Tác giả bài viết là Vivienne Chow, một nhà báo, nhà phê bình văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng tại Hồng Kông. Người này cho rằng thời trai trẻ thác loạn, hàng loạt việc làm sai trái với con cái và những quan điểm chính trị thân Trung Quốc đã khiến những lời thú tội trong cuốn tự truyện bản tiếng Anh có tên Never Grow Up không còn được khán giả quê nhà tán dương hay thông cảm như trước.
Trong cuốn hồi ký Thành Long: Chưa lớn đã già (2015), tài tử sinh năm 1954 đã nhận được sự khen ngợi khi đưa ra nhiều lời thú nhận trung thực. Đó là những mẩu chuyện về tuổi thơ bất hạnh, từng bị loại khỏi giáo dục chính quy khi còn trẻ rồi được gửi đến Học viện Hý kịch Trung Quốc, một trường nội trú nơi nam diễn viên phải đối mặt với các kỷ luật nghiêm khắc và trừng phạt thể chất.
Tháng 11.2018, phiên bản tiếng Anh của cuốn sách với tựa đề Never Grow Up tiếp tục được trình làng và có bổ sung thêm nhiều thông tin đáng chú ý. Nổi bật trong đó là việc nghệ sĩ 64 tuổi từng sống những ngày tháng tuổi trẻ ăn chơi trác táng, từng lái xe trong tình trạng say xỉn gây tai nạn, nghiện bài bạc và quan hệ với rất nhiều gái mại dâm. Cũng trong tác phẩm này, Thành Long thừa nhận bản thân là một người chồng, người cha tệ hại khi không chăm lo cho vợ con, thường xuyên nghi ngờ bạn đời và nhiều lần ngược đãi con trai Phùng Tổ Doanh.
|
Những công khai mới nhất của sao phim Vua kungfu nhanh chóng vấp phải những ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người lên án ông là một ngôi sao thác loạn, không chăm lo cho con cái nhất là con riêng tên Ngô Trác Lâm. “Đồng ý là nam diễn viên có một tuổi thơ đau khổ nhưng tại sao ông ấy lại không thừa nhận con gái để chính đứa trẻ ấy phải chịu cảnh ruồng bỏ và cô đơn mà chính cha nó đã trải qua?”, tác giả bài viết đặt ra câu hỏi.
Bên cạnh đó, Vivienne Chow cho rằng Thành Long đã dám nhắc lại sai lầm vào năm 1999 khi ông dan díu với Ngô Ỷ Lợi nhưng lại không có đủ dũng khí để đưa câu chuyện về nhân tình và con gái riêng vào trong cuốn tự truyện. “Với tư cách là một người cha, Thành Long đã khiến Trác Lâm phải chịu đựng những tổn thương không đáng có”, nhà báo này viết. Từ một diễn viên có công đưa Hồng Kông trở thành một thương hiệu điện ảnh lừng danh thế giới, những góc tối trong đời tư của ngôi sao võ thuật khiến hình tượng của nghệ sĩ quyền lực này trong mắt công chúng quê nhà dần chuyển sang hướng tiêu cực.
Đặc biệt hơn cả, điều thực sự khiến nhiều người Hồng Kông tức giận với Thành Long chính là cách diễn viên kỳ cựu này làm hài lòng Bắc Kinh với những tuyên bố chống lại các giá trị cốt lõi của quê hương Hồng Kông. “Việc nam diễn viên thay đổi lập trường chính trị và không đứng lên vì lợi ích của quê nhà đã khiến ông trở thành một kẻ đạo đức giả trong mắt nhiều người Hồng Kông”, Vivienne Chow bày tỏ.
|
Năm 1989, Thành Long tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên ở Bắc Kinh nhằm ủng hộ phong trào dân chủ. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, quan điểm đề cao dân chủ của nam diễn viên đình đám này đã thay đổi. Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2009, tài tử đã có phát biểu khiến hàng triệu người Hồng Kông phẫn nộ: “Với quá nhiều tự do, chúng ta trở nên giống như Hồng Kông và Đài Loan, một mớ hỗn độn lớn. Tôi bắt đầu nghĩ rằng người Trung Quốc cần phải được kiểm soát”.
Năm 2013 sao phim Túy Quyền được bổ nhiệm làm thành viên của một cơ quan tư vấn chính trị Trung Quốc. Lập trường đề cao chính quyền Bắc Kinh của tài tử sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông cũng đã làm cho nhà làm phim này đem về gần nửa tỉ USD với hàng loạt tác phẩm ăn khách ở Đại lục: Biệt đội mãnh hổ (2016), Kungfu Yoga và Kẻ ngoại tộc (2017).
“Tài năng đi đôi với trách nhiệm. Danh tiếng và sự giàu có của Thành Long chắc chắn đã cho nghệ sĩ này khả năng tạo ra sự khác biệt, nhưng hành động của ông ta rất mâu thuẫn với các giá trị cốt lõi của Hồng Kông. Có lẽ chúng ta đã mong đợi quá nhiều về Thành Long, người mà có lẽ vẫn giống như tiêu đề cuốn sách của anh ta: chưa lớn đã già”, nhà bình luận văn hóa này phát biểu.
Bình luận (0)