Làn sóng sang nhượng mặt bằng chưa dứt
Những ngày nghỉ tết, Ngọc Linh, cô chủ trẻ tuổi quản lý một quán cà phê tại P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM), vẫn tranh thủ rao… sang nhượng lại quán. "Em muốn dành thời gian đi học nên muốn sang lại quán cà phê đã đầu tư hơn 300 triệu đồng, nhưng rao mãi từ trước tết đến nay vẫn chưa có ai có ý định giao dịch. Vị trí quán nằm ngay vòng xoay cầu Bình Triệu, trước đây khá đông đúc, em tranh thủ lắm mới thuê được, nhưng không ngờ bây giờ sang nhượng lại khó như vậy, người ta chỉ hỏi chứ rất ít người đến xem thực tế", Linh cho hay. Cô rao giá sang nhượng từ 270 triệu trước tết, bây giờ giảm còn 220 triệu đồng nhưng vẫn chưa có người chốt và mỗi tháng Linh vẫn đang phải trả tiền thuê mặt bằng 12 triệu đồng.
Tương tự, N.N.H, chủ quán cà phê kiêm chủ phòng trọ tại P.15, Q.Tân Bình, cũng miệt mài rao sang nhượng khu căn hộ hơn 1 tháng nay. H. bộc bạch: "Căn nhà này mình thuê 18 triệu đồng/tháng để kinh doanh phòng trọ, có mặt bằng để bán cà phê và giữ xe cho các công ty lân cận. Ở thời điểm kinh tế ổn định, trên lầu mình cho thuê trọ lại 4 phòng với thu nhập khoảng 11 - 12 triệu đồng/tháng, kinh doanh cà phê và giữ xe khách cũng đủ chi phí và có lợi nhuận khá. Năm nay thấy tình hình có vẻ khó khăn, mình rao sang nhượng lại với chi phí 70 triệu, bao gồm tất cả đồ dùng ở quán cà phê và đồ dùng của quán cơm luôn, so với chi phí hàng trăm triệu đồng lúc ban đầu của mình thì giá sang nhượng rất rẻ, hợp đồng thuê nhà còn tới cuối năm 2025, nhưng đến nay vẫn chưa sang nhượng được".
Trên các website chuyên giao dịch, sang nhượng shop, cửa hàng, tình trạng rao bán, sang nhượng nhà hàng đã đầu tư hoàn chỉnh nhiều vô số kể. Có những quán mới chỉ đầu tư chưa được một năm, thiết kế hết sức tâm huyết cũng vội vàng rao sang nhượng lại và chấp nhận lỗ. N.V.P, chủ một nhà hàng trên đường Kênh Tân Hóa, Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết: "Tôi mới đầu tư hơn 1 tỉ đồng cho quán beer club sân vườn, diện tích sử dụng hơn 500 m2, sức chứa hơn 300 khách, nhưng bây giờ phải rao sang nhượng lại vì vắng khách. Tình hình kinh tế khó khăn, cùng quy định về nồng độ cồn khiến cho việc kinh doanh nhà hàng rủi ro hơn. Tôi sang lại toàn bộ 850 triệu đồng, lỗ khá nhiều so với giá đầu tư nhưng phải chấp nhận".
Người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng
Con đường Huyền Trân Công Chúa ở Q.1 vốn là địa điểm mua sắm các thiết bị dụng cụ thể thao khá lâu năm tại TP.HCM, nhưng thời gian gần đây hàng loạt cửa hàng đều ngừng kinh doanh, chỉ còn lại một vài shop cố bám trụ. Chị Hoa, chủ một cửa hàng thể thao trên đường này, chia sẻ: "Khách mua sắm dạo này đi đâu mất hết, sức mua giảm sút nghiêm trọng, ế lắm. Ở khu này chỉ còn vài ba shop còn hoạt động, nhưng tìm khách cũng rất khó khăn".
Anh T.N, nhân viên văn phòng tại Q.3, chia sẻ: "Tôi thường xuyên dành khoản chi phí cho tập luyện thể thao, nhưng trước tết công ty của tôi thông báo giảm lương khá nhiều, tôi cũng đành phải cắt giảm chi phí đánh tennis mỗi tháng".
Ngay cả những mặt hàng thiết yếu hằng ngày như thực phẩm, rau quả, tình hình tiêu thụ cũng chưa phục hồi. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tình hình kinh doanh tại các chợ đầu mối từ sau tết đến nay chỉ khởi sắc ở một vài mặt hàng như trái cây để phục vụ cúng bái, những mặt hàng thực phẩm khác như thủy hải sản, rau củ cũng đang giảm giá mạnh do sức mua chưa trở lại như cũ.
Chị Thục Phương, chủ vựa kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn, kể: "Sau Tết Nguyên đán là đến các ngày lễ lớn như vía Thần tài, rằm tháng giêng, nhưng năm nay người mua rất ít. Chẳng hạn như món cá lóc nướng để cúng Thần tài thường bán rất chạy nhưng ngày 10.1 (âm lịch) vừa qua, người nướng cá thì nhiều nhưng khách mua giảm hơn năm trước. Ngày rằm tháng giêng cũng vậy, trái cây rau củ ở chợ rất nhiều nhưng người mua lại khá hờ hững hoặc trả giá rất kỹ, nhiều người ưu tiên chọn các loại hoa quả rẻ tiền chứ ít người chọn mua hàng cao cấp".
Tại các siêu thị, tình hình kinh doanh cũng đã giảm nhiệt so với trước tết. Hầu hết các siêu thị đều đang chạy chương trình giảm giá để kích thích sức mua, nhiều mặt hàng như trái cây nhập khẩu, đồ gia dụng giảm đến 70% nhưng vẫn rất ít người quan tâm. Bà Trương Thái Hòa, ngụ tại P.Thới An, Q.12, chia sẻ: "Tôi đi chợ hằng ngày chỉ mua ít rau hoặc tôm, cá, còn gạo và các loại thực phẩm khác tôi vẫn còn dự trữ khá đầy đủ từ trước tết nên chưa cần mua sắm thêm nhiều". Ngay sau tết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm, thịt heo cũng tiếp tục áp dụng chương trình giảm giá 10%, thấp hơn cả mức giá cam kết của chương trình bình ổn thị trường tết.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết: "Sức mua tăng cao trong những ngày cận tết giúp cho chúng tôi đỡ lo lắng, tuy nhiên, theo thông lệ hằng năm, sau tết sức mua trên thị trường sẽ sụt giảm, chúng tôi tiếp tục áp dụng giảm giá trứng cho đến hết tháng 2 để kích cầu mua sắm".
Ông Nguyễn Ngọc Luận, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, cũng nhận định: "Do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn gần tết năm nay không tăng cao như mọi năm. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên thị trường luôn dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Nhiều tuần trước tết, các nhà phân phối lớn tại các địa phương đều đủ nguồn hàng, thậm chí rất dồi dào. Đến thời điểm sau tết, các hộ dân đều tích trữ đủ lương thực, thực phẩm, thị trường lao động tại TP.HCM cũng chưa khởi sắc, các khu công nghiệp chưa có nhiều đơn hàng nên bếp ăn tập thể cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Các nhà hàng, quán ăn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi suy thoái kinh tế và chính sách kiểm soát nồng độ cồn nên lĩnh vực tiêu dùng cũng chịu tác động lớn. Trong bối cảnh đó, năm 2024, nền kinh tế thế giới được nhận định sẽ chưa thể phục hồi. Cá nhân tôi dự đoán năm 2024, kinh tế thế giới lẫn VN vẫn còn nhiều khó khăn, ngành bán lẻ cũng không nằm ngoài diễn biến chung đó".
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), phân tích: "Tiêu dùng nội địa được kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa, cần thiết phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi. Từ đầu năm 2024 đến nay, quan sát chung trên thị trường có rất nhiều giải pháp từ quản trị nhà nước, quản trị kinh tế, quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ nội địa nói riêng và kinh tế VN nói chung.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy này đang gặp phải những rào cản. Trong đó, rào cản lớn từ công ăn việc làm, thu nhập của người lao động giảm đã tác động trực tiếp đến bức tranh bán lẻ hiện nay. Ngay cả chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, đến trước tết 1 tuần, tăng trưởng mua sắm của thị trường tết không tập trung vào các mặt hàng, sản phẩm tiêu dùng tết mà chủ yếu vào những mặt hàng quà tặng để làm công tác thiện nguyện. Diễn biến này khiến các nhà sản xuất, kinh doanh, bán lẻ lo lắng về khả năng sau tết sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng thừa cục bộ đối với một số nhóm hàng hóa. Vì vậy, mùa kinh doanh tết vừa qua, các doanh nghiệp liên tục theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tăng khuyến mại giảm giá và các chính sách hậu mãi để kích cầu, đẩy hàng ra thị trường nhiều nhất có thể".
Bình luận (0)