Sở Y tế Bình Dương vừa ban hành một văn bản, trong đó nêu rõ “Sở Y tế không giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức tại tất cả các đơn vị trực thuộc, đồng thời, nếu viên chức tự ý bỏ việc, Sở Y tế sẽ xem xét kỷ luật theo quy định, thu hồi các chứng chỉ hành nghề đã cấp”.
Vì sao Sở Y tế Bình Dương không giải quyết cho nhân viên nghỉ việc tại thời điểm này?
Trả lời PV Thanh Niên, ông Chương cho biết thời điểm ký văn bản (ngày 20.8) gửi các đơn vị trực thuộc, Bình Dương đã ghi nhận 52.346 ca nhiễm Covid-19.
Bình Dương cũng đã nỗ lực thành lập 22 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 (gần 18.000 giường) với nhân lực phục vụ 2.851 người. Dự báo số ca Covid-19 có thể tăng lên 80.000 (tính đến ngày 24.8, đã là 73.471 ca Covid-19 - PV).
|
Bình Dương đã huy động toàn bộ nhân lực y tế công lập và ngoài công lập để phục vụ phòng chống dịch được khoảng 3.800 người. Với 25 đoàn chi viện của các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh thành và các trường đại học y dược được khoảng 1.895 người.
Theo văn bản của Sở Y tế Bình Dương (ngày 20.8), trong thời gian tới, khi các đoàn chi viện hoàn thành nhiệm vụ và kết thúc đợt hỗ trợ chi viện, Bình Dương sẽ gặp khó khăn rất lớn về nhân lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trả lời câu hỏi của PV về việc không giải quyết cho nhân viên nghỉ việc như vậy có đúng luật không, ông Chương cho biết đây là văn bản quy định nội bộ của ngành y tế Bình Dương trong thời điểm cấp bách hiện nay.
|
“Trước khi ra văn bản, chúng tôi cũng đã tham khảo nhiều ý kiến, trong đó có Bộ Y tế. Tình hình hiện nay của Bình Dương đang vô cùng khó khăn. Các bộ ngành, tỉnh bạn chi viện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ Bình Dương mà mình lại cho nhân viên nghỉ việc thì có lẽ không hợp đạo lý cho lắm”, ông Chương nói.
Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cũng mong các y, bác sĩ dù đã rất vất vả, mệt mỏi trong nhiều tháng qua nhưng vì nhiệm vụ chính trị, vì người dân Bình Dương, vì người bệnh mà tiếp tục cố gắng cống hiến y đức, sức lực, cùng chung tay đẩy lùi Covid-19.
Bình luận (0)