Vì sao Quỹ bình ổn 'bất động' kéo dài?

08/04/2024 06:39 GMT+7

Quỹ kết dư tới 7.000 tỉ đồng nhưng tới kỳ điều chỉnh thì chỉ giảm giá xăng có 10 đồng khiến người tiêu dùng chưng hửng. Bên cạnh đó, còn không có báo cáo về tình hình trích lập và chi sử dụng; lơ là quản lý, không công khai minh bạch là những vấn đề của Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay.

Những lần giảm giá "gây chưng hửng"

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có 13 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần giảm giá. Đáng nói, giá xăng có những lần giảm giá "không giống ai", gây ngỡ ngàng cho người tiêu dùng. Cụ thể, tại kỳ điều hành giá chiều 14.3, xăng E5 RON92 giảm được 22 đồng/lít, xăng RON95 giảm 14 đồng/lít; ngày 4.4, xăng RON95 giảm 15 đồng/lít. Hay trước đó, ngày 29.2, dầu diesel được điều chỉnh giảm 137 đồng/lít, dầu hỏa giảm 136 đồng/lít, dầu mazut tăng 30 đồng/lít… Đáng nói, mức giảm tính bằng đồng nói trên được thực hiện trong bối cảnh Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu đang tồn gần 7.000 tỉ đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 2.000 tỉ đồng.

Chưa kể nhiều lần giá xăng tăng thì quỹ lại nằm im, không trích lập. Đơn cử kỳ điều chỉnh giá ngày 21.3, liên bộ Công thương - Tài chính cho tăng mạnh giá xăng thêm từ 741 - 729 đồng/lít và Quỹ BOG không được sử dụng để can thiệp. Nhìn lại thì từ tháng 10.2023 đến nay, Quỹ BOG không được chi sử dụng trong khi mặt bằng giá cả trên thị trường đã tăng khá mạnh, rất cần sự chia sẻ của giá xăng dầu để giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng khoảng 13%, dầu diesel khoảng 8%.

Vì sao Quỹ bình ổn 'bất động' kéo dài?- Ảnh 1.

Việc trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu hiện khá “tùy hứng”

Đào Ngọc Thạch

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bình luận việc cho giảm giá xăng 10 - 20 đồng/lít mỗi lần điều chỉnh đã không gây hiệu ứng tốt cho thị trường mà còn khiến người tiêu dùng bức xúc, cho rằng đó là hình thức điều hành "đối phó", gây tốn chi phí quản lý nhà nước. Ông nêu câu hỏi: "Tại sao cơ quan quản lý không mạnh dạn trích sử dụng quỹ giảm mạnh giá xăng một lần để hỗ trợ nền kinh tế. Phải chăng, tình trạng thất thoát của quỹ do doanh nghiệp đầu mối không chuyển về đã gây khó cho việc chi sử dụng?".

Quỹ bình ổn xăng dầu ‘dửng dưng’ trước biến động giá

Việc cơ quan điều hành dường như "bỏ quên" Quỹ BOG xăng dầu tại các kỳ điều hành giá biến động tăng càng khiến dư luận băn khoăn hơn về tính xác thực, minh bạch và hiệu quả của quỹ này. Băn khoăn càng tăng khi mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản nhắc nhở 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nghiêm túc gửi báo cáo về thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu. Theo quy định, 11 đơn vị này phải báo cáo về việc trích lập và chi sử dụng, quản lý Quỹ BOG định kỳ 6 tháng một lần. Tuy nhiên, từ ngày 1.7.2023 đến nay (hơn 9 tháng), Bộ Công thương vẫn chưa nhận được báo cáo kiểm toán quỹ của họ.

Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị nhắc nhở trực tiếp liên quan đến việc thiếu nghiêm túc, sai phạm trong quản lý Quỹ BOG. Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý xăng dầu công bố ngày 4.1.2024 đã cho thấy 7/15 doanh nghiệp đầu mối sử dụng quỹ sai mục đích bình ổn giá; không kết chuyển về tài khoản Quỹ BOG mà để lại trong tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ BOG với số tiền là 7.927 tỉ đồng.

Như vậy, hành vi của 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu mới bị nhắc nhở nói trên tiếp tục lặp lại sai phạm như trong kết luận thanh tra. Đó là không nghiêm túc thực hiện báo cáo về trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu theo quy định. Đáng nói, ngay việc trích lập quỹ liên tiếp từ đầu năm đến nay đối với mặt hàng dầu mazut thể hiện sự thiếu bình đẳng, thậm chí khiến các nhà máy công nghiệp, tàu vận tải biển… (các phương tiện sử dụng dầu mazut) đang "gánh" cho người đi xe dùng xăng.

Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm về trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu theo quy định.

Tại sao quỹ không chi, không trích, không sử dụng ?

"Không chi sử dụng, không trích, không đụng đến tiền quỹ một thời gian dài, vậy để quỹ nằm đó để làm gì? Trong khi con số 7.000 tỉ đồng không nhỏ", chuyên gia Vũ Vinh Phú đặt câu hỏi và nêu nghi vấn: Phải chăng, thông tin về việc thất thoát, khó đòi… Quỹ BOG từ các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại kết luận Thanh tra Chính phủ là nguyên nhân khiến quỹ bị quên trong thời gian qua? Sai phạm tại kết luận thanh tra chưa được doanh nghiệp khắc phục nghiêm túc, nay lại tiếp tục sai phạm nữa. Điều này đặt ra vấn đề hiệu lực quản lý thế nào? 

"Người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đều cảm thấy "bất an" cho quản lý một quỹ BOG kiểu này. Điều khó hiểu là với ngành tài chính, thiếu một xu cũng khó, phải quy trách nhiệm, phải thu chính xác từng xu, nay doanh nghiệp không kết chuyển về hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng tiền Quỹ BOG của người dân cho thấy sự thiếu kiên quyết ở cấp quản lý. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu phải có thời hạn rõ ràng về minh bạch quỹ", chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu quan điểm và nhấn mạnh: Việc không kết chuyển quỹ về tài khoản phải xử lý nghiêm, kể cả phần lãi suất mà doanh nghiệp chiếm dụng quỹ lâu nay. Việc không có báo cáo chi, trích quỹ một thời gian dài, sai quy định cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm, không chỉ phạt hành chính vài ba chục triệu. Ngành xăng dầu cần có sự sắp xếp lại trật tự kỷ cương, việc thu hồi giấy phép nếu đầu mối sai phạm nhiều lần và kéo dài… cũng là điều cần thiết.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Bộ Công thương cũng thừa nhận Quỹ BOG xăng dầu đã bộc lộ những yếu tố bất cập. Chính vì lẽ đó, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến các bộ ngành để có đề xuất phù hợp với quỹ. Tuy vậy, theo các chuyên gia, Quỹ BOG xăng dầu đã kết thúc vai trò của mình. 

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, trong giai đoạn 2012 - 2016, Quỹ BOG xăng dầu phát huy tác dụng tốt khi giá thế giới tương đối ổn định, các mặt hàng xăng dầu tăng giảm tương đối đều. Thế nhưng, trong giai đoạn dịch Covid-19 và các xung đột địa - chính trị sau đó khiến biến động giá xăng dầu thế giới rất khó dự báo, dẫn đến việc chi sử dụng quỹ có sự bất bình đẳng. Chẳng hạn, giá xăng tăng phải lấy Quỹ BOG bù vào nhưng khi giá dầu diesel giảm, lại phải trích lập quỹ. Như vậy, người dùng dầu diesel phải bù cho người dùng xăng.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, ví von quỹ như chiếc răng khôn, một lúc nào đó, sẽ hết thời hạn sử dụng, nên bỏ đi, không nên cố gắng để giữ. Càng giữ, lại không quản lý tốt hoặc buông lỏng quản lý thì hệ lụy là nảy sinh vấn đề về lợi ích nhóm, thiếu minh bạch, mất lòng tin… Quỹ BOG xăng dầu không đưa ra được nguyên tắc điều tiết minh bạch và việc trích lập cũng khá "tùy hứng", không theo nguyên tắc nào khiến sự bất bình đẳng trong chi sử dụng và trích lập ngày càng cao. Thế nên, cần bỏ quỹ và thay vào đó, nhà nước nên điều hành quản lý bằng công cụ thuế, phí, dự trữ… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.