Vì sao tạm dừng việc đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng?

01/11/2024 17:34 GMT+7

UBND tỉnh Tây Ninh nghiêm cấm việc đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng trong vòng 1 tháng nhằm bảo vệ nguồn cá giống mới thả.

Ngày 1.11, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết vừa ban hành quy định về việc cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng trong vòng 30 ngày (từ ngày 7.11 đến hết ngày 7.12).

Theo đó, nhằm bảo vệ nguồn cá giống vừa mới được thả (do Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh thực hiện vào ngày 8 và 9.11) có thời gian phát triển và để việc thả cá giống đạt hiệu quả hơn, UBND tỉnh Tây Ninh nghiêm cấm người dân khai thác thủy sản và các hoạt động mua bán, tiêu thụ thủy sản có nguồn gốc tại hồ Dầu Tiếng trong vòng 30 ngày.

Vì sao tạm dừng việc đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng?- Ảnh 1.

Hồ Dầu Tiếng đoạn thuộc H.Dương Minh Châu (Tây Ninh)

ẢNH: HOÀNG GIÁP

Tỉnh giao H.Dương Minh Châu và H.Tân Châu kiểm tra, rà soát số lượng phương tiện đang tham gia khai thác thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, vận động người dân ký cam kết không khai thác thủy sản trong thời gian nói trên.

Để tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường nước, tăng thu nhập cho người dân khai thác thủy sản, hằng năm, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh thả bổ sung khoảng 500.000 đến 1 triệu con cá giống các loại (trắm cỏ, chép, lăng nha, cá tra, sặc rằn...).

Hồ Dầu Tiếng rộng hơn 27 km2, dung tích 1,58 tỉ m3 nước, là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, trải dài qua địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình DươngBình Phước. Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, hồ Dầu Tiếng còn là thủy vực quan trọng trong khai thác thủy sản, tạo công ăn việc làm, ổn định sinh kế cho hơn 4.000 hộ dân sinh sống ven hồ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.