Có thể nói Hương vị tình thân là bộ phim có nội dung thú vị, nhân văn về tình cảm gia đình, tình thân xoay quanh cuộc đời của Nam và những mối quan hệ gắn liền với cuộc sống của cô kỹ sư trẻ đang thu hút sự quan tâm của người xem. Nhưng nếu như Hương vị tình thân phần 1 lôi cuốn, logic, hấp dẫn thì ở phần 2, nội dung lại dàn trải, kéo dài gây nhàm chán cho khán giả.
Đặc biệt ở những tập gần đây tình tiết kéo dài, không nhiều kịch tính, cứ đều đều, diễn biến câu chuyện được xử lý nhạt, khiên cưỡng như để “câu giờ” khiến khán giả ngán ngẩm nêu ý kiến trên Hội yêu phim Việt Nam: “Trước đây, tôi cũng háo hức chờ đợi xem diễn biến phim kết thúc thế nào. Nhưng mãi chả thấy gì, cứ lan man hết chuyện này đến chuyện khác, không đâu vào đâu. Nhạt quá! Chả có ấn tượng gì nên bỏ không xem nữa”; “Hương vị tình thân mà kết sớm thì có lẽ sẽ là một trong những bộ phim xuất sắc và để lại nhiều ấn tượng. Nhưng với hiện tại vì lợi ích quảng cáo, tình tiết kéo dài miên man đã khiến phần lớn khán giả sẽ nói xem 11 tháng 5 ngày hay hơn”; “Khi xem phim tôi thấy có nhiều chi tiết không thật, gượng gạo và có phần giáo điều. Hơn nữa cách tạo và gỡ nút thắt đơn điệu quá nên cảm thấy hơi chán”.
|
Những ý kiến trên của người xem có lẽ phản ánh đúng phần nào nội dung của phim ở các tập gần đây. Sau những diễn biến kịch tính, tạo drama như các tình tiết bà Xuân bị tố lừa tiền từ thiện, bị áp lực phải nhảy cầu tự tử hay việc Khánh Thy xử lý “trà xanh” Dương thì những nội dung liên quan đến nhân vật nữ chính Nam không tạo được điểm nhấn gì nổi bật, dàn trải và cứ đều đều. Chỉ riêng chuyện Nam nhận ông Sinh là bố đẻ đã khiến người xem “mừng hụt” nhiều lần vì những lý do có phần không thỏa đáng. Rồi nhiều tình tiết trong phim bị xử lý “nửa vời” hoặc bị cho vào lãng quên như chuyện bà Bích bị vu oan lấy cắp vòng vàng của cụ Dần khiến Nam phải chia tay Long, bỏ đi xuất khẩu lao động ở phần 1 đến giờ vẫn chưa “lột mặt” được thủ phạm dù khán giả ai cũng biết đó chính là Thy và bà Sa. Rồi những chi tiết liên quan đến chuyện bà Dần thỉnh thoảng lên cơn mất trí lại cứ nghĩ Nam là đứa con gái tên Quyên đã mất của mình vì Nam giống Quyên như đúc. Chưa có “nút mở” nào cho nội dung này để khán giả cảm thấy thuyết phục ngoài lý do người giống người… Với tình tiết này ở phần 1, nhiều khán giả đã dự đoán rằng rất có thể mẹ Nam là con gái bà Dần, rồi Nam và Long sẽ có quan hệ huyết thống, làm sao mà lấy nhau. Nhưng xem ra những lý do này đều không phải và đến giờ dường như biên kịch cũng “quên” luôn việc cần phải có câu trả lời cho tình tiết này. Nói thế để thấy rằng có nhiều nội dung trong phim được xử lý chóng vánh, không được giải quyết thỏa đáng khiến tình tiết phim không còn độ kịch tính nữa, khán giả không cảm thấy “đã” với hướng xử lý trong nhiều diễn biến của phim.
|
Một lý do khác khiến người xem phim Hương vị tình thân cảm thấy ngán ngẩm là phim chỉ chiếu khoảng 30 phút nhưng bị ngắt để quảng cáo đến 10-15 phút. Nội dung phim chưa kịp tạo “độ nóng” thì bị ngắt quãng, kéo qua ngày khác đẩy khán giả vào cảm giác lan man như một vài ý kiến đánh giá: “Nói chung truyền hình hiện nay vì cơ chế thị trường nên xen nhiều quảng cáo để thu lợi nhuận, không tôn trọng khán giả. Thời gian chiếu có 30 phút một tập thì mất 15 phút quảng cáo rồi”; “Đồng ý phim hot thì nên tận dụng kiếm tiền quảng cáo. Nhưng cái gì cũng có giới hạn, để ảnh hưởng đến nội dung phim là không tôn trọng khán giả rồi. Quảng cáo nhiều không sao nhưng nội dung phim phải hấp dẫn và tình tiết rõ ràng, dứt điểm, nhưng ở đây cứ lề mề…”. Có khán giả còn cho rằng nội dung phim kéo rê là do muốn “câu” quảng cáo: “Chuyện gì kết hợp được cũng rất tốt nhưng phải đảm bảo lợi cả đôi đường. Bộ phim Hương vị tình thân quan trọng cái lợi nên lê thê kéo dài, nhiều tình tiết vô duyên không làm cho bộ phim hay hơn, chỉ làm phim nhạt nhòa dần trong lòng người xem, làm giảm đi giá trị bộ phim. Biên kịch và đạo diễn nên gói gém cho gọn gàng để kết thúc phim cho hợp lý, kéo dài quá chán lắm rồi, nhiều người đã không xem nữa, chờ phim mới”.
Tuy nhiên trước những ý kiến trái chiều như trên thì cũng có những khán giả cho rằng xem phim là để giải trí, khán giả không thể đòi hỏi đạo diễn, biên kịch phải làm phim chiều lòng thiên hạ được và đã chê thì đừng xem nữa: “Riêng quan điểm của mình thì xem phim thấy vui vẻ, không áp lực, không tạo quá nhiều tiêu cực cho bản thân thì xem, còn không thì không xem nữa. Tìm cái khác vui vẻ hơn để giải trí chứ có gì đâu phải chửi bới vì đâu có ai ép mình xem đâu”, “Chê thì đừng xem nữa, xem xong ức chế rồi chê lấy chê để. Còn đạo diễn người ta làm ra một bộ phim thì khó tránh được sạn. Phim Hollywood còn đầy sạn huống hồ gì phim Việt Nam”.
|
Khen, chê một tác phẩm giải trí cũng là chuyện thường tình. Làm nghệ thuật vốn là “làm dâu trăm họ”. Để làm ra một bộ phim hay cho khán giả thì ê-kíp cũng phải đối mặt với nhiều áp lực nên khó trọn vẹn cả về nội dung và hình thức, nhất là trong thời buổi thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nhưng thiết nghĩ để tạo ra một sản phẩm giải trí ấn tượng, đủ hấp dẫn thì cần phải chỉn chu và không thể làm dễ dãi như một khán giả đã bình luận trên diễn đàn Mê phim Việt: “Khán giả có quyền xem, có quyền chê hay khen. Đạo diễn không thể làm dâu trăm họ nên việc khen chê là điều tất nhiên. Những lời chê (khen) của khán giả cũng rất quan trọng để đạo diễn cần chắt lọc, hoàn thiện cho các tác phẩm sau này. Chứ xem mà không có ý kiến gì thì chỉ có thể là phim hoạt hình”.
Bình luận (0)