Vì sao Sở Y tế TP.HCM đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm tập trung?

28/05/2022 12:28 GMT+7

TP.HCM từng lập trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế nhưng đã giải thể, nay Sở Y tế tiếp tục đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM, trực thuộc UBND TP.HCM. Vì sao ?

Ngày 28.5, tin từ Sở Y tế TP.HCM, cơ quan này đã có công văn gửi UBND TP.HCM báo cáo về việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế của các đơn vị; đồng thời đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM, trực thuộc UBND TP.HCM.

Theo Sở Y tế, kết quả khảo sát nhanh giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở Y tế cho thấy, 91,5 % ý kiến trả lời đều đồng ý với đề xuất trên.

Sở Y tế kiến nghị thành lập Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM trực thuộc UBND TP.HCM (thay vì chỉ có Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp như hiện nay). Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM phải đảm bảo mang tính chuyên nghiệp với quy mô đủ lớn, hoạt động độc lập, khách quan, không kiêm nhiệm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của ngành y tế.

Các mặt hàng cần mua sắm tập trung bao gồm: thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian để đảm bảo đơn vị luôn được cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Có quy chế phối hợp giữa Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM với các cơ sở y tế trong việc mua sắm, sử dụng và điều phối.

Một buổi mở thầu tại một bệnh viện

DUY TÍNH

TP.HCM từng mua sắm tập trung

Vì sao Sở Y tế lại đề xuất lập Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM trong khi trước đó cũng từng có và bị giải thể ?

Theo báo cáo của Sở Y tế, trước năm 2014 , các đơn vị tự thực hiện việc mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị trên cơ sở nhu cầu và nguồn kinh phí của đơn vị theo quy định.

Ngày 24.1.2013, UBND TP.HCM thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm mua sắm), là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế. Nhiệm vụ chính là tổ chức mua sắm, trang bị, cung ứng và điều phối hàng hóa (thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị) cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP.HCM và quận, huyện.

Từ năm 2014 - 2016, Trung tâm mua sắm đã thực hiện 6 gói thầu thuốc, 9 gói thầu vật tư y tế, 12 gói thầu trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, công tác mua sắm chưa bao giờ đạt tỷ lệ dự trù, có nhiều gói thầu không thực hiện được.

Ngày 4.10.2017, UBND TP.HCM có quyết định giải thể Trung tâm mua sắm.

Về ưu điểm, theo Sở Y tế, đấu thầu tập trung đảm bảo minh bạch, công khai công tác đấu thầu. Hạn chế sai sót tiêu cực khi các đơn vị tự tổ chức mua sắm. Giảm lãng phí do chủ động điều tiết thuốc, vật tư tiêu hao giữa các đơn vị. Danh mục mua sắm hợp lý, khoa học phù hợp với nhu cầu. Giá cả hợp lý hơn và thống nhất giá trúng thầu cùng một mặt hàng ở tất cả các bệnh viện, đặc biệt đối với các thiết bị, vật tư chuyên dùng có giá trị cao.

Tuy nhiên, đấu thầu tập trung cũng có những hạn chế. Cụ thể, trung tâm mua sắm chưa thực sự là một trung tâm độc lập với các cơ sở y tế và Sở Y tế; Chưa đảm bảo tính khách quan khi tổ chức mua sắm do nhân sự thực hiện gói thầu (đánh giá, thẩm định) chỉ là nhân sự kiêm nhiệm của Sở Y tế (Giám đốc Sở Y tế kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm mua sắm, các Trưởng phòng kiêm nhiệm tổ trưởng tổ thẩm định, tổ chuyên gia), nhân sự kiêm nhiệm của các đơn vị; Nguồn nhân lực của Trung tâm mua sắm định biên 30 người (thực tế chỉ 18 người) không tương xứng với quy mô mua sắm tập trung của toàn ngành y tế TP. Điều này dẫn đến thời gian thực hiện mua sắm kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đơn vị, buộc các bệnh viện phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác.

Nguy cơ nhà thầu trúng thầu không cung ứng kịp hàng hóa dẫn đến các bệnh viện cũng phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác. Điều này gây khó khăn cho bệnh viện khi thanh toán bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, bệnh viện sử dụng rất ít vật tư y tế trúng thầu vì không phù hợp với đặc thù ở mỗi bệnh viện (không ký hợp đồng hoặc sử dụng rất ít hàng hóa trúng thầu).

Trong ba năm tổ chức mua sắm tập trung trang thiết bị y tế toàn ngành nhưng chỉ mua sắm được 19 xe cứu thương nên nhiều trang thiết bị ở các đơn vị bị hư hỏng, xuống cấp và thiếu so với nhu cầu, đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện.

Giao mua sắm về cho các đơn vị

Từ năm 2017 đến nay, để đảm bảo hoạt động thường xuyên, các đơn vị phải tự thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc (ngoài danh mục mua sắm tập trung do Trung tâm đấu thầu Quốc gia thực hiện và danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương do ngành y tế giao một bệnh viện đa khoa thực hiện mua sắm). Giá trị mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế hàng năm của toàn ngành y tế TP.HCM khoảng 14.000 tỉ đồng

Theo Sở Y tế, khi giao về cho các đơn vị tự đấu thầu, ưu điểm là đơn vị chủ động trong việc mua sắm để đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Nhưng, năng lực tổ chức mua sắm ở các đơn vị là khác nhau và nhìn chung đa số còn có nhiều hạn chế trong công tác đấu thầu.

Cụ thể, việc phê duyệt danh mục mua sắm, họp hội đồng khoa học công nghệ chưa đi sâu vào thực chất. Công tác thẩm định giá gói thầu chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định. Giá trúng thầu chênh lệch nhiều so với giá nhập khẩu theo tờ khai hải quan (do không có quy định phải so sánh cũng như không có được thông tin về giá nhập khẩu). Bệnh cạnh đó, giá trúng thầu của hàng hóa ở mỗi đơn vị mua sắm là khác nhau.

Về nguyên nhân hạn chế khi cho đấu thầu riêng lẻ, một mặt nhân sự tham gia công tác mua sắm chưa có chuyên môn cao, kiêm nhiệm thì không có cơ quan hỗ trợ về tư vấn đấu thầu, thẩm định giá mang tính chuyên nghiệp, đáng tin cậy. Quy định và quy trình rất nhiều nhưng các quy định thật sự rõ ràng, đầy đủ.

Từ những phân tích trên, Sở Y tế đã trình UBND TP.HCM thành lập Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM để UBND TP.HCM xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.