Ngậm ngùi khi khách giảm 40%
Hơn chục năm nay, quán của bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (50 tuổi, ngụ Q.10) là điểm đến quen thuộc của nhiều người “mê” bánh canh cua ở TP.HCM. Quán ăn nằm ở mặt tiền đường Vĩnh Viễn lúc nào cũng đông nghẹt khách tới ăn, bỗng một ngày chuyển vào con hẻm vắng người khiến nhiều người không khỏi tò mò.
Một buổi chiều, tôi ghé quán. Thời điểm này, lai rai khách đi ăn xế. Bà chủ đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu để phục vụ khách giờ cao điểm vào buổi tối, tức từ 18 giờ - 20 giờ.
Vừa làm, bà Dung vừa chậc lưỡi, tâm sự vì mới dời sang địa chỉ mới và cũng là nhà của mình cách đây không lâu, nên quán mất đi 40% khách, chủ yếu là khách vãng lai khiến chủ quán không khỏi ngậm ngùi.
Từ ngày bán bánh canh đến giờ, bà chỉ mới 2 lần chuyển mặt bằng. Nơi đầu tiên mà bà bán, là một quán nhỏ thuê ở số 66, cũng trên đường Vĩnh Viễn này. Bán một vài năm, khách ủng hộ nhiệt tình nên bà mới thuê mặt bằng rộng hơn ở số 79, và bán suốt hàng chục năm qua.
“Năm ngoái, người quen tôi lấy lại mặt bằng để ở, chứ cũng không phải cho ai thuê. Hỏi có tiếc không thì mình tiếc chứ, suốt mấy chục năm gây dựng danh tiếng ở đó. Nhưng thôi, chuyện đã vậy thì mình cũng chấp nhận. Sau đó vợ chồng tôi quyết định chuyển về nhà bán, ở đây nhà của mình, cũng không sợ ai lấy lại nên quyết làm lại từ đầu ở đây", bà cười, nói vui.
Chuyển sang mặt bằng ở trong hẻm, việc buôn bán có phần khó khăn hơn. Thế nhưng những khách “ruột” gắn bó với quán suốt nhiều năm qua vẫn tìm đến ủng hộ. Đó là động lực lớn để bà Dung gây dựng lại quán. Người phụ nữ tự động viên rằng bán ở đâu không quan trọng, chỉ cần bán có tâm, có tầm, ắt khách sẽ tự động tìm đến mình.
Thêm nữa, việc bán ở nhà cũng mang đến nhiều cái lợi, khi mọi thứ bà hoàn toàn có thể chủ động. Từ việc sơ chế nguyên liệu, dọn dẹp hàng quán…
Bà chủ tâm sự từ ngày bán chỗ mới, khách vơi, bà cắt giảm bớt nhân viên. Thời gian bán theo đó cũng thu hẹp từ 10 giờ sáng tới 22 giờ, thay vì bắt đầu từ 7 giờ sáng như trước kia. Đó là cách chủ quán có thêm thời gian để chuẩn bị chỉn chu tất cả mọi thứ.
5 chị em mở 5 quán kế thừa mẹ
40 năm trước, ba mẹ của bà Dung mở hàng bánh canh để mưu sinh, nuôi 5 chị em của bà khôn lớn. Mới 9 tuổi, bà đã ra hàng ăn phụ mẹ, nhưng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ nối nghiệp gia đình.
“Hồi trẻ, tôi mê buôn bán, kinh doanh quần áo, giày dép… ở chợ, không thích nấu nướng vì buôn bán đồ ăn rất cực. Nhưng sau này, dường như nghề chọn người, cuối cùng tôi cũng quay về gánh hàng xưa, kế thừa công thức bánh canh cua của mẹ. Nay bà không còn, và hàng ăn này như một sự nhắc nhớ, lưu giữ ký ức của tôi về mẹ", bà nói.
Chủ quán bật mí nhà có 5 chị em gái, thì cả 5 đều mở một quán riêng bán bánh canh cua, kế thừa công thức của gia đình. Bà bán ở Q.10, các chị em bà cũng mở quán ở Q.1, Q.12, Q.Bình Thạnh.
Nói về bí quyết nấu bánh canh để khách “mê” suốt nhiều năm nay, bà chủ cười tâm sự rằng tất cả nằm nước dùng. “Các nguyên liệu từ thịt heo, tôm, cua, trứng cút… tươi ngon thì quán nào cũng có thể làm được, riêng cái nước dùng sền sệt, vị đậm đà được nấu theo công thức riêng của gia đình tôi thì không trộn lẫn vào đâu được", bà chủ tự hào.
Đó cũng là nhận xét của anh Lưu Thanh Hùng (28 tuổi, ngụ Q.10), là khách quen của quán suốt nhiều năm nay. Vốn là dân Q.8, mỗi khi tiện đường anh đều ghé quán này để thưởng thức tô bánh canh cua của cô Dung.
“Hầu như tuần nào cũng ghé ăn, ít nhất là 1 lần. Từ hồi cô dời địa chỉ, ban đầu mình có chút ngạc nhiên, nhưng chỗ cũ cách chỗ mới cũng không quá xa nên không sao. Thường thì mình ăn với bạn bè, người thân nhưng hôm nay ăn một mình. Ở đây giá cũng rất phải chăng, 40.000 đồng/tô nên hợp túi tiền”, vị khách tâm sự.
Làm lại ở mặt bằng mới, dẫu có ít khách hơn nhưng bà Dung vẫn hạnh phúc khi nhiều khách quen vẫn đều đặn ghé ủng hộ. Bà cho biết sẽ cố gắng không ngừng để có thể mang tới những tô bánh canh chỉn chu nhất cho khách tới, và bà tin đâu sẽ lại vào đấy trong tương lai.
Bình luận (0)