Đây là hội thảo thuộc đề tài độc lập cấp quốc gia "Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện. Các chuyên gia tại hội thảo đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho phụ nữ nhằm giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo qua mạng.
Tại hội thảo, TS Vũ Thị Thanh (Viện Nghiên cứu con người) trình bày tham luận "Sự khác biệt về giới trong sử dụng các thiết bị, ứng dụng công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022, tỷ lệ có điện thoại di động của phụ nữ là 87,03%, thấp hơn tỷ lệ này của nam giới là 92,9%. Các kết quả so sánh khác cũng chỉ ra sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong việc sử dụng các thiết bị số. Tỷ lệ nam giới biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật số đều cao hơn so với nữ giới.
“Nguyên nhân có thể do nam giới thường sở hữu các thiết bị số nhiều hơn nên họ cũng biết sử dụng các thiết bị này nhiều hơn. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng phụ nữ Việt Nam ít sở hữu và sử dụng điện thoại thông minh hơn và phụ nữ cũng e ngại sử dụng các dịch vụ di động hơn nam giới. Bên cạnh đó, nam giới được cho rằng chịu khó mày mò các thiết bị điện tử nên khả năng sử dụng các thiết bị số tốt hơn, trong khi đó, phụ nữ tự nhận thấy kỹ năng số của họ không tốt”, TS Thanh cho biết.
Điều này làm hạn chế việc phụ nữ tận dụng hiệu quả những thành tựu phát triển công nghệ số trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra.
Còn so sánh theo học vấn cho thấy, phụ nữ và nam giới, cùng có trình độ học vấn từ đại học trở lên, đều có tỷ lệ biết sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ và nam giới có trình độ từ đại học trở lên biết sử dụng máy tính là cao hơn hẳn so với các nhóm phụ nữ và nam giới có trình độ học vấn thấp hơn.

Toàn cảnh tại hội thảo
ẢNH: THÚY LIỄU
Tình trạng này có thể bắt nguồn từ thực tế, công việc của những người có trình độ từ đại học trở lên gắn với nhu cầu sử dụng máy tính cao hơn và họ cũng có các kỹ năng số tốt hơn.
Ngoài ra, TS Thanh cho biết, trong một nghiên cứu khác về hòa nhập số tại khu vực nông thôn, có 2 lý do khiến cho phụ nữ là đối tượng bị lừa đảo qua mạng.
“Trong nghiên cứu đó, có đến 20% phụ nữ được khảo sát cho biết đã từng bị tiếp cận lừa đảo qua mạng. Lý do thứ nhất liên quan đến kỹ năng số, khi đo lường các chiều cạnh về hòa nhập số, chúng tôi nhận thấy kỹ năng an toàn số của phụ nữ là thấp nhất. Họ không biết làm sao để bảo vệ thông tin cá nhân. Lý do thứ 2 là cả phụ nữ và nam giới cũng đánh giá là phụ nữ có xu hướng ‘nhẹ dạ cả tin hơn’. Có nghĩa là với những người phụ nữ ở nhà, không có công việc thường xuyên dễ bị dụ dỗ với những lời lừa đảo trên mạng”, TS Vũ Thị Thanh nhìn nhận.
Qua nghiên cứu này, chuyên gia của Viện Nghiên cứu con người đề xuất cần có thêm nhiều giải pháp để giúp phụ nữ nâng cao kỹ năng an toàn số, ví dụ như cài đặt mật khẩu cho điện thoại, ứng dụng, hướng dẫn cách nhận diện cách thức lừa đảo qua mạng… Đồng thời, cần tổ chức thêm các buổi tập huấn với sự hỗ trợ của các tổ công nghệ số cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, tăng khả năng đề phòng cảnh giác về lừa đảo trên không gian mạng.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều vấn đề về kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn về thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ.
Bình luận (0)