Vì sao thi hành án tử hình kéo dài nhiều năm?

18/07/2021 12:12 GMT+7

Sau khi án tử hình có hiệu lực pháp luật, người có thẩm quyền sẽ xem xét có hay không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án. Đồng thời, người bị kết án có quyền nộp đơn xin ân giảm.

Câu hỏi được nhiều bạn đọc đặt ra sau vụ việc tử tù Nguyễn Kim An, bị kết án tử hình từ năm 2015, nhưng vẫn chưa thi hành án, rồi bị án trốn khỏi nơi giam giữ khiến lực lượng chức năng vất vả truy tìm.
Từ ngày 14.7, Công an TP.HCM đã huy động lực lượng để truy bắt tử tù Nguyễn Kim An trốn khỏi nơi giam giữ là Trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM). Qua đó, rạng sáng 16.7, tử tù này đã bị bắt trở lại và đưa về nơi giam giữ để xử lý theo quy định. Sau khi Thanh Niên thông tin, nhiều bạn đọc thắc mắc về thủ tục thi hành án tử hình đang có vướng mắc gì, mà có những trường hợp, như trường hợp bị án này bị kết án tử hình (án có hiệu lực pháp luật) từ năm 2015 nhưng đến nay chưa thi hành án.

12 giờ truy bắt Nguyễn Kim An - tử tù mắc Covid-19 vượt ngục

Sau khi có bản án, còn nhiều khâu phải xem xét

Từ tình huống này, nhiều chuyên gia đã đưa ra các quy định pháp luật đối với việc thi hành án tử hình một bị án “không phải là chuyện đơn giản”.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, thi hành án tử hình là hoạt động quan trọng, tước đi quyền sống - quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người được ghi nhận trong Hiến pháp. Vì vậy, thủ tục xem xét trước khi thi hành án tử hình rất quan trọng.
Theo đó, luật sư Nghiêm nêu điều 367, bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2017 quy định sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án TAND tối cao; bản án phải gửi ngay cho Viện trưởng Viện KSND tối cao. Trong thời hạn 2 tháng, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao phải có quyết định kháng nghị, hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm, hoặc tái thẩm đối với bản án tử hình. Đồng thời, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
“Bản án tử hình sẽ được thi hành án nếu bản án có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Ngoài ra, khi có căn cứ quy định tại khoản 3, điều 40, bộ luật Hình sự (BLHS), tức người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì Chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình, và báo cáo Chánh án TAND tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án”, luật sư Nghiêm cho hay.

Nguyễn Kim An đi lang thang sau khi trốn trại được camera ghi lại.

Công an cung cấp

Luật sư Nghiêm cũng nhìn nhận rằng, mặc dù quy định như trên nhưng thực tế có rất nhiều bản án tử hình không thể thi hành án ngay. Bởi, có thể sau khi người có thẩm quyền không kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, thì bị án hoặc nhiều người liên quan vẫn không đồng tình và tiếp tục khiếu nại đối với bản án tử hình lên các cấp cao hơn để đề nghị xem xét. Vì vậy, bản án tử hình có thể sẽ phải được xem xét lại ở nhiều góc độ khác, để bảo đảm quyền con người.
Ngoài ra, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, việc thi hành án tử hình sẽ được hoãn thi hành án nếu “người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, điều 40, BLHS năm 2015; có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; ngay trước khi thi hành án, người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm”.
“Hoãn thi hành án khi có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan được thể hiện chi tiết tại điều 9 Thông tư liên tịch 02/2020 quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Thứ nhất, đó là trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác không thể thực hiện được việc thi hành án tử hình, hoặc trên đường áp giải người bị thi hành án tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện. Thứ hai, trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không xác định được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng hoặc các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành án tử hình không đáp ứng được”, luật sư Tuấn phân tích thêm.

Cần quy định thời hạn xét đơn ân giảm

Theo một Phó phòng của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an), Nghị định 47/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc nêu, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm 3 loại: thuốc làm mất trí giác; thuốc làm liệt hệ vận động; thuốc làm ngừng hoạt động của tim. “Một liều gồm 3 loại thuốc này sẽ được dùng cho một người”, cán bộ này nhấn mạnh và cho hay do một bị án phải tiêm 3 loại thuốc nên cũng phát sinh nhiều tốn kém, vì vậy việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc cũng gặp khó khăn, đồng thời, để thi hành án tử hình cần phải qua nhiều khâu, dẫn đến kéo dài thi hành án từ 6 - 7 năm, 10 năm, hoặc hơn.
Vị lãnh đạo này chia sẻ thêm, hiện nay luật không quy định thời hạn xét đơn ân giảm của Chủ tịch nước trong trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm...
Theo một cán bộ quản lý trại giam, thực tế cho thấy nếu thời gian giam giữ người bị kết án tử hình kéo dài sẽ gây áp lực cho đơn vị quản lý, trại tạm giam và cả tâm lý với phạm nhân. Hiện nay, không ít phạm nhân đã viết đơn xin được thi hành án tử hình sớm vì họ dằn vặt với những gì đã gây ra.
Quá trình tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 (2016 - 2021), Viện trưởng Viện KSND tối cao thông tin, về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Viện KSND tối cao đã kiểm sát 2.339 người bị kết án tử hình, trong đó đã thi hành 429 bị án, có 266 người giảm án, đang tạm giam 1.644 bị án.
Đối với 266 người được giảm án, trong đó: hủy án sơ thẩm đối với 52 bị án; xét xử phúc thẩm giảm hình phạt xuống chung thân đối với 68 bị án; được ân giảm 117 bị án; chết 29 bị án.
Đối với 1.644 bị án bị tuyên tử hình, có 672 người bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; 951 người đã xét xử phúc thẩm; 21 bị án đủ điều kiện thi hành án.
Thái Sơn
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.