Loạt dự án "chết chìm" trên giấy
Năm 2000, Cần Giờ được quy hoạch xây dựng một đô thị du lịch, chức năng chính là du lịch, phục vụ du khách và người dân địa phương sẽ là người hưởng lợi. Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, đô thị này còn mang ý nghĩa quan trọng hơn, đó là giảm tải hạ tầng, hỗ trợ giãn dân khi quy mô dân số của TP.HCM tăng. 20 năm sau, khu đô thị lấn biển Cần Giờ đã được thay đổi quy hoạch rộng gấp gần 5 lần (từ 600 ha quy hoạch năm 2003 tăng lên khoảng 2.800 ha khi được Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào năm 2020) nhưng đáng tiếc vẫn chỉ mở rộng "trên giấy". Sau nhiều năm dự án chưa kịp khơi ra đã phải vội đóng vào vì những xung đột quan điểm giữa bảo tồn và phát triển, du lịch Cần Giờ vẫn quẩn quanh với thăm đảo khỉ, rừng Sác, người dân TP.HCM có biển mà không thể tắm, cuối tuần nào cũng phải rồng rắn xếp hàng về Vũng Tàu, Phan Thiết. Trong khi đó, người dân tại "mỏ vàng" vẫn cặm cụi làm nông đơn thuần, mức thu nhập thuộc hàng thấp nhất TP.
Đáng nói là trong suốt ngần ấy năm, với những quyết tâm chính trị khai phá "mỏ vàng" Cần Giờ của nhiều đời lãnh đạo, nút thắt lớn nhất là bài toán giao thông mà cụ thể là cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh vẫn rập rình mãi chưa thể "chốt sổ". Danh sách các dự án cấp bách của TP.HCM từ 2015 đến nay không năm nào vắng bóng cầu Cần Giờ, thế nhưng sau khi siêu đô thị lấn biển đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thì cây cầu mang tính chất quyết định vẫn loay hoay không thấy đường ra. Mới đây nhất, TP.HCM thông tin "nếu thuận lợi" thì phải đến 2024 cây cầu này mới được khởi công, hoàn thành sau 4 năm. Vậy là, nếu dự án siêu cảng trung chuyển tỉ USD mà TP.HCM đang đặt rất nhiều kỳ vọng có thể về đích đúng hẹn năm 2027 thì cảng xây xong vẫn phải chờ thêm 1 năm mới có cầu.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu tiếc nuối: "Với tất cả tài nguyên hiện có, Cần Giờ đáng ra đã phải bứt lên phát triển mạnh mẽ từ lâu rồi, không phải cứ làng nhàng, phát triển chậm chạp, lãng phí bao nhiêu tiềm năng như thời gian qua". Theo ông Châu, trước đây lãnh đạo TP chủ trương coi nông nghiệp là hướng phát triển chủ đạo trong khi Cần Giờ nắm trong tay mọi yếu tố then chốt để định hướng du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế chủ lực. Sau khi chủ trương, tầm nhìn được thay đổi, nhận được sự đồng thuận lớn của người dân địa phương về định hướng phát triển lấy du lịch làm gốc thì việc quy hoạch, triển khai các dự án hạ tầng vẫn loay hoay với tầm nhìn chỉ gói gọn ở một huyện, một TP. Đến nay, dự án siêu cảng trung chuyển tiếp tục được quyết liệt triển khai nhưng vẫn chưa đánh giá được hết bức tranh tổng thể giao thông cần kết nối.
Ông Lê Hoàng Châu phân tích: TP muốn làm siêu đô thị lấn biển, siêu cảng trung chuyển nhưng đâu thể chỉ dựa vào một cầu Cần Giờ. Đó chỉ là điều kiện cần để mở đường từ trung tâm TP sang Cần Giờ. Hiện nay hạ tầng giao thông bên đó gần như không có, đường Rừng Sác thì không được phép mở rộng. Doanh nghiệp đề xuất dự án đô thị du lịch đã kiến nghị làm đường trên cao ngay trên đường Rừng Sác để không ảnh hưởng tới khu sinh quyển, nhưng vẫn chưa được đưa vào quy hoạch. Đường trên cao có thể kết nối trực tiếp vào cao tốc Bến Lức - Long Thành, hiện không có nhánh rẽ xuống Cần Giờ. Mạng lưới đường bộ còn cần thêm kết nối với đường ven biển của Vũng Tàu bằng một cây cầu vượt biển. Bên cạnh đó, cần phải đồng bộ cả đường bộ và đường sắt vì phải phục vụ cho cảng trung chuyển. Trong đó, đường sắt chở hàng sẽ nối từ cảng Sóng Thần đi Cát Lái, một nhánh rẽ trái qua sông Đồng Nai tới Cái Mép - Thị Vải; một nhánh rẽ phải qua khu công nghiệp Hiệp Phước, nối với cảng Tân Tập của Long An. Tuyến này chỉ cần quy hoạch bổ sung khoảng 10 km vào tuyến đường sắt từ Cát Lái tới Biên Hòa.
"Tóm lại, muốn đầu tư các siêu dự án thì phải có tầm nhìn quy hoạch lớn, mang tính kết nối liên vùng, dài hạn, không phải chờ có tiền mới tính đến quy hoạch. Nếu không sớm đưa vào quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối bổ sung thì nguy cơ các dự án sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ chết chìm trên giấy như thời gian qua", ông Lê Hoàng Châu cảnh báo.
Đừng để "giấc mơ con đè nát cuộc đời con"
Đây là điều mà GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, thường nhấn mạnh mỗi lần nói đến câu chuyện phát triển Cần Giờ. Ông Đặng Hùng Võ nhận định từ xa xưa Sài Gòn đã được biết đến là "hòn ngọc Viễn Đông" nhờ vị trí địa kinh tế thuận lợi, trên tuyến hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giao thông đường biển vẫn là chủ yếu. Sau thời gian bị Singapore vượt lên, TP.HCM đang đứng trước cơ hội giành lại lợi thế địa kinh tế của mình. Tuyến hàng hải, hàng không Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương ngày nay càng có ý nghĩa địa kinh tế, địa chính trị lớn hơn. Lợi thế cạnh tranh của TP.HCM và Singapore giờ chỉ còn phụ thuộc vào sức mạnh đô thị mỗi nơi, trong đó có sức hút về du lịch, hiệu quả của dịch vụ logistics và tính hiện đại của cuộc sống đô thị. Hiện nay, nếu xét về mật độ kinh tế, TP.HCM vẫn còn thua Singapore khá xa, do đó, để vượt lên, TP cần phát triển kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa có chất lượng.
Huyện đảo Cần Giờ đang ở giai đoạn cực kỳ thuận lợi để phát triển. Mới đây, TP.HCM đã đề xuất được áp dụng cơ chế đặc thù, khôi phục áp dụng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước đối với các dự án hạ tầng, giao thông. Nếu được thông qua, đây sẽ là kênh huy động vốn rất tốt, mở đường cho các dự án giao thông trọng điểm như cầu Cần Giờ, đường trên cao, đường sắt kết nối Cần Giờ. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, TP.HCM cần sự quyết liệt từ các cấp, có những quyết sách mang tính đột phá. Tiềm năng của Cần Giờ không thể lãng phí thêm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Nhìn vào bức tranh đô thị hóa vùng TP.HCM, GS Võ đánh giá tỷ lệ đô thị hóa khá cao chạy từ phần đô thị của TP.HCM theo hướng bên phải sang Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa tới Vũng Tàu. Theo hướng bên trái đã hình thành chuỗi đô thị từ TP.HCM qua Tân An, Mỹ Tho tới Gò Công. Trong tương lai không xa, chuỗi đô thị hình vành khăn từ Gò Công vòng qua TP.HCM tới Vũng Tàu sẽ hình thành ôm lấy khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hướng ra biển mở trong một vịnh kín gắn với cửa các sông Soài Rạp, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Thị Vải. Trong địa thế như vậy, khu đô thị Cần Giờ sẽ là động lực cho vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ của Nam bộ nói chung và TP.HCM nói riêng. Quy hoạch chung của vùng TP.HCM, cũng như quy hoạch chung TP.HCM cần được điều chỉnh dựa vào các yếu tố địa kinh tế nói trên. Từ đó phải làm nổi bật được điểm khác biệt, thu hút được sự chú tâm của thế giới.
"Một khu đô thị Cần Giờ lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế theo cấp số nhân so với độ tăng diện tích theo cấp số cộng. Không cần quá lo lắng các dự án mới sẽ phá vỡ quy hoạch đã được duyệt bởi quy hoạch luôn phụ thuộc vào khả năng tài chính và mục tiêu phát triển thực tế. Khi có khả năng lớn hơn thì điều chỉnh quy hoạch cũng là việc bình thường và tích cực. Đừng để "giấc mơ con đè nát cuộc đời con", ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Bình luận (0)