Hàng trăm câu hỏi, thắc mắc, kiến nghị, chia sẻ bạn đọc gửi đến buổi tọa đàm trực tuyến về giá điện, tiền điện do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua 5.5 đã được lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), các công ty điện lực thành viên trả lời thẳng thắn, cụ thể, chi tiết...
Tiền điện tăng do thời tiết, thói quen sử dụng...
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, ví von “nóng nhất thời gian này không phải là thời tiết mà là giá điện”. Quả thật, đến 1/3 số câu hỏi bạn đọc gửi đến Báo Thanh Niên thắc mắc về tiền điện tháng 4 tăng mạnh, trong đó không ít hộ cho rằng, lượng điện sử dụng của gia đình mình không tăng đến như vậy. “Ngành điện trong thời gian qua có tăng giá hay không?”, bạn Vĩnh Trang (TP.HCM) hỏi. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), khẳng định: Từ lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất vào ngày 22.3.2019, đến nay chưa có sự điều chỉnh giá điện.
Giải thích rõ hơn về hóa đơn nhiều hộ tăng vọt trong tháng 4, ông Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt - lạnh (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng: Tháng 4 - 5 - 6 cả nước, đặc biệt là TP.HCM vào cao điểm nắng nóng, Hà Nội cũng bước vào mùa hè.
Khi nhiệt độ ngoài trời tăng, chúng ta sẽ sử dụng quạt máy, điều hòa, là các thiết bị tiêu thụ điện rất lớn, nhiều hơn. Theo quan sát của ngành điện, tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64% lượng điện của một hộ, cá biệt có hộ lên tới 80%. Tháng 4 cũng là tháng giãn cách xã hội, hầu hết mọi người ở nhà nên sử dụng điều hòa hoặc quạt máy nhiều hơn.
“Ngay trong nhà tôi, tôi lấy lại lịch sử năm 2019, tháng ít nhất là tháng 3 do thời tiết còn lạnh thì nhà tôi dùng khoảng 200 số (kWh) điện, khoảng 390.000 đồng. Nhưng tới tháng 6 trời nóng, con gái tôi nghỉ hè dùng nhiều điện hơn, lên 563 số, quy ra tiền khoảng 1,4 triệu đồng. Chênh lệch tới gần 4 lần. Rõ ràng, ảnh hưởng của thời tiết là rất lớn đến tiêu thụ điện”, ông Dũng nói và cho biết, ảnh hưởng của thời tiết đến máy điều hòa cũng rất lớn.
Cứ nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1oC thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng từ 2 - 3% tùy loại. Nếu nhiệt độ tăng lên 5% thì lượng điện tiêu thụ tăng 10%, cộng với lũy tiến thì giá điện sẽ cao. Chưa kể lượng điện năng tiêu thụ “âm thầm” do thói quen sử dụng. Cứ hạ 1oC trong phòng thì điều hòa lại tốn thêm 1,5 - 2% lượng điện tiêu thụ...
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Nam, thừa nhận: Trong thời gian qua có nhiều khách hàng khiếu nại tại sao hóa đơn tiền điện tháng sau tăng cao hơn tháng trước.
Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị điện lực trực thuộc tiếp cận, tìm hiểu và giải thích cho khách hàng trong vòng 24 giờ đồng hồ. Ví dụ người dân thắc mắc tại sao hóa đơn tháng 4 lại cao hơn tháng 3. Chúng ta đều biết, hóa đơn tháng 3 chính là điện năng tiêu thụ của tháng 2. Còn hóa đơn tháng 4 là điện năng tiêu thụ trong tháng 3, trễ đi 1 chu kỳ. Số ngày tháng 2 chỉ 29 ngày nhưng tháng 3 là 31 ngày. 2 ngày chênh lệch ghi điện chiếm gần 7% trong tổng lượng điện tiêu thụ, cộng thêm tháng 4 nhiệt độ tăng cao.
“Qua theo dõi, chúng tôi thấy sản lượng điện sinh hoạt của hộ gia đình cao hơn tháng 3 khoảng 11%. Cộng thêm tháng 4 tăng cao do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cha mẹ ở nhà làm việc từ xa, con cái không đi học nên ở nhà, tất cả làm tăng sản lượng điện tiêu thụ. Tất cả yếu tố đó cộng lại khiến mức chênh lệch cao hơn”, ông Lý giải thích và cho biết, cũng có thắc mắc là công tơ điện có chạy chính xác hay không? Vấn đề này, tổng công ty cũng đã có phúc tra, kiểm định công tơ dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, kiểm định lại công tơ và kết quả cho thấy 99,99% là công tơ chạy chính xác vì các công tơ điện tử khi được sử dụng phải được đăng ký, kiểm định mẫu theo đúng quy trình của Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam và hằng năm tổng công ty đều phải chịu kiểm tra từ các đơn vị đo lường tại các tỉnh thành.
Biểu giá điện còn 5 bậc, hóa đơn nhiều hộ sẽ giảm?
Rất nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao lại tính giá điện theo bậc thang, cách tính này đến nay có còn phù hợp hay không? Ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích: Hiện khoảng 60 - 70% sản lượng điện mà người dân sử dụng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được nên việc áp dụng biểu giá điện bậc thang sẽ khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Vấn đề là làm sao thiết kế biểu giá bậc thang phù hợp nhất với mức sinh hoạt của người dân và thuận lợi cho họ khi kiểm tra và xác định tiền sử dụng điện để điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp nhất.
Đây chính là mục tiêu của ngành điện lực khi thiết kế biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương cũng đã xây dựng phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Dựa vào khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng, đơn vị này dự kiến ghép 2 bậc đầu tiên làm 1, áp dụng bậc 1 từ 0 - 100 kWh thay vì 50 kWh như hiện nay. Như vậy tổng số sẽ còn lại 5 bậc và bậc cao nhất nâng từ 401 kWh lên 700 kWh.
“Thống kê cho thấy trung bình 1 hộ tiêu thụ trên 180 kWh/tháng. Hiện có khoảng 86% gia đình sử dụng dưới 300 kWh/tháng. Như vậy, ghép 2 bậc đầu tiên là phù hợp với sinh hoạt của nhiều người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc thực hiện kiểm tra lại thực tế sử dụng điện của người dân theo định kỳ hằng năm để điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho phù hợp”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN TP.HCM, bổ sung: Hiện có 14,3% số hộ dân sử dụng dưới 50 kWh/tháng và 70,56% số hộ sử dụng dưới 200 kWh/tháng. Như vậy, mức dưới 200 kWh đáp ứng được số đông người dùng. Chỉ có 33,48% số hộ sử dụng điện cao hơn. “Bình quân sử dụng điện từ năm 2018 chỉ là 179 kWh/tháng nhưng đến 2019 số tiêu thụ trung bình tăng lên 185 kWh/hộ. Trong 1 năm đã tăng lên 11 số điện và đây là con số rất lớn. Vì vậy, cần thiết áp dụng biểu giá điện bậc thang để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn”, ông Dũng nói.
Điện mua một giá, sao bán nhiều giá?
Đây là câu hỏi cũng được khá nhiều bạn đọc quan tâm. Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định hiện nay Việt Nam đang triển khai thị trường điện, các nhà máy điện trong hệ thống đều chào giá trên thị trường điện nên nói mua toàn bộ điện một giá là không chính xác.
Có thể phân ra làm mấy loại sau. Thứ nhất, các nhà máy điện được chào từng mức giá một và Trung tâm điều độ quốc gia (thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN) sẽ huy động dựa trên giá chào của từng nhà máy. Thứ hai là nguồn năng lượng xanh, sạch được khuyến khích như giá điện mặt trời là 9,3 cent/kWh.
“Như tôi vừa nói trên, với những đặc điểm về sản xuất, truyền tải cũng như quá trình huy động về điện như vậy, hầu hết các nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia, hay những nước phát triển như Nhật, Mỹ... đều áp dụng biểu giá bậc thang đối với khách hàng. Biểu giá này phù hợp với việc huy động nguồn điện từ thấp đến cao và khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm hiệu quả”, ông Tuấn nói.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, bổ sung thị trường điện đang xây dựng theo cấp độ điện cạnh tranh. Cụ thể, từ ngày 1.1.2013, Việt Nam thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Từ 1.1.2019, chúng ta thực hiện bán buôn cạnh tranh và trong thời gian tới chúng ta sẽ thực hiện thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Thị phần lắp đặt của thị trường ngành điện Việt Nam chiếm 53% tổng nguồn cung cấp trên toàn quốc, phần còn lại do các chủ đầu tư độc lập, BOT và các chủ nhà máy khác.
“Toàn bộ công suất cung cấp điện cho toàn quốc được vận hành qua thị trường điện cạnh tranh và thị trường này vận hành theo Trung tâm điều độ điện quốc gia đáp ứng cung cấp nhu cầu điện, đảm bảo an toàn an ninh hệ thống và hiệu quả hệ thống điện Việt Nam”, ông Lâm cho biết.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quốc Dũng giải thích chúng ta dùng điện càng nhiều thì càng phát thải nhiều khí nhà kính, càng tác động lớn làm biến đổi khí hậu nên việc tính điện theo giá bậc thang ngoài chuyện tiết kiệm năng lượng còn là bảo vệ môi trường. Dùng điện nhiều, gây ảnh hưởng đến môi trường nhiều thì phải trả giá cao.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN: Nỗ lực rất lớn để giảm giá điện Hiện EVN vẫn đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương về việc giảm giá điện bắt đầu từ 16.4 và sẽ kéo dài trong 3 tháng liên tiếp, cho tới 15.7. Đây là nỗ lực rất lớn của cán bộ nhân viên tập đoàn bởi trong chi phí giá thành để bán điện mà Bộ Công thương quy định, riêng chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập ngoài EVN đã chiếm 82%. Do đó, để có thể giảm giá, EVN đã phải thực hiện nhiều giải pháp để vừa đảm bảo cung ứng đủ điện cho người dân, vừa giữ kết quả hoạt động kinh doanh ổn định.
|
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVN HCM: Triển khai thay công tơ đo xaHiện nay, Công ty điện lực Gia Định (TP.HCM) đang triển khai thay công tơ có chức năng đo xa, khách hàng có thể nằm trong khu vực mà các chỉ số được nhà điện đọc từ xa nên không có nhân viên đi ghi điện. Đó là lý do nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao không thấy nhân viên ghi điện tới mà vẫn tính được số lượng điện tiêu thụ. Trong thời gian dịch bệnh, công ty thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thời gian đầu cách ly các bộ phận trong phòng giao dịch nên khách hàng tới không gặp được nhân viên. Tuy nhiên, các dịch vụ trực tuyến hoặc qua tổng đài của điện lực vẫn được duy trì. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền kênh trực tuyến để khách hàng có thể dễ dàng gửi tới các thắc mắc, khiếu nại.
|
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: Chi phí đầu tư ngoài ngành không tính vào giá điệnTất cả chi phí nào nằm trong dây chuyền sản xuất thì được tính toán đưa vào giá thành điện. Còn các chi phí được độc giả nêu trước đây như lỗ do đầu tư ngoài ngành hay đầu tư các công trình phúc lợi cho nhân viên thì không tính vào giá điện. Theo quy định, hằng năm Bộ Công thương đều có tổ liên ngành gồm đại diện các Bộ Tài chính, Công thương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ LĐ-TB-XH, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội... đi kiểm tra giá tất cả các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ của ngành điện. Trên cơ sở kiểm tra giá thành, Cục sẽ làm tổng hợp báo cáo. Kết thúc các đợt kiểm tra này sẽ tổ chức họp báo và thông tin số liệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các website của Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực...
|
Ông Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt - lạnh: “Mẹo” tiết kiệm điện Trong hộ gia đình, thiết bị điện đầu tiên tiêu thụ điện nhiều nhất là điều hòa, từ 30 - 60%, nhất là trong Nam; ngay sau đó là tủ lạnh, hoạt động 24/7, chiếm khoảng 20% lượng điện tiêu thụ, rồi nồi cơm điện, chiếu sáng. Vậy muốn tiết kiệm thì ngay từ khi lắp đặt điều hòa, chúng ta phải tính. Ví dụ như cục nóng phải ở chỗ thoáng khí để giải nhiệt được.
Vị trí giữa dàn nóng và dàn lạnh không vượt quá chiều dài khoảng 15 - 20 m tùy công suất máy. Thông thường người ta khuyến cáo chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời không quá 8 - 12oC. Nếu ngoài trời là 36oC thì trong nhà từ 26 - 28oC là vừa.
Dưới nhiệt độ này, không chỉ tốn điện mà còn tạo ra sốc nhiệt, nhất là đối với trẻ em và người già. Hay với tủ lạnh, chúng ta cần có thói quen khi nấu ăn thì lấy hết đồ ra thay vì mở cửa nhiều. Mở cửa tủ lạnh nhiều lần có thể tăng tới 17% điện năng tiêu thụ. Tương tự, ti vi, điều hòa... nếu chúng ta chỉ tắt điều khiển từ xa chứ không tắt nguồn thì nó vẫn tiêu thụ điện dù ít. Mỗi thứ một ít, gom cả năm cũng tốn thêm hàng trăm số điện...
|
Bình luận (0)