Vì sao ta không dừng được việc gửi tin nhắn cho 'người ấy'?

25/08/2020 09:10 GMT+7

Những tin nhắn chân thành gửi đi, nhận lại là sự im lặng hay thỉnh thoảng chỉ có vài chữ lấy lệ. Ấy thế mà chúng ta vẫn không dừng được việc chủ động liên hệ với người ấy là cớ vì sao?

Tin nhắn thưa thớt đem lại cảm giác được “thưởng” nhiều hơn

Khi nhận thông báo trên điện thoại, não tiết ra hoóc môn dopamine, vì vậy, ta muốn lặp lại kết quả tích cực đó là tự nhiên. Điều này đúng cả trong trường hợp ba thì mười họa, ta mới nhận được tin nhắn hồi đáp.
Thạc sĩ Shula Melamed, chuyên gia về mối quan hệ và hạnh phúc làm việc tại Mỹ, chia sẻ với Vice rằng niềm vui khi nhận được phản hồi ít và thưa thớt từ người ta thích có thể tạo ra một vòng phản hồi tích cực và bán cộng dồn.
Cụ thể, ta sẽ cảm thấy được tưởng thưởng nhiều hơn trường hợp nhận tin liên tục. Nó cho phép ta tin tưởng một cách sai lệch rằng bản thân đang trong mối quan hệ thật sự.

Tin nhắn khó giải mã và cho phép bạn đưa ra kết luận của riêng mình

Hồi đáp tin nhắn chậm hoặc bằng những câu từ trống rỗng vẫn không được coi là sự “xua đuổi” hoàn toàn, nhất là khi ta không đọc được các tín hiệu không lời và ngôn ngữ cơ thể khác.
Chuyên gia Shula Melamed nói: “Phản hồi càng mơ hồ, càng khó coi đó là lời từ chối”. Không có sự từ chối rõ ràng, ta nuôi hy vọng mọi thứ sẽ suôn sẻ. Tin nhắn chưa được trả lời cho phép ta tự bào chữa cho người kia. Ví dụ: “Họ không nhắn tin lại thì chắc hẳn họ đang rất bận rộn”, theo Vice.

Trong mối quan hệ không hạnh phúc, một phần do tránh đối mặt vì sợ bị từ chối

Ảnh minh họa: DAD

Ta chưa kết nối với cảm xúc của bản thân

Khi cảm thấy bị cô lập, cô đơn hoặc buồn chán, chúng ta có xu hướng nhắn tin với hy vọng đối tác gửi phản hồi kịp thời, tận tình để cải thiện tâm trạng.
Leora Trub, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Pace (Mỹ), nói trên Vice: “Trạng thái của chúng ta càng mất kiểm soát, chúng ta càng có xu hướng làm những việc ta cho là đem lại phần thưởng cao trong thời khắc này nhưng cuối cùng lại khiến ta bị tổn thương”.
Vì vậy, nên chuẩn bị trước một danh sách những điều có thể làm khi muốn liên hệ với người chẳng có tí nhiệt tình nào khi trò chuyện với ta: đi dạo, viết nhật ký, hoặc thậm chí nhắn tin cho chính mình những điều muốn gửi cho người kia.

Ta không muốn ở một mình

Phó giáo sư Leora Trub nói: “Đối với một số người, không có kết nối, cô lập và cô đơn là trạng thái không thể chịu đựng được. Trong những khoảnh khắc này, việc chọn nhầm người để được an ủi là điều thường thấy”. Thay vì liên hệ với người gần đây thường không phản hồi tin nhắn, hãy tìm kiếm đối tượng đáng tin cậy mà ta biết họ sẽ trả lời kịp thời và hỗ trợ ta.
Ngoài ra, việc chúng ta hay cho trí tưởng tượng đi xa quá (mới nhắn tin đã nghĩ đến sau này hẹn hò ra sao, đi chơi ở đâu, con tên gì... chẳng hạn) sẽ tạo ra những trường hợp “vỡ mộng”. Việc nghĩ đến tương lai xa đôi khi khiến ta bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo cần dừng lại ở hiện tại.
Như hiệu ứng IKEA (mọi người gán giá trị cao cho những thứ họ đã bỏ công sức để tạo ra), những người yêu đơn phương cảm thấy tự hào về “mối quan hệ” mà họ đã xây dựng. Tuy nhiên, không nên lạc quan như vậy, thay vào đó, hãy xem xét bằng chứng thật là người ấy không nhắn tin lại, không hứng thú liên hệ với ta, theo Vice.

Vấn đề giá trị bản thân

Nghiên cứu cho thấy những người có lòng tự trọng thấp có xu hướng ở trong mối quan hệ không hạnh phúc, một phần do tránh đối mặt vì sợ bị từ chối.
Điều này cũng đúng trong việc duy trì nhắn tin một chiều. Con đường xây dựng giá trị bản thân cao hơn là một quá trình, nhưng khi bạn nhận ra mình xứng đáng với những điều tốt đẹp, bạn sẽ sẵn sàng tìm người khác thay vì ngồi chờ tin nhắn của ai đó không quan tâm mình, theo Vice.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.