vượt quá 36 độ C nhưng nhiệt độ cảm nhận ở nhiều nơi lại cao hơn rất nhiều. Như tại TP.HCM, từ khoảng 10 giờ nhiệt độ cảm nhận đã đạt tới 38 độ C, sau đó tiếp tục tăng đến 40 độ C, thậm chí 41 - 42 độ C. Có ngày đến tận 17 giờ mà nhiệt độ cảm nhận vẫn còn 38 độ C. Sự bất thường này kéo dài từ giữa tháng 4 đến nay là khoảng thời gian dài bất thường so với trung bình nhiều năm.

Th.S Lê Thị Xuân Lan cho biết thêm: Theo các mô hình dự báo, hôm qua mới bắt đầu ghi nhận gió mùa tây nam thổi từ tầng thấp lên tới độ cao 6.000 m. Từ tuần sau, vào khoảng ngày 18.5 trở đi, trên vùng biển phía đông của quần đảo Hoàng Sa (VN) có khả năng xuất hiện áp thấp. Áp thấp được cho không có khả năng mạnh lên thành bão nhưng sẽ kéo gió tây nam thổi mạnh hơn. Nhờ vậy Nam bộ sẽ đón mưa với lượng và diện rộng hơn hiện tại. Lúc đó người dân Nam bộ sẽ không còn cảm giác oi bức như hiện tại. “Vì là đầu mùa mưa, người dân cần chú ý đề phòng các hiện tượng sấm sét, dông lốc và lốc xoáy”, bà Lan khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.