Vì sao tài sản thu hồi án tham nhũng thuộc Ban chỉ đạo Trung ương cao?

14/03/2024 17:07 GMT+7

Các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, có tỷ lệ thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát rất cao.

Theo báo cáo của TAND tối cao tại hội thảo về "Thực trạng xét xử các vụ án tham nhũng tại Việt Nam", Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực được thành lập (2012-2022) đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án hình sự. Đây là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Các vụ tiêu biểu thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo từ năm 2022 - 2023: vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Công ty AIC) và các đồng phạm xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai; vụ án liên quan đến chuyến bay giải cứu, xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao…

Điểm nổi bật của các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo có thiệt hại về tài sản rất lớn và tỉ lệ thu hồi tài sản của nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt cũng rất cao, các cơ quan tố tụng đã kịp kê biên tài sản. Điển hình như vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm, tòa đã tuyên tịch thu gần 2.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm đã thu trên 1.500 tỉ đồng.

Vì sao tài sản thu hồi án tham nhũng thuộc Ban chỉ đạo Trung ương cao?- Ảnh 1.

Theo báo cáo, vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, tòa đã tuyên tịch thu gần 2.000 tỉ đồng

NGÂN NGA

Các tòa án đã đưa ra xét xử 120 vụ án với hơn 1.000 bị cáo. Cụ thể, đã tuyên phạt 11 án tử hình đối với 10 bị cáo; 26 án phạt tù chung thân đối với 25 bị cáo, 30 năm tù (tổng hợp hình phạt) đối với 13 bị cáo, từ 20 năm tù đến dưới 30 năm tù đối với 28 bị cáo…

Trong số những bị cáo bị đưa ra xét xử giai đoạn 2012 - 2022, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước diện Trung ương quản lý. Theo đó, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 6 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, họ là người có vai trò chính, chủ mưu, cầm đầu, hoặc thực hiện tội phạm tích cực.

Theo TS Trịnh Thăng Quyết, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ban Nội chính Trung ương, việc xét xử nghiêm minh đối với nhóm tội tham nhũng với nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" sẽ là biện pháp mạnh để cảnh tỉnh, răn đe cán bộ, đảng viên không dám tham nhũng, tiêu cực.

Vì sao tài sản thu hồi án tham nhũng thuộc Ban chỉ đạo Trung ương cao?- Ảnh 2.

TS Trịnh Thăng Quyết, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ban Nội chính Trung ương

NGÂN NGA

Tham nhũng được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn; chức vụ người phạm tội tham nhũng càng cao, thì khi họ thực hiện hành vi tội phạm hậu quả càng nghiêm trọng. Chủ thể tội tham nhũng là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ am hiểu pháp luật, thường có sự cấu kết chặt chẽ giữ doanh nghiệp và cán bộ thái hóa biến chất.

Cạnh đó, quy trình xử lý tội phạm tham nhũng thường phức tạp, kéo dài, bao gồm các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử… Chứng cứ trong các vụ án tham nhũng rất dễ bị hủy bỏ, làm sai lệch, tạo chứng cứ giả; việc kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời.

Các vụ án tham nhũng thường gắn liền với nhiều tội danh kinh tế khác nhau. Thường 1 vụ án có số lượng bị cáo khá đông, số bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lớn, có nhiều người bào chữa tham gia, 1 bị cáo có thể có nhiều người bào chữa. Vì vậy kiến nghị cần có quy định về trình tự thủ tục tố tụng riêng biệt để xử lý nhóm tội phạm tham nhũng.

Cũng theo TS Trịnh Thăng Quyết, hiện nay bộ luật Hình sự còn nhiều bất cập làm cho người dân, doanh nghiệp chưa mạnh dạn tố cáo tham nhũng, tiêu cực.

"Người dân họ làm thủ tục hành chính, nhưng bị cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, yêu cầu hoặc gợi ý phải chung chi đưa tiền thì mới được giải quyết hồ sơ. Qua theo dõi, nhiều địa phương xử lý người dân về tội đưa hối lộ trong trường hợp này là chưa phù hợp. Do đó chúng ta cũng cần xem xét lại quy định pháp luật đối với hành vi đưa hối lộ", TS Quyết chia sẻ.

TS Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM chia sẻ thêm, đa số các vụ án tham nhũng đều có số lượng bị cáo và những người tham gia tố tụng rất lớn như vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Quy định của bộ luật tố tụng Hình sự về thủ tục tống đạt văn bản tố tụng, tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử có nhiều khó khăn.

Hầu hết các vụ án, tòa án đều tống đạt qua đường bưu điện và hạn chế thực hiện thủ tục tống đạt khác như tống đạt trực tiếp, niêm yết văn bản tố tụng… Điều này dẫn đến khi những người tham gia tố tụng trong vụ án thay đổi địa chỉ nơi cư trú, nhưng chưa được cập nhật vào hồ sơ vụ án, họ không nhận được văn bản triệu tập của tòa, nên thường vắng mặt tại phiên tòa.

Vì sao tài sản thu hồi án tham nhũng thuộc Ban chỉ đạo Trung ương cao?- Ảnh 3.

TS Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM

NGÂN NGA

Cạnh đó, cũng theo Phó chánh án Phùng Văn Hải,, các vụ án về tội phạm tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp phần lớn đều do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an thực hiện điều tra. Viện KSND tối cao thực hiện kiểm sát việc điều tra, truy tố, sau đó sẽ ủy quyền cho Viện KSND cấp tỉnh thực hành quyền công tố.

Đặc thù của các vụ án này là hết sức phức tạp, lượng hồ sơ cần nghiên cứu tương đối lớn, trong khi thời hạn chuẩn bị xét xử lại ngắn. Vì thế khi hồ sơ vụ án được chuyển sang tòa án, trong quá trình nghiên cứu khi gặp những vướng mắc cần trao đổi thì, Viện kiểm sát cùng cấp lại không thể trực tiếp giải quyết được, mà phải đợi ý kiến của cấp Viện kiểm sát cấp trên (cơ quan ban hành cáo trạng).

"Tôi thấy điều này cũng ảnh hưởng đến công tác phối hợp trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, hiện nay Viện KSND tối cao đã có cơ chế biệt phái Kiểm sát viên của Viện KSND tối cao thực hành quyền công tố phiên tòa tại các địa phương. Như vậy, giúp bảo đảm được việc phối hợp giải quyết vụ án và đảm bảo việc tranh tụng, đối đáp với luật sư tại phiên tòa", TS Hải chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.