Vì sao 'sầu riêng vua' gặp khó ?

22/07/2024 06:19 GMT+7

Được mệnh danh là "sầu riêng vua" về cả giá cả và chất lượng nên thông tin sầu riêng Musang King rớt giá, thậm chí một số nhà vườn chặt bỏ, gây bất ngờ cho nhiều người. Thực hư việc này thế nào?

Có chặt bỏ, nhưng là số ít

Đứng tần ngần giữa vườn sầu riêng với đa số là giống Musang King, anh Nguyễn Vũ, chủ trang trại tại H.Khánh Sơn (Khánh Hòa), phân vân nói: "Hồi đầu năm nay nhiều người bàn tán nói không nên trồng sầu riêng giống Musang King nữa, vì bán không có giá mà chăm sóc lại khó hơn các giống khác, tôi vẫn không tin vì cây vẫn ra hoa và đậu trái, tự trấn an và cố gắng chờ đợi đến tháng 7 thu hoạch. Đến thời điểm hiện tại thì tôi đã thu hoạch xong, nhưng đúng là giá bán không cao, người mua xong còn than phiền chất lượng không đạt. Công sức chăm sóc 5 - 6 năm nay, đến lúc thu hoạch lại như thế này, thật là thử thách lòng kiên nhẫn".

Vì sao 'sầu riêng vua' gặp khó ?- Ảnh 1.

Vì sao 'sầu riêng vua' gặp khó ?- Ảnh 2.

Sầu riêng Musang King trồng tại VN chỉ có vài chục ngàn đồng/kg (tại vườn) trong khi mặt hàng đông lạnh nhập khẩu có giá đến 1 triệu đồng/kg

Q.T - CTV

Sầu riêng mặc dù trải qua giai đoạn hạn hán hồi tháng 4 gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây nhưng qua khảo sát, sản lượng sắp thu hoạch ở "thủ phủ sầu riêng" Krông Pắk (Đắk Lắk) vẫn tăng 20% nhờ cây to, trái khỏe và có thêm diện tích mới. Như vậy sầu riêng VN không bị hụt đi năng suất. Trong khi đó thị trường Trung Quốc cũng hết sức rộng lớn, chưa khai thác hết nên dự báo trong năm nay và cả tương lai nhiều năm nữa trái sầu riêng của VN vẫn còn tiềm năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN

Đối với những người trồng sầu riêng giống Musang King, đây là vụ thu hoạch năm thứ hai nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Trên thị trường, giá thu mua sầu riêng Musang King trong nước đang ở mức 88.000 - 90.000 đồng/kg đối với loại 1, trong khi loại 2 chỉ được mua với giá từ 68.000 - 70.000 đồng/kg. So sánh với giá thu mua sầu riêng Thái (giống Dona) thì chênh lệch khá lớn. Cụ thể, sầu Thái loại 1 đang được mua với giá 110.000 - 115.000 đồng/kg, loại 2 từ 85.000 - 90.000 đồng/kg. Chị P.T, chủ cửa hàng kinh doanh sầu riêng tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), thừa nhận: "Thời gian gần đây loại sầu riêng Musang King bị khách hàng phàn nàn rất nhiều, bổ trái ra thì múi có những đốm trắng ăn sực sực mà lại bị đắng. Chủ vựa bán sỉ thì bảo đó là bình thường, nhưng khách mua không chịu, tôi phải đền bù cho khách liên tục".

Theo nhiều chuyên gia trong ngành trồng trọt, hiện tượng này trên cây sầu riêng Musang King một phần do chất lượng giống không đồng đều, chất lượng phân bón không đảm bảo. Đặc biệt khi thu hoạch vào mùa mưa thì giống Musang King dễ bị ngậm nước, dẫn đến múi bị sượng, không ăn được. Một số thương lái hiện nay chỉ ưu tiên thu mua sầu riêng Thái Lan và Ri 6, trong khi giống Musang King rơi xuống đáy bảng ưu tiên, thậm chí có nhiều nơi từ chối thu mua nên rớt giá mạnh. Cũng vì thế, đã có hiện tượng chặt bỏ giống sầu riêng được mệnh danh là "vua" ở một số vườn.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, xác nhận: "Đúng là có một số nơi người dân đã chặt bỏ vườn cây sầu riêng Musang King vì khó chăm sóc, hiệu quả kinh tế không như mong muốn. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng thiểu số. Theo khảo sát của tôi thì vẫn có những vườn sầu riêng cho năng suất cao và chất lượng đồng đều. Sự thật, giống sầu riêng Musang King vẫn được xem là ngon nhất thế giới, người Malaysia rất tự hào đối với đặc sản này và tôn vinh là "vua" sầu riêng. Bằng chứng cụ thể nhất là giá sầu riêng Musang King đông lạnh nhập khẩu có giá bán rất cao, lên đến cả triệu đồng/kg".

Lý giải nguyên nhân khi trồng tại VN thì chất lượng lại không đạt, ông Nguyễn Văn Mười nói: "Có thể do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp, một số vùng lại trồng tự phát nhưng thiếu nước tưới, dẫn đến chất lượng không đồng đều. Việc người dân tự trồng và nhận thấy không hiệu quả rồi chặt bỏ, theo tôi là hơi vội vàng và rất không nên. Thời gian đầu khi giống Monthong của Thái Lan du nhập vào cũng vậy, mấy năm đầu rất vất vả, nhưng từ năm thứ 7 trở đi thì quy trình canh tác đã chuẩn hơn, kinh nghiệm của người trồng được tích lũy nhiều hơn và đến thời điểm này mới bội thu và mang về thu nhập lớn".

Tương lai của sầu riêng vẫn lạc quan

Hiện tượng nói trên cũng chỉ là cục bộ với giống Musang King. Những ngày nửa cuối tháng 7, tình hình xuất khẩu trái cây qua các cửa khẩu biên giới phía bắc vẫn hết sức nhộn nhịp. Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 3,8 tỉ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sầu riêng, chuối và thanh long là những sản phẩm chính đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm nay.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hoạt động xuất khẩu rau quả của VN sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng. Hiện cơ quan chức năng của VN và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và sẽ sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Ngoài ra, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh cũng sẽ được Trung Quốc mở cửa nhập khẩu trong thời gian tới.

"Thị trường xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh nhờ có sự đóng góp của mặt hàng sầu riêng và sự trở lại của trái thanh long. Sầu riêng mặc dù trải qua giai đoạn hạn hán hồi tháng 4 gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây nhưng qua khảo sát, sản lượng sắp thu hoạch ở "thủ phủ sầu riêng" Krông Pắk (Đắk Lắk) vẫn tăng 20% nhờ cây to, trái khỏe và có thêm diện tích mới. Như vậy sầu riêng VN không bị hụt đi năng suất. Trong khi đó thị trường Trung Quốc cũng hết sức rộng lớn, chưa khai thác hết nên dự báo trong năm nay và cả tương lai nhiều năm nữa trái sầu riêng của VN vẫn còn tiềm năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu", ông Mười nhận định. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, ngoài thị trường châu Á, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường mới như Anh, EU cũng gia tăng. Đây là dư địa thị trường rất lớn cho ngành rau quả VN khai thác, vì vậy năm nay mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả chạm mốc 7 tỉ USD là hoàn toàn có thể đạt được.

Riêng với những diện tích đã trồng sầu riêng giống Musang King, ông Nguyễn Mười chia sẻ: "Cây sầu riêng có khi đến năm thứ 7 mới cho trái ổn định và quy trình sản xuất cải thiện hơn. Do đó, các chủ vườn đã tốn công sức đầu tư nhiều năm qua nên cố gắng kiên nhẫn hơn. Có thể trong tương lai, khi sản lượng sầu riêng giống Thái hay Ri 6 tăng cao, người tiêu dùng sẽ ưu tiên lựa chọn loại nào có chất lượng ngon hơn. Đặc biệt, hiện nay thị trường Trung Quốc chưa tiêu thụ nhiều sầu riêng Musang King vì Malaysia chỉ được xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh. Nếu sắp tới Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng tươi từ Malaysia thì thị hiếu tiêu dùng của thị trường này có thể sẽ thay đổi và khi đó là "thời" của Musang King trồng tại VN".

Trong 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả VN, hầu hết đều tăng trưởng từ 15 - 96%. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỉ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc với 164 triệu USD và Mỹ là hơn 157 triệu USD, lần lượt tăng 55% và 33%.

Đặc biệt, Thái Lan, một đối thủ cạnh tranh của VN trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc cũng tăng cường mua hàng Việt, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 97 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.