Đó là kết luận của một nghiên cứu mới được công bố trên Journal of Abnormal Psychology. Cụ thể, từ năm 2009 đến 2017, tỉ lệ trầm cảm ở đối tượng từ 14 đến 17 tuổi tăng hơn 60%; độ tuổi từ 12 đến 13 tăng 47%; độ tuổi từ 18 đến 21 tăng 46%; độ tuổi từ 20 đến 21 tăng gấp đôi.
tin liên quan
Trầm cảm bủa vây cuộc sốngDữ liệu năm 2018 cho thấy hơn 1/8 người Mỹ từ 12 đến 25 tuổi trải qua giai đoạn trầm cảm nặng, theo NPR.
Xu hướng tương tự cũng xảy ra khi các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu về các vụ tự tử, cố tự tử và “đau khổ tâm lý nghiêm trọng” (nguyên văn: serious psychological distress). Tỉ lệ suy nghĩ, lập kế hoạch và cố tự tử ở người trẻ đều tăng đáng kể, một số trường hợp tăng hơn gấp đôi, giữa năm 2008 và 2017, theo The Time.
Những phát hiện này dựa trên dữ liệu được thu thập từ hơn 600.000 người trong Khảo sát quốc gia về sử dụng thuốc và sức khỏe, một cuộc khảo sát hằng năm về sức khỏe tâm thần trên toàn quốc được thực hiện bởi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.
Một trong những tác giả nghiên cứu - giáo sư tâm lý học Jean Twenge, Đại học San Diego (Mỹ), cho biết: “Có một thay đổi đã tác động đến cuộc sống của họ, đó là sự phát triển của điện thoại thông minh và phương tiện kỹ thuật số như mạng xã hội, nhắn tin và game”.
Tất nhiên người lớn tuổi cũng sử dụng những công nghệ này nhưng việc hấp thu của những người trẻ nhanh hơn và hoàn thiện hơn nên tác động đến cuộc sống xã hội của họ lớn hơn rất nhiều.
“Cách những người trẻ giao tiếp và dành thời gian giải trí của họ đã thay đổi về cơ bản. Họ dành ít thời gian với bạn bè, ít thời gian ngủ hơn và dành nhiều thời gian hơn cho mạng. Việc ấy khiến họ không có một cuộc trò chuyện thời gian thực với ai đó - thường thì họ không nhìn thấy mặt, không thể ôm, điều đó không thỏa mãn về mặt cảm xúc như gặp nhau trực tiếp”, giáo sư Jean Twenge bổ sung.
Mặc dù không phải tất cả các bằng chứng đều phù hợp nhưng một lượng lớn các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng công nghệ và kết quả sức khỏe tâm thần kém của thanh thiếu niên và thanh niên trẻ, theo The Time.
tin liên quan
Nghĩ quẩn, hai chị em uống thuốc diệt cỏ tự tửNhững phát hiện của nghiên cứu mới "hoàn toàn đúng" đối với nhà tâm lý học lâm sàng trẻ em Mary Fristad, Khoa Tâm thần và Sức khỏe Hành vi tại Đại học Bang Ohio (Mỹ). Fristad có kinh nghiệm người trị liệu cho trẻ em từ 10 tuổi đến đại học, nói với NPR rằng các bệnh nhân của cô thường "không trông đợi sẽ vui như thế nào vào cuối tuần, mà là suy nghĩ sự kiện nào có thể đăng trên Snapchat để những người khác biết họ có bạn bè”.
Mary Helen Immordino-Yang, giáo sư tâm lý học và giáo dục tại Đại học Nam California (Mỹ), chia sẻ trên The Time: “Tôi nghĩ đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Những phát hiện này được đưa ra cùng với các loại bằng chứng khác cho thấy chúng ta không hỗ trợ thanh thiếu niên theo những cách phù hợp về mặt phát triển”.
Trong khi đó, theo NPR, một số nhà nghiên cứu khác ít tin vào mối liên hệ giữa thời gian dùng điện thoại và tâm trạng. Robert Croesner, nhà nghiên cứu về sức khỏe vị thành niên, Đại học Texas (Mỹ), nói là có nhiều thứ khác ngoài công nghệ góp phần vào sự phát triển tỉ lệ trầm cảm và tự tử.
Còn Andrew Przybylski, nhà tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Oxford (Anh), tỏ ra nghi ngờ về kết quả vì nghiên cứu dùng dữ liệu mô tả. Ông nói: “Tôi thấy rất đáng tiếc khi có những suy đoán không đáng có về tác động của công nghệ".
Ông tin rằng sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tự tử có thể được giải thích bằng các yếu tố khác như khủng hoảng opioid (nhóm thuốc giảm đau gây nghiện).
Bình luận (0)