Vì sao sinh viên học ngành toán được nhận học bổng 2,4 triệu đồng/tháng?

09/05/2022 07:25 GMT+7

Bắt đầu từ giữa tháng 5 này, sinh viên theo học ngành toán sẽ được thêm chính sách ưu đãi trong học tập, có thể nhận học bổng khuyến khích bằng mức trần học phí của năm học hiện hành.

Trong năm học này, mức học bổng cho sinh viên (SV) theo học ngành toán tương đương 2,4 triệu đồng/tháng.

Có phải tất cả sinh viên đều được nhận học bổng ?

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 22/2022 về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, có một nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến người đang theo học ngành toán bậc ĐH. Cụ thể, theo khoản 2 điều 6 của thông tư này, SV ngành toán được chi học bổng khuyến khích bằng mức trần học phí của năm học hiện hành tại cơ sở đào tạo. Mức học bổng này tương đương học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Thí sinh trước khi vào thi môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đào Ngọc Thạch

Theo Nghị định 81, năm học 2021 - 2022 SV ngành toán có thể được cấp học bổng từ hơn 1,1 - 2,4 triệu đồng/tháng (tùy theo loại hình trường công lập). Học bổng được cấp theo từng học kỳ và tương đương hơn 11 - 24 triệu đồng/năm học (10 tháng). Trong năm học 2022 - 2023, học bổng tăng theo mức trần học phí lên tới 14,5 đến hơn 36 triệu đồng/năm học.

Theo PGS-TS Lê Minh Triết, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Toán - Ứng dụng Trường ĐH Sài Gòn, việc cấp học bổng do Hội đồng xét chọn theo tiêu chí quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện các trường vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ. Tuy nhiên, theo tinh thần của thông tư này, không phải tất cả SV học ngành này đều được nhận học bổng mà cần phải đạt các tiêu chí cụ thể mới được xét duyệt.

PGS-TS Lê Minh Triết cũng chia sẻ đây là chính sách cụ thể hóa của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030. “Chính sách này nhằm thu hút nhân lực ngành toán và cung cấp nhân lực cho các ngành liên quan cần cho việc phát triển khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin... Ngay trong Thông tư 22 đã nêu rõ học bổng nhằm thu hút và nâng cao chất lượng đối với SV ngành toán”.

Trước đó, được phê duyệt từ cuối năm 2020, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 5 ĐH vào top 500 thế giới về toán, trong đó có ít nhất 2 trường trong top 400. Bên cạnh đó là đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành toán, toán ứng dụng và thống kê, đào tạo và bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên cốt cán đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới… Chương trình này do Bộ GD-ĐT chủ trì, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán thường trực điều phối thực hiện.

Thu hút nhiều hơn sinh viên giỏi theo học toán

Thực tế, việc tuyển sinh và đào tạo ngành toán học tại các trường ĐH hiện nay không nhiều. Trong đó, có 2 xu hướng rõ rệt trong lựa chọn các ngành học liên quan đến lĩnh vực này những năm gần đây.

Đáng chú ý là xu hướng thu hút người học vào ngành sư phạm toán tại các trường có đào tạo giáo viên. Những năm gần đây, ngành học này ở nhiều trường có số thí sinh đăng ký tăng với mức điểm chuẩn cao. Chẳng hạn, năm 2021 ngành sư phạm toán của Trường ĐH Sài Gòn đứng đầu danh sách về điểm chuẩn xét bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT với 27,01 điểm (A00) và 26,01 điểm (A01). Năm 2020, điểm chuẩn ngành này cũng ở mức 25,18 - 26,18.

Tương tự, ngành sư phạm toán tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng rất thu hút người học. Năm ngoái, thí sinh trúng tuyển cần đạt trung bình mỗi môn 9 điểm theo học bạ 6 học kỳ và 8,9 điểm theo điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng tuyển sinh nhóm ngành toán học, toán tin và toán ứng dụng nhiều năm nay. Ở thời điểm năm 2019, điểm chuẩn nhóm ngành này chỉ ở mức 16,10 xét theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2020, điểm chuẩn nhóm ngành này tăng lên 20 và tăng mạnh lên 24,35 trong năm ngoái. Tuy nhiên, dù được ghi nhận là nhóm ngành có điểm chuẩn tăng nhiều nhất trường năm 2021 nhưng nhóm ngành này vẫn chưa vào top các ngành có điểm chuẩn cao của trường.

Nhìn nhận về chính sách thu hút người giỏi học toán, tiến sĩ Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng khoa Toán - tin Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Chính sách học bổng này nằm trong định hướng phát triển toán học của quốc gia. Với Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học, người học ngành này đã có nhiều cơ hội tốt hơn trong hoạt động học tập, nghiên cứu. Thêm chính sách học bổng, ngành học này ngày càng thu hút nhiều hơn người có năng lực và đam mê toán học, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản”.

Đồng quan điểm này, PGS-TS Lê Minh Triết cũng cho rằng các chính sách khuyến khích sẽ góp phần thu hút người học đến gần hơn với môn toán. Điều này có thể nhận thấy qua kết quả tuyển sinh một vài năm gần đây, điểm chuẩn các ngành này tăng mạnh - chứng tỏ có nhiều học sinh giỏi yêu thích lĩnh vực này. Nhưng ngoài học bổng, để phát triển hơn nữa lĩnh vực toán học còn cần có nhiều yếu tố khác, đặc biệt là cơ hội việc làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.