Vì sao sân khấu kịch gian nan?

06/05/2022 06:21 GMT+7

Khoảng 6 - 7 năm nay, hầu như sân khấu kịch nào cũng than thở về tình hình khó khăn, ít khán giả, phải bù lỗ, thậm chí “cụt vốn”, đe dọa đóng cửa. Thử tìm hiểu tại sao sân khấu gian nan như thế?

Nguyên nhân khách quan

Rất nhiều người phải công nhận rằng từ khi công nghệ phát triển với các chương trình trên mạng thì sân khấu lao đao. Đáng kể nhất là game show với tính thị trường, hấp dẫn, ra mắt liên tiếp, cuốn người ta ngồi dán mắt lên màn hình. Trong vô vàn game show đó, có nhiều game mang tính sân khấu, nào kịch, nào cải lương, tràn ngập. Khán giả thưởng thức no nê, đủ bi, hài, độc, lẳng, rất nhiều ngôi sao, dù chỉ xuất hiện trong các trích đoạn nhưng cũng khiến người ta thỏa mãn một phần, không còn “quá thèm” sân khấu nữa.

Vở Bàn tay của trời mang ý nghĩa thâm thúy lẫn dàn dựng rất tốt

Rồi các kênh YouTube ra đời hàng loạt, thêm cạnh tranh gay gắt cho sân khấu. Nhiều kịch bản drama nửa như phim, nửa như kịch, với hầu hết là diễn viên kịch đóng vai, khán giả cũng “no nê”. Như vậy, họ dần không có nhu cầu bước đến rạp.

Công nghệ tất yếu phải phát triển, không thể chặn được cuộc sống luôn đi tới với nhiều cách thức, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, giải trí. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sân khấu có những vấn đề nội tại cần giải quyết.

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ngoại cảnh

Thực tế sân khấu kịch cũng có nhiều điểm yếu. Về những nguyên nhân chủ quan, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF, nhận xét thẳng thắn: “Bản thân sân khấu giờ không có gì mới. Loay hoay với melo (Melodrama - một trong các thể loại kịch thông thường), rồi hài vui vui, sinh hoạt nhẹ nhàng. Lâu lâu mới xuất hiện một vở vừa hấp dẫn vừa sâu sắc, mừng lắm, nhưng cũng khó cứu được sân khấu khi số nhiều là tầm tầm”. Quả thật, nội dung kịch bản và cách thức dàn dựng chính là điều cốt lõi. Đánh giá trên số đông thì mỗi sân khấu đều chưa đáp ứng được nhu cầu thời đại hôm nay.

Vở Tiên Nga là một trong số ít vở gây ấn tượng mạnh mẽ

H.K

Lướt qua 5 sân khấu tiêu biểu đã một thời rực rỡ và đóng góp rất lớn vào bộ mặt văn hóa của TP.HCM, thấy xuất hiện những điều đáng băn khoăn. Chẳng hạn, Hoàng Thái Thanh quá tập trung vào bối cảnh xa xưa, xứ sở và con người xưa, khán giả của hôm nay ít tìm thấy họ trong đó, hoặc không chấp nhận cách giải quyết vấn đề của thời cũ. IDECAF thì có vẻ đi dần vào lối diễn hài ồn náo, có khi che mờ ý nghĩa thâm thúy mà kịch bản hướng đến. Sân khấu Thế Giới Trẻ và 5B với khá nhiều vở đề tài đồng tính, trùng lặp mô típ, sặc sỡ lòe loẹt, giả gái tràn lan, từ thông cảm dễ chuyển sang phản cảm. Kịch Phú Nhuận thì kinh dị chiếm đa số, trùng lắp chiêu trò, khán giả hết hồi hộp, nếu nội dung không đủ sâu sắc, khó thu hút người ta tới xem lần nữa.

Đặc biệt, nhân vật trung tâm của tác phẩm hầu như rất ít người trẻ. Nhân vật trung tâm thường vào lứa trung niên hơn là một thế hệ đang hừng hực ngoài đời với những nỗi niềm, khó khăn, phân vân, tranh đấu. Lớp trẻ đi xem không thấy nói gì về họ, tư vấn, hỗ trợ cho họ giữa cuộc đời phức tạp mà họ chuẩn bị hoặc mới bước chân vào. NSƯT Thành Hội nói: “Tôi rất muốn những đề tài đó, nhưng tìm không ra kịch bản. Ai có kịch bản xin hãy đưa cho tôi!”. Đây cũng là câu đặt hàng cho các cây bút trẻ; trong đó có cả trách nhiệm của các trại sáng tác mở ra hằng năm vốn được đầu tư khá nhiều kinh phí.

Nguyên nhân nữa, là giờ giấc và thời lượng biểu diễn. Ông Huỳnh Anh Tuấn khẳng định: “Từ 5 - 6 năm trước, tôi đã muốn đổi giờ diễn sớm hơn, bắt đầu từ 7 giờ 30 tối, và chỉ diễn 2 tiếng rưỡi thôi, nghĩa là 10 giờ đêm vãn hát. Khán giả còn đi về nhà mất trung bình 30 phút, rồi rửa mặt, tẩy trang, đánh răng, thay quần áo, cũng mất 30 phút nữa, vị chi 11 giờ khuya mới được ngủ. Vậy là hợp lý. Chứ kéo dài như bây giờ, mở màn 8 giờ tối, diễn 3 tiếng, về nhà kết thúc mọi việc thì 12 giờ mới lên giường. Muốn vậy, mà nghệ sĩ lại không chịu. Hiện giờ tôi bắt đầu áp dụng dần dần, và kiên quyết áp dụng”. Quả thật, rất nhiều sân khấu tham diễn, luôn kéo dài 3 tiếng đồng hồ, sinh ra những câu thoại lê thê, thậm chí thoại nhảm, chiêu trò thừa thãi. Có những vở dài là cần thiết, chẳng hạn Tiên Nga bởi đó là nhạc kịch, nhưng hầu hết đều là kịch sinh hoạt, kịch tâm lý, xã hội thì 2 tiếng rưỡi là vừa đủ. Đi về quá khuya mệt mỏi, ảnh hưởng sinh hoạt, công việc cũng là một lý do khiến sân khấu mất hẳn một lượng lớn khán giả trung niên, là tầng lớp có tiền để mua vé. Và cũng mất luôn khán giả các quận vùng ven, dù rất yêu kịch nhưng nếu vãn hát quá trễ thì họ sẽ ngại đi xem.

Có những yếu tố thuộc về cơ sở vật chất, kỹ thuật, như rạp, âm thanh, ánh sáng thì khó hơn, cần đầu tư lâu dài hơn, nhưng vẫn đang có thể khắc phục được. Kết luận, như NSND Trần Ngọc Giàu từng nói: “Sân khấu không mất đi dù công nghệ phát triển đến đâu đi nữa, bởi nó có đặc sắc của nó. Xem màn ảnh mãi sẽ bão hòa, người ta sẽ tìm đến sân khấu trực tiếp. Vấn đề là sân khấu phải đáp ứng được điều khán giả cần thì họ sẽ không bỏ sân khấu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.