Vì sao Singapore muốn quán ăn được vận hành bằng máy móc?

06/11/2016 15:51 GMT+7

Singapore đang cố gắng để các khu ẩm thực có nhiều máy móc hơn là nhân viên bán hàng thực thụ.

Yêu cầu mới nhất về việc tăng năng suất của Singapore diễn ra tại một khu ẩm thực bận rộn ở nhà ga thứ nhì Sân bay Changi. Tại đây, thực khách có thể chọn cơm gà hoặc bát mì từ một chiếc máy, thanh toán bằng thẻ tín dụng và mang thức ăn đi. Tất cả hoạt động diễn ra với sự tương tác tối thiểu của con người, hoàn toàn trái ngược với cảnh nhiều nhân viên thường được nhìn thấy tại các quầy thức ăn khác cũng ở Singapore.
Sáng kiến tự động như thế đang xuất hiện ngày càng nhiều ở đảo quốc sư tử, có mặt từ taxi tự lái đến hệ thống thanh toán nhận diện khuôn mặt cho các khách hàng di chuyển bằng đường sắt. Singapore đối mặt với dân số già đi nhanh chóng, tỷ lệ sinh giảm và sự sa sút trong tăng trưởng kinh tế. Vì chính quyền hạn chế dòng chảy lao động nước ngoài sau đợt phản ứng chống nhập cư, Singapore chuyển sang dùng máy móc để thay thế nhân sự.
“Năng suất là thành phần quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là khi đóng góp của lao động vào tăng trưởng đang giảm đi, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến như Singapore. Singapore đã và đang cố gắng đi tắt đón đầu, áp dụng thêm tự động hóa”, nhà kinh tế trưởng về khu vực châu Á David Mann ở Standard Chartered cho biết.
Select Group, công ty quản lý quầy bán thức ăn tại Sân bay Changi đến nay hài lòng với kết quả giảm chi phí đã đạt được. Hãng đang thực hiện hệ thống tương tự tại khu vực nhà ga mới của sân bay, vốn sẽ được mở cửa vào năm sau.
SPRING Singapore, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thúc đẩy doanh nghiệp và sản phẩm địa phương, hiện tiến hành đấu thầu thử nghiệm hai khu ẩm thực theo hệ thống mới tìm cách thưởng cho việc tăng năng suất. SPRING có thể dùng hệ thống nghiêng về tính năng suất này cho tất cả hồ sơ dự thầu các quầy hàng thức ăn ngoài trời tại các tòa nhà công cộng mới trong tương lai. Cơ quan xem hệ thống này là yếu tố quan trọng trong kế hoạch tăng năng suất của ngành công nghiệp thực phẩm Singapore lên 2% mỗi năm trong 5 năm tới.
“Các nước khác không bị đặt dưới áp lực lực lượng lao động như Singapore. Họ có xu hướng dân số có lợi hơn, vì thế họ gặp ít áp lực trong việc thúc đẩy năng suất. Đó là lý do vì sao Singapore phải làm điều này”, Jonathan Galligan, nhà kinh tế tại hãng môi giới và đầu tư CLSA cho biết.
Ngành công nghiệp thực phẩm là một trong 23 lĩnh vực được chính phủ Singapore xác định là một phần của kế hoạch chuyển đổi 5 năm trị giá 4,5 tỉ USD, giúp giới doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lao động. Ngành này là mục tiêu vì thuộc nhóm ngành ít hiệu quả nhất, chỉ chiếm 0,8% GDP nhưng tuyển dụng 160.000 người, hay 4,5% lực lượng lao động. Từ năm 2010 đến năm 2014, nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp này tăng trưởng bình quân 6% mỗi năm, cao hơn nền kinh tế nói chung.
Hồi tháng 8, công ty phục vụ JR Group cũng cho ra mắt Vendcafe đầu tiên ở Singapore. Đây là cụm máy bán hàng tự động trong khu dân cư, nơi người dân có thể đến mua các bữa ăn có sẵn. SPRING cho hay hệ thống này cần ít hơn từ 70% đến 90% nhân viên so với các gian hàng thực phẩm điển hình. Nó cũng chỉ cần vài tuần để được hoàn tất. Hiện cơ quan Singapore đang xem xét lập 10 nơi tương tự như vậy trong năm tới.
Sự phát triển công nghệ có thể dẫn đến chuyện việc làm biến mất. Đây là thực tế mà quan chức Singapore đã chuẩn bị cho công dân nước họ. Dù tỷ lệ thất nghiệp Singapore thuộc hàng thấp nhất thế giới là 2,1%, số người có việc làm giảm trong quý 3/2016, lần giảm thứ nhì kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009.

tin liên quan

Giá nhà Singapore giảm kỷ lục trong 7 năm
Giá nhà ở Singapore đã giảm mạnh nhất trong vòng 7 năm qua sau khi giới chức cho biết chính phủ nước này sẽ không nới lỏng chính sách kiềm chế giá bất động sản lâu nay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.