Theo phản ánh từ các cơ sở y tế, mới đây, 5 trường hợp tại Cà Mau nhập viện điều trị sau khi cùng ăn cá nóc đã được chế biến.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) những năm qua đều có cảnh báo về nguy cơ ngộ độc từ loại cá này và khuyến cáo người dân cần loại bỏ, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm cho người. Cá nóc gây độc do có chứa Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu. Độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá, từ các tháng 2 - 7 trong năm.
“Độc tố cá nóc không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên, khi đánh bắt, chế biến hoặc cá để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi dùng”, chuyên gia về ngộ độc thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm lưu ý.
Độc tố bền vững
Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ, độc tố mới giảm một nửa; đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút, độc tố mới bị phá huỷ hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường, độc tố chưa bị phá huỷ nên vẫn gây ngộ độc.
Người ăn phải cá nóc có độc tố tetrodotoxin sau 5 phút đến 3 - 4 giờ sẽ xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi và lưỡi tê, khó chịu; tiếp đó thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ửng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu.
Trường hợp nặng còn bị liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm.
Có thể tử vong chỉ từ 1 - 2 mg độc tố
Cục An toàn thực phẩm cho biết, độc tố cá nóc gây độc mạnh, chỉ cần 4 mg thịt cá có độc tố đã giết chết một con thỏ 1 kg. Với người chỉ cần ăn 10 gram thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1 - 2 mg độc tố có thể gây chết người.
Do đó, để phòng nguy cơ ngộ độc, cần loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá, loại bỏ cá nóc lẫn cá thường khi phơi khô; không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm cá nóc khác để bán; không ăn cá nóc tươi và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.
Khi ăn phải cá nghi ngờ là cá nóc, nếu xuất hiện dấu hiệu ngứa họng, tê môi, tê lưỡi, tê bàn tay thì gây nôn ngay bằng ngoáy thành sau họng, uống thuốc giải độc (than hoạt và sorbitol), đồng thời, phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Bình luận (0)