Trào lưu 'chăn chuối' đang rộ lên tại một số đô thị ở Việt Nam mang hơi hướng của cuộc 'cách mạng tình dục' diễn ra ở phương Tây những năm 70, tạo chuyển biến lớn trong cái nhìn của xã hội về tình dục.
Sau khi đăng tải loạt bài #BÍ MẬT HỘI KÍN CỦA CHỊ EM, chúng tôi nhận khá nhiều phản hồi về hiện tượng này, trong đó không ít quan ngại đang dấy lên trong cộng đồng; đặc biệt là sự thay đổi của phụ nữ hiện đại ở đô thị, những giá trị truyền thống đang dần thay đổi.
Để kết thúc loạt bài #BÍ MẬT HỘI KÍN CỦA CHỊ EM, chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia tâm lý học, xã hội học nhằm cung cấp đến bạn đọc những kiến giải về hiện tượng trên, cũng như các thông tin từ bác sĩ chuyên khoa, đưa ra các cảnh báo về sức khỏe cho chị em và nam giới đang theo trào lưu "chăn chuối".
Bí mật hội kín của chị em Vài năm trước, cánh mày râu úp mở, nhỏ to bàn chuyện 'chăn rau'; ngày nay, chị em đang có trào lưu 'chăn chuối'. 'Chuối' là từ lóng chỉ cánh đàn ông, trai trẻ, những người đáp ứng nhu cầu tình dục phong phú cho các chị em.
Xu hướng phụ nữ chủ động đi tìm các chàng trai trẻ để hẹn hò và tiến tới thỏa mãn các nhu cầu tình dục qua trào lưu 'chăn chuối' đang dấy lên nhiều quan ngại trong cộng đồng.
Trào lưu 'chăn chuối' mang nhiều hệ lụy, mối quan hệ gia đình bị lung lay, việc giáo dục con cái gặp nhiều khó khăn; chứ không đơn thuần chỉ là sự 'giải phóng cuối cùng' của người phụ nữ trong những ràng buộc về trinh tiết, đức hạnh.
Lê Minh Tiến Thạc sĩ Xã hội học
Có người cho rằng đây là hành động suy đồi về mặt đạo đức nhưng cũng có ý kiến chia sẻ việc “cọc” đi tìm “trâu” thể hiện sự thay đổi trong đời sống tâm sinh lý của phụ nữ ở xã hội hiện đại, đặc biệt ở đô thị.
Để độc giả có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Xã hội học, giảng viên trường Đại học Mở TP.HCM - Lê Minh Tiến.
Theo anh Tiến, sự "nổi loạn" trong đời sống chăn gối của phụ nữ qua trào lưu “chăn chuối” đang rộ lên ở Việt Nam tuy mới nhưng không hề lạ. Nó mang hơi hướng của cuộc "Cách mạng tình dục" diễn ra ở Tây phương những năm 70, tạo chuyển biến lớn trong cái nhìn của xã hội về tình dục.
Song, "chăn chuối” lại đi kèm với nhiều hệ lụy, mối quan hệ gia đình bị lung lay, việc giáo dục con cái gặp nhiều khó khăn; chứ không đơn thuần chỉ là sự “giải phóng cuối cùng” của người phụ nữ trong những ràng buộc về trinh tiết, đức hạnh.
Phụ nữ sống ở các đô thị lớn là nhóm 'nữ đột phá', mang đến nhiều thay đổi về quan niệm đức hạnh phụ nữ và đời sống tình dục Ảnh minh họa Shutterstock
Phụ nữ 'chăn chuối' không hoàn toàn là câu chuyện của thể xác, mà nó đến từ cảm giác muốn được yêu thương, che chở ai đó ẩn sâu bên trong mỗi cô gái. Trong khi đó, một số trai trẻ có cuộc sống như 'gà công nghiệp' lại cần lắm vòng tay ấm áp từ người tình. Cứ thế, họ tìm đến nhau...
Trần Thị Thu Mai
PGS.TS Tâm lý học
Trào lưu “chăn chuối” bắt nguồn từ những nhóm nhỏ phụ nữ sống ở những đô thị lớn như Sài Gòn hay Hà Nội, bởi xã hội đô thị là một xã hội vô danh nơi mà người ta sống theo chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn. Cái tôi của mỗi người nhờ thế mà được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ dễ dàng làm được việc mình muốn, thích mà không bị bó buộc quá nhiều vào các giá trị truyền thống, ràng buộc dòng họ…, anh Tiến chia sẻ thêm.
Cũng theo thạc sĩ Tiến, "chăn chuối" hay những thú vui khác bắt nguồn từ đời sống tình dục phóng khoáng là điều tất yếu sẽ xảy ra trong đời sống công nghiệp hóa, đô thị hóa.
"Hiện đại đi kèm với sự phát triển của chủ nghĩa tự do cá nhân, lúc đó con người ta sẽ hành xử theo ý muốn của cá nhân nhiều hơn là tuân theo những giá trị chung của cộng đồng. Ngày xưa, có thể phụ nữ vẫn muốn làm chuyện ấy nhưng họ không dám, vì chịu nhiều sức ép của cộng đồng, các giá trị truyền thống. Ngày nay, phụ nữ dám bộc lộ hết những ham muốn cá nhân của mình", anh Tiến nói tiếp.
Khám phá nhu cầu chăn gối của chị em
Các chị em có muôn vàn lý do để săn 'chuối', nhưng mục đích cuối cùng cũng chỉ để thỏa mãn dục vọng tức thời, tìm giây phút hoan lạc mới mẻ.
Ở một góc độ nào đó, phụ nữ Việt vẫn chưa sẵn sàng sống thoáng như phương Tây nhưng họ cũng đang dần chuyển mình theo hơi thở hiện đại ấy. Bằng chứng là các bạn trẻ ngày nay dễ đón nhận những điều mới mẻ trong đời sống tình dục, các hội “chăn chuối” hoạt động sôi nổi là một minh chứng.
Thạc sĩ Xã hội học cảnh báo: “Xu hướng phụ nữ ‘chăn chuối’ sẽ còn lan rộng và phổ biến hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại trong một nhóm nhỏ phụ nữ thành thị. Nó bắt đầu từ nhóm nữ đột phá, sau đó thâm nhập vào cộng đồng và rất có thể, dần dần xã hội sẽ nhìn thấy hiện tượng này không có gì lạ nữa, giống như việc làm mẹ đơn thân, nếu không ảnh hưởng tới quy chuẩn đạo đức hay hạnh phúc gia đình”.
Phụ nữ 'nổi loạn' bởi xã hội hiện đại thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tự do cá nhân Ảnh minh họa Shutterstock
Vì có thể được xã hội chấp nhận như một chuyện tất yếu nên chúng ta cần có tâm lý chuẩn bị ứng phó với việc này. Cũng giống như ở phương Tây, họ chấp nhận tỷ lệ ly hôn tăng cao (vì đời sống tình dục thoáng), nhưng bù lại, họ có những định chế để các gia đình, trẻ em phát triển đầy đủ và bền vững, thạc sĩ Xã hội học chia sẻ.
Đứng trên phương diện tâm lý, PGS.TS Tâm lý học Trần Thị Thu Mai cho rằng, phụ nữ “chăn chuối” không hoàn toàn là câu chuyện của thể xác, mà nó đến từ cảm giác muốn được yêu thương, che chở ai đó ẩn sâu bên trong mỗi cô gái. Trong khi đó, một số trai trẻ có cuộc sống như “gà công nghiệp” lại cần lắm vòng tay ấm áp từ người tình. Cứ thế, họ tìm đến nhau để thỏa mãn những đòi hỏi về cả thể xác lẫn tâm lý, điều mà chính bản thân họ đôi khi cũng không nhận ra.
Bí mật hội kín của chị em: Oái oăm khi 'thợ chăn' sập bẫy 'thợ săn'
Khi 'thợ chăn' gặp phải gã 'thợ săn', chị em rơi vào bẫy lừa, trở thành nô lệ tình dục, bị đe dọa, uy hiếp tinh thần nếu chẳng may bị 'chuối độc' nắm chứng cứ ngoại tình, hình ảnh chăn gối và dọa tung lên mạng.
PGS.TS Thu Mai không lên án việc phụ nữ “chăn chuối” vì cô cho rằng đời sống tình dục của cả nam lẫn nữ hiện nay đều rất thoáng và không có cách nào thay đổi. Tuy nhiên, khi điều này xuất hiện trong hôn nhân và là cái cớ để các bà vợ ngoại tình thì đáng bị lên án.
“Theo tôi, một tình yêu đẹp thường được xây dựng dựa trên 3 yếu tố: hai người phải phù hợp với nhau về mặt sinh lý, phù hợp với nhau về mặt tâm hồn và sống có trách nhiệm với nhau. Nếu thiếu hụt một trong những điều trên, vợ hoặc chồng phải tìm cách bổ sung và bồi đắp đúng mức, đừng nghĩ đến thú vui ‘chăn chuối’ hay một ngã rẽ nào khác, bởi cái mà bạn nghĩ là lối thoát của hôn nhân cũng có thể đẩy bạn vào vực thẳm ngay lập tức”, PGS.TS Tâm lý học Trần Thị Thu Mai khuyên bạn trẻ.
Con người tìm đến nhau để khỏa lấp những thiếu thốn trong nhu cầu sinh lý lẫn tâm lý Ảnh minh họa Shutterstock
Một tình yêu đẹp thường được xây dựng dựa trên 3 yếu tố: hai người phải phù hợp với nhau về mặt sinh lý, phù hợp với nhau về mặt tâm hồn và sống có trách nhiệm với nhau. Nếu thiếu hụt một trong những điều trên, vợ hoặc chồng phải tìm cách bổ sung và bồi đắp đúng mức, đừng nghĩ đến thú vui ‘chăn chuối’ hay một ngã rẽ nào khác, bởi cái mà bạn nghĩ là lối thoát của hôn nhân cũng có thể đẩy bạn vào vực thẳm ngay lập tức
Trần Thị Thu Mai
PGS.TS Tâm lý học
Trong khi đó, chị Hồ Thị Sang, bác sĩ tư vấn bệnh phụ khoa tại một phòng khám đa khoa ở TP.HCM khá quan ngại với các trường hợp chị em phụ nữ “chăn chuối” có quan hệ xác thịt với nhiều người đàn ông.
Theo bác sĩ Sang, dù chúng ta có dùng biện pháp bảo vệ đi nữa, vẫn không thể lường trước những nguy cơ lây nhiễm ngoài ý muốn (vì bao cao su cũng có lúc bị rách).
Bác sĩ tư vấn nói thêm: “Trong qua hệ tình dục, các bên có tiếp xúc qua dịch tiết thì vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh qua đường tình dục như giang mai, lậu, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, hạ cam, viêm gan C và nhiều bệnh khác. Nếu các dịch tiết ở vùng kín dính vào những nơi ẩm ướt như mắt, miệng, hậu môn, … vi khuẩn sẽ rất dễ bị sinh sôi và gây ra các bệnh xã hội”.
“Thường thì bệnh nhân chỉ đi đến các phòng khám khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu lạ, nổi mụn nhọt ở vùng kín. Tuy nhiên bước qua giai đoạn này, bệnh phụ khoa thường đã khá nặng và thời gian chữa trị sẽ kéo dài".
Tôi khuyên các bạn, nếu cảm thấy quan hệ không an toàn nên đến các bệnh viên, trung tâm xét nghiệm phụ khoa để kiểm tra dịch tiết (không cần xét nghiệm máu), để biết được có đang mắc các chứng bệnh liên quan đến đường tình dục hay không”, bác sĩ Sang nói.
Bình luận (0)