Từ thuở sơ khai
Lịch sử phát triển của điện thoại từng ghi nhận một thời kỳ đặc biệt, nằm giữa quãng thời gian sau khi máy “cục gạch” dần bị xóa sổ và trước khi iPhone ra đời. Khi đó, dường như mọi giác quan để thiết kế ra một mẫu smartphone đều được tận dụng tối đa khiến thị trường có đủ hình thù điện thoại thông minh lẫn màu sắc.
Những fan của Nokia ắt hẳn không thể quên mẫu N-GAGE, smartphone chạy nền tảng Symbian với thiết kế như từ phim viễn tưởng bước ra. Điện thoại gập, thân trượt, máy chuyên chơi nhạc hay các mẫu mang hình thù có phần kỳ quái, mang phong cách sống… tất cả đều ra mắt trong giai đoạn đó.
Có thể không phải tất cả trong số đó đều là sự kết hợp giữa tính thời trang, thiết kế độc đáo lẫn những tính năng thời thượng, nhưng mỗi máy đều có sức hút riêng khiến người dùng phải cảm thấy phấn khích khi sở hữu. Trong khi đó, điện thoại hiện đại ngày càng mang sức mạnh của một chiếc máy tính nhưng bắt đầu trở nên nhàm chán về ngoại hình và trông đều từa tựa như nhau.
Thuở ban đầu, điện thoại sinh ra chỉ để phục vụ nhu cầu gọi điện. Chúng có ăng-ten lớn, màn hình bé... Khi công nghệ phát triển hơn, điện thoại tới giai đoạn không còn đắt đỏ như trước, nhiều người có thể mua hơn, các nhà sản xuất bắt đầu nghĩ tới những yếu tố như khả năng di động, thiết kế và “ngầu”, “bảnh”.
Vậy là một kỷ nguyên mới bắt đầu với điện thoại gập hướng đến nhóm khách hàng nữ, máy sặc sỡ dành cho lứa khách hàng thanh niên, điện thoại nhiều tiện ích cho mấy tay ham mê, điện thoại chuyên nhắn tin trò chuyện dành cho người thích giao du xã hội hay model có thiết kế chỉn chu phù hợp với giới doanh nhân… Dù là ai, thuộc nhóm người nào, chắc chắn trên thị trường sẽ có mẫu máy phù hợp với bạn. Nhưng tới 2007, câu chuyện một lần nữa thay đổi.
Ngày “táo” chín
|
Năm 2007 đánh dấu sự ra đời của iPhone, một cú xoay chiều cuộc chơi smartphone đến từ Apple. Công ty Mỹ này đã cho thế giới thấy điện thoại của tương lai sẽ trông như thế nào. Trước iPhone đã có nhiều smartphone, nhưng đều giao diện cồng kềnh và hướng tới công việc cùng sự bảo thủ trong thẩm mỹ đã đẩy người dùng sang thương hiệu mới.
BlackBerry và Nokia không bỏ cuộc, tiếp tục giữ vị thế nhờ vào nền tảng BBOS và Symbian nhưng rồi cũng phải hụt hơi trước iPhone. Chẳng mấy chốc chiếc điện thoại cải tiến nhất trở thành hình mẫu bị sao chép nhiều nhất và dù kiện cáo bản quyền hay không, iPhone cũng bắt đầu cho thời kỳ hợp nhất điện thoại.
Về phần Symbian, WebOS, Bada hay BBOS, tất cả đều trở thành “bại binh” và lùi vào ký ức, nhường sân chơi cho hai kẻ mạnh nhất: Android và iOS. Không chỉ đổi ngôi phần mềm, “ngai vàng” phần cứng cũng bị màn hình cảm ứng “cướp khỏi tay” bàn phím cứng.
Cuộc cạnh tranh của smartphone nhanh chóng trở thành chiến trường cho những mẫu máy có màn hình ngày càng lớn hơn, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Giao diện cảm ứng giúp mọi thao tác trở nên dễ dàng hơn trên điện thoại so với thời các máy thiết kế kiểu cũ (bàn phím vật lý, màn hình nhỏ). Tốc độ mạng trang bị trên mỗi máy cũng được cải thiện, các nội dung xem trực tuyến ngày càng gần gũi hơn. Camera trên điện thoại cũng bước vào giai đoạn tiến hóa.
Màn hình lớn, điểm ảnh nhiều hơn lại kéo theo nhu cầu dung lượng pin cao. Màn hình cảm ứng khiến mặt trước và sau của điện thoại chỉ là hai hình chữ nhật áp vào nhau nên các nhà sản xuất không có nhiều lựa chọn thiết kế. Họ lại bắt đầu một cuộc chạy đua để phát triển máy có kích thước màn hình càng lớn càng tốt, tới điểm mà ngày nay người ta gọi smartphone bằng một từ mới là Phablet (Phone-Tablet, thiết bị lai giữa điện thoại và máy tính bảng).
Màn hình cuối cùng cũng chỉ là màn hình, nhưng lại quyết định hình dáng thiết kế. Màn hình quá to trong khi nhu cầu thiết bị ngày càng phải mỏng, nhẹ khiến các kỹ sư không thể cho ra đời những model với nhiều hình thù khác nhau như trước, buộc phải theo sát khuôn hình chữ nhật để càng gọn càng tốt. Theo Phone Arena, khi điện thoại có tới 80% thiết kế là màn hình, thì cũng 80% smartphone trên thị trường giống nhau về ngoại hình.
Nhà sản xuất cũng đã vắt tới những giọt cảm hứng cuối cùng để mang đến “sự khác biệt” như màn hình 2,5D cong nhẹ ở các cạnh, viền máy màn hình siêu mỏng hay phần “tai thỏ” (notch), “giọt nước”, “nốt ruồi” tùy cách gọi mỗi người dựa trên thiết kế của từng hãng.
Đã có lúc thị trường “rung rinh” với thiết kế “module” (điện thoại được ghép từ các phần khác nhau) nhưng điều này rất khó thành hiện thực và người ta cuối cùng không để ý tới nữa. Điện thoại module chưa ra đời đã “đắp chiếu” và bị lãng quên. Cuối cùng, điện thoại vẫn là hình chữ nhật, máy nào cũng tương tự nhau.
Lý do khiến điện thoại hiện đại trông hệt nhau
|
Đầu tiên phải nói tới thiết kế triệt tiêu viền màn hình và viên pin dung lượng lớn thật sự hấp dẫn, nhưng đồng thời là yếu tố giới hạn sự sáng tạo. Điện thoại về cơ bản chỉ còn thiết kế bao lấy viền màn hình và viên pin, không còn chỗ cho những thay đổi khác. Người dùng cũng chỉ thích mấy thứ cao cấp mà họ đã quen thuộc, vì vậy nhà sản xuất quyết định chọn phương án an toàn. Đây là lý do khiến smartphone giờ chủ yếu làm từ kính và kim loại (hoặc thay bằng nhựa đối với các máy rẻ tiền).
Thiết kế bàn phím ngày nay đã lỗi thời (BlackBerry là minh chứng rõ nhất khi hãng vẫn cố bám theo truyền thống và các model ra đời đều không thể trụ lại trên thị trường), trong khi những thử nghiệm thay đổi thiết kế như dạng module hay cá nhân hóa thiết bị đều chỉ dừng lại ở dự án trên giấy.
Người dùng cũng chỉ còn hai nền tảng di động lớn để chọn là Android và iOS. Mọi chiếc iPhone đều mang hình dáng của iPhone, còn Android thì chiếc ra sau trông tựa như mẫu ra trước.
Quan trọng hơn cả, sao chép đã trở thành một ngôn ngữ thiết kế. Không công ty nào cảm thấy xấu hổ khi nhặt những tính năng hay yếu tố trong thiết kế của hãng khác để đưa lên sản phẩm của mình.
“Bẻ cong” khuôn mẫu
|
Dần dần, người dùng rơi vào một vòng luẩn quẩn. Các nhà sản xuất smartphone đưa cho khách hàng thứ họ cần và muốn, nhưng làm vậy quá lâu khiến người dùng dần quen với điện thoại màn hình lớn, hệ thống nhiều camera ở mặt lưng… Quen tới mức chính các khách hàng này cảm thấy không cần thiết phải thay đổi, thậm chí không nhận thấy sự nhàm chán trong những sản phẩm ngày này qua ngày khác giống hệt nhau.
Dù vậy, vẫn còn đó những kỹ sư phía sau cánh cửa phòng thí nghiệm cho rằng đã tới lúc phải thay đổi, chấm dứt thời kỳ đã kéo dài hơn một thập kỷ. Đó có thể là lý do màn hình dẻo được sinh ra.
Công nghệ màn hình dẻo đã đi vào thực tế được vài năm và cuối cùng cũng đến thời điểm mà nhà sản xuất quyết định phải tạo ra bước thay đổi, tiềm ẩn sự mạo hiểm. Và từ đó, điện thoại màn hình dẻo có khả năng gập lại ra đời. Năm 2019 là điểm nhấn khi những sản phẩm thương mại với màn hình gập lại được tung ra thị trường, đánh dấu thay đổi thực sự đáng kể đầu tiên trong thiết kế smartphone sau gần 13 năm. Tất nhiên, ngoại hình này vẫn lấy cảm hứng từ quá khứ (điện thoại gập vỏ sò) rồi sinh ra một định nghĩa khác là máy tính bảng gập (trở thành smartphone).
Thị trường vẫn chưa nhìn thấy thành công của thiết kế này, và liệu người dùng có thực sự cần kiểu dáng smartphone khác với kỷ nguyên hình chữ nhật hiện nay hay không vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời ngay. Nhưng ngày càng nhiều nhà sản xuất tham gia vào cuộc chơi smartphone màn hình dẻo với sự đầu tư nghiêm túc và dài hạn, cho thấy những dấu hiệu khả quan về một sự thay đổi thiết kế trong tương lai điện thoại thông minh.
Bình luận (0)