Chuyển từ mù tịt sang biết lý do bị ghét bắt đầu bằng việc thay vì đổ lỗi, xấu hổ hoặc tấn công người khác thì cần can đảm nhìn lại bản thân, với tâm thế chuẩn bị rằng nguyên nhân có thể nằm ở chính ta.
Dưới đây là 3 lý do có thể ta đã tự gạt bỏ tình cảm đẹp mà mọi người dành cho ta, theo chia sẻ trên PC của tiến sĩ John Amodeo - nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại San Francisco (Mỹ) trong hơn 40 năm.
1. Ta quan tâm đến mọi người chứ?
Muốn được quan tâm và yêu quý là khao khát tự nhiên. Nhưng ta quan tâm đến hạnh phúc của người khác ở mức độ nào? Nếu ta giỏi nhận - luôn tìm những gì có được mà không cần quá tốn sức tìm hiểu người khác có thể cần gì - thì ta đã có câu trả lời sao họ ngại để ta vào danh sách bạn bè rồi.
Ta có thường để ý đến người khác không? Ta có biết họ đang ra sao, sống như thế nào, họ cần gì để cảm thấy an toàn và hạnh phúc không? Hay ta thích nói về bản thân và xem họ “có lợi” với ta như thế nào hơn?
Mọi người không phải là phần mở rộng của ta, họ tồn tại riêng biệt với ta. Những gì họ cảm thấy và mong muốn có thể hoàn toàn khác với những gì ta cảm thấy và mong muốn, theo PC.
2. Ta đồng cảm với người khác như thế nào?
Ta luôn có quyền lựa chọn: hoặc điều chỉnh để đón chào những tốt đẹp đến từ sự kết nối chân thành, cân bằng giữa cho và nhận hoặc giữ nguyên "phiên bản cũ" của bản thân
|
Khi nghe về nỗi đau của họ, ta có coi đó là vấn đề của họ và không cần bận tâm không? Ta có nghĩ rằng họ thật thiếu sót, yếu đuối khi đối phó với khó khăn như thế không? Ta có nhận ra khi nào ai đó đang tổn thương, sợ hãi hoặc đau buồn không? Ta có quen với những cảm giác đó trong chính mình không hay cố gắng tạo dựng cuộc sống mà trong đó, nỗi buồn không chạm được đến ta? Ta có xem cảm xúc khó chịu là kẻ thù - mối đe dọa đối với hình ảnh ta muốn thể hiện không?
Cách ta đối phó với cảm xúc của chính mình quyết định cách ta phản ứng với cảm xúc của người khác. Nếu ta coi cảm xúc là điều phiền toái, ta sẽ quay lưng lại với chúng - cả trong bản thân và khi người khác thể hiện chúng. Rất khó để người khác thích ta nếu ta không ghi nhận cảm xúc của họ và đáp lại bằng lòng trắc ẩn.
Con người lớn lên với sự chia sẻ công bằng về mất mát, thất bại và nghịch cảnh. Cố gắng nhạy cảm hơn với những vật lộn của người khác đòi hỏi ta phải chấp nhận cảm giác khó chịu bằng sự tử tế, thân thiện và chấp nhận. Điều đó khiến ta nhân văn hơn, tử tế hơn và do đó, thu hút người khác hơn, theo PC.
3. Kiểm tra lại mức độ kiêu căng
Ta có cho phép mọi người phản hồi suy nghĩ, quan điểm và ý kiến của ta hay hành động thô bạo lấn át họ? Ta có thể nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ hay nhanh chóng loại bỏ những gì không hài hòa với niềm tin của ta? Ta có tin rằng ta luôn đúng? Ta có đủ mạnh mẽ để thừa nhận rằng đôi khi ta sai và cho phép bản thân tiếp thu ý kiến của người khác không?
Sự tự cao, kiêu căng là điều khiến ta bị cô lập. Ngược lại, nhận ra mình sai được coi là sáng suốt và sự khiêm tốn là điểm hấp dẫn.
Mọi người đều muốn quan điểm, cảm xúc, nhu cầu và con người của họ được xem trọng. Hãy giữ cân bằng giữa cho và nhận. Lắng nghe cẩn thận và phản ánh lại một cách chân thành; coi trọng trải nghiệm của họ; nhận thức ta là người bình thường chứ không đặc biệt hoặc tốt hơn những người khác.
Con đường để được người khác quý mến không hề bị che đậy hay bí ẩn. Những bậc tiền bối đã dạy ta yêu thương nhau, các nhà lãnh đạo tinh thần chân chính được yêu mến bởi vì họ yêu quý ta, họ tốt bụng, quan tâm và đồng cảm. Cứ học theo họ thôi, theo PC.
Bình luận (0)